Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra khắc nghiệt, cùng với nhu cầu phát triển kinh tế bền vững, việc áp dụng mô hình ESG (Môi trường, Xã hội, Quản trị) đã trở thành một yêu cầu tất yếu đối với các ngân hàng tại Việt Nam.
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu, với tổn thất ước tính lên đến 15 tỷ USD mỗi năm, tương đương khoảng 5% GDP. Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050, mở ra hướng đi mới cho phát triển bền vững.
Ngân hàng, với vai trò trung gian tài chính, đã nhanh chóng trở thành một nhân tố quan trọng trong việc thực hiện các cam kết này, cũng như các mục tiêu về phát triển bền vững quốc gia.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), thực thi ESG được xem như giải pháp không thể thiếu để thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. NHNN đã ban hành nhiều cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy phát triển ngân hàng xanh, hoạt động tín dụng xanh và phát triển bền vững. NHNN cũng đã phối hợp với IFC xây dựng Sổ tay hướng dẫn đánh giá các rủi ro môi trường và xã hội cho 15 ngành kinh tế có rủi ro môi trường và xã hội cao nhất...
Đáng chú ý, các ngân hàng tiên phong như BIDV, Vietcombank, TPBank, HDBank đã phát triển “Khung tín dụng xanh” và “Khung khoản vay bền vững”, từ đó xây dựng quy trình quản lý vốn hiệu quả, đáp ứng các tiêu chí ESG.
Theo thống kê, có tới 90% các ngân hàng tại Việt Nam đã áp dụng một phần hoặc toàn bộ mô hình ESG vào hoạt động, với gần 50% thành lập bộ phận quản trị rủi ro tín dụng bảo vệ môi trường. Những con số này không chỉ minh chứng cho nỗ lực của ngành ngân hàng mà còn khẳng định vai trò quan trọng của ESG trong thúc đẩy tăng trưởng xanh và bảo vệ nền kinh tế trước các thách thức toàn cầu.
Dù đã đạt được nhiều thành tựu, việc thực thi ESG tại Việt Nam vẫn đối mặt với không ít khó khăn. Trước hết, hệ thống tiêu chí và danh mục dự án xanh tại Việt Nam còn chưa đồng nhất, khiến các ngân hàng gặp khó khăn trong việc xác định và thống kê nguồn lực tín dụng xanh.
Ngoài ra, việc cấp tín dụng xanh đòi hỏi yếu tố kỹ thuật về môi trường, gây trở ngại cho cán bộ tín dụng trong quá trình thẩm định và đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng. Thời gian hoàn vốn dài và chi phí đầu tư lớn của các dự án xanh cũng là một áp lực đáng kể đối với các ngân hàng, đặc biệt khi phải cân đối nguồn vốn ngắn hạn với tỷ lệ vốn trung và dài hạn theo quy định.
Năng lực quản trị và tầm nhìn chiến lược về ESG của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, còn hạn chế, cản trở quá trình chuyển đổi sang mô hình kinh doanh bền vững. Điều này không chỉ tác động đến hiệu quả tín dụng mà còn làm gia tăng rủi ro trong quản lý của các tổ chức tín dụng.
Tính đến ngày 31/3/2024, có 47 tổ chức tín dụng báo cáo tổng dư nợ tín dụng xanh đạt gần 640.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 4,6% tổng dư nợ nền kinh tế. Đồng thời, 34 tổ chức tín dụng đã thực hiện đánh giá rủi ro môi trường và xã hội với tổng dư nợ đạt 2,9 triệu tỷ đồng, chiếm gần 21% tổng dư nợ nền kinh tế.
Khu vực Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, đang trở thành điểm sáng thu hút dòng vốn bền vững nhờ tiềm năng kinh tế xanh và năng lượng tái tạo. Tính đến giữa năm 2024, tổng tài sản của các quỹ tài chính bền vững trên toàn cầu đã đạt 3.500 tỉ USD, theo ước tính của Khối Nghiên cứu MBS.
Ví dụ điển hình là tại Đồng bằng sông Cửu Long, dòng vốn tín dụng xanh từ Agribank đã thúc đẩy các mô hình nông nghiệp bền vững, năng lượng tái tạo và giảm phát thải carbon. Cụ thể, ngân hàng này đã ưu tiên tài trợ các dự án công nghệ cao và năng lượng sạch, coi tín dụng xanh là bước đi chiến lược trong hành trình ESG.
Ngoài tín dụng xanh, các ngân hàng như Agribank còn thực hiện nhiều sáng kiến như giảm thiểu tài nguyên, ưu tiên sản phẩm thân thiện môi trường, và hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho cộng đồng yếu thế. Những nỗ lực này không chỉ nâng cao uy tín mà còn tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Để ESG trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển bền vững của ngành ngân hàng, sự hỗ trợ từ cả bên trong và bên ngoài ngành là điều cần thiết. Theo các chuyên gia đánh giá, bên trong ngành, các ngân hàng cần nâng cao năng lực quản trị rủi ro môi trường, đầu tư vào đào tạo chuyên môn và phát triển đội ngũ cán bộ tín dụng chuyên sâu về ESG. Việc xây dựng hệ thống dữ liệu minh bạch và tiêu chí đánh giá rõ ràng cũng là yếu tố then chốt để hỗ trợ các ngân hàng và doanh nghiệp trong việc quản lý rủi ro môi trường, quản trị.
Bên ngoài ngành, việc thiết lập khung pháp lý rõ ràng và đồng nhất, cũng như các chính sách hỗ trợ từ cơ quan quản lý, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai ESG. Ngoài ra, các ngân hàng cần thúc đẩy hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế để tiếp cận nguồn vốn xanh và hỗ trợ kỹ thuật, giúp cải thiện năng lực và mở rộng phạm vi tín dụng xanh. Theo đó, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Nhà nước, ngân hàng và doanh nghiệp là chìa khóa quan trọng để thực hành ESG hiệu quả. Việc xây dựng các cơ chế ưu đãi và quỹ tài chính bền vững cũng được đề xuất nhằm thúc đẩy tín dụng xanh và giảm bớt khó khăn cho các tổ chức tín dụng.
Năm 2025, ESG không chỉ là xu hướng toàn cầu mà còn là chiến lược quan trọng để các ngân hàng Việt Nam bắt kịp sự chuyển đổi của nền kinh tế. Với các bước tiến hiện tại, ngành ngân hàng Việt Nam đã thể hiện rõ quyết tâm trong việc hướng đến một tương lai bền vững. Tuy nhiên, để ESG thực sự mang lại giá trị lâu dài, ngành ngân hàng cần vượt qua những rào cản hiện tại và hợp tác chặt chẽ với các bên liên quan, tạo nên một hệ sinh thái tài chính xanh mạnh mẽ, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.
URL: https://thitruongbiz.vn/thuc-thi-esg-trong-ngan-hang-tai-viet-nam-la-xu-the-tat-yeu-d26790.html
© thitruongbiz.vn