Theo thông báo từ Starbucks Việt Nam trên trang Facebook chính thức, cửa hàng Starbucks Reserve, cà phê cao cấp, duy nhất ở số 11 và 13, phố Hàn Thuyên, quận 1, TP HCM, sẽ ngưng hoạt động từ ngày 26-8, sau 7 năm mở cửa.
Tối ngày 18/8, trên fanpage Starbucks Vietnam đăng tải nội dung đóng cửa Starbucks Reserve Hàn Thuyên (Quận 1, TP HCM). “Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng nhiều yếu tố, chúng tôi rất tiếc khi phải thông báo cửa hàng Starbucks Reserve Hàn Thuyên sẽ chính thức ngưng hoạt động từ ngày 26/8. Tuy nhiên, sự kết thúc sẽ là một khởi đầu mới, Starbucks Reserve sẽ sớm trở lại ở một vị trí khác và hứa hẹn mang đến cho bạn những trải nghiệm tuyệt vời hơn nữa”, Starbuck Vietnam viết. Về lý do đóng cửa không được đơn vị này nêu rõ.
Starbucks Reserve Hàn Thuyên là cửa hàng Reserve đầu tiên và duy nhất tại TPHCM của hãng cà phê Mỹ, nơi giới thiệu những hương vị cà phê cao cấp được pha chế bởi những coffee master.
![]() |
Bài đăng thông báo ngừng hoạt động Starbucks Reserve Hàn Thuyên trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình |
Đã hoạt động được 7 năm và luôn đông khách nhưng việc Starbucks Reserve Hàn Thuyên đóng cửa lập tức thu hút sự quan tâm của nhiều người. Tuy đóng cửa điểm bán này nhưng Sarbucks Việt Nam cho biết sẽ sớm trở lại tại một vị trí khác.
Như vậy, tại TP HCM, Starbuck sẽ còn các cửa hàng: Starbucks New World, Starbucks MPlaza và Starbucks Waterbus Thủ Thiêm. Hiện Starbucks chỉ còn duy nhất cửa hàng Reserve trên phố Nhà Thờ, Hà Nội.
Theo đồn đoán của một số môi giới bất động sản, tại địa chỉ 11-13 Hàn Thuyên này đang được đăng tìm người thuê nhà, với giá 30.000 USD mỗi tháng, tương đương hơn 750 triệu đồng một tháng.
![]() |
Đây không phải là lần đầu tiên Starbucks đóng cửa chi nhánh tại các địa điểm đắc địa. Vào tháng 6/2022, chuỗi cà phê này đã đóng cửa cửa hàng lâu năm tại khách sạn Lan Viên ở Hà Nội và chi nhánh tại khách sạn Rex ở TP.HCM vào đầu tháng 10/2021.
Starbucks Việt Nam hiện có hơn 100 cửa hàng trên cả nước và tiếp tục mở rộng quy mô hoạt động. Dưới sự dẫn dắt của Tổng Giám đốc mới, ông Hồ Mai Hồ, chuỗi cà phê này đang hướng đến việc phát triển tại các khu dân cư mới, với các cửa hàng mới đã đạt được doanh thu tốt nhờ vào vị trí chiến lược của chúng.
Sau 11 năm có mặt tại Việt Nam, tính đến tháng 5/2024, Starbucks có tổng cộng108 cửa hàng. Tại TPHCM, hãng cà phê Mỹ có những cửa hàng tọa lạc tại những vị trí đắc địa như Starbucks New World, Starbucks Nguyễn Huệ, Starbucks Mplaza, Starbucks Landmark 81, Starbucks Midtown Phú Mỹ Hưng…
![]() |
Tuy nhiên với thị trường cà phê Việt Nam ông lớn Starbucks không có quá nhiều "đất diễn" bởi văn hoá cà phê cũng như chất lượng từ hạt cà phê Việt xuất hiện ở nhiều cửa hàng, quán vỉa hè với mức giá cả cạnh tranh.
Theo báo cáo của Vietdata, thị trường F&B Việt Nam nói chung và thị trường quán cà phê nói riêng đã có sự tăng trưởng vượt bậc trong năm 2023. Đến cuối năm 2023, thị trường ăn uống tại chỗ ước đạt 21,6 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2022. Trong đó, doanh thu thị trường quán cà phê ước đạt 1,46 tỷ USD, tăng 13%.
Các chuỗi cà phê lớn cũng nhanh chóng mở rộng quy mô, tạo nên sự thống nhất về không gian, dịch vụ và chất lượng trên toàn hệ thống. Dù vậy, mô hình quán cà phê nhỏ lẻ vẫn giữ vai trò quan trọng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong các khu dân cư.
Sự đa dạng này đã góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của thị trường cà phê Việt Nam trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, song song với sự phát triển, thị trường cà phê Việt Nam đang chứng kiến một cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các đối thủ.
Bên cạnh những chuỗi cà phê lớn như Highlands Coffee, The Coffee House và Starbucks, nhiều chuỗi thương hiệu nhỏ cũng đang nhanh chóng mở rộng quy mô và chiếm lĩnh các khu vực then chốt.
những thương hiệu nhỏ cũng tham gia cuộc chiến theo hướng đi "concept hóa", làm tăng sự hỗn loạn của cạnh tranh thị trường. Nhìn chung, các thương hiệu cà phê đang cạnh tranh theo hai chiều hướng chính.
Đầu tiên là việc cạnh tranh theo chiều ngang khi các thương hiệu thi nhau mở rộng số lượng và quy mô cửa hàng.
Thị trường chuỗi cà phê hiện tại đang được dẫn dắt bởi 5 thương hiệu, bao gồm Highlands Coffee, Trung Nguyên E-Coffee, The Coffee House, Phúc Long và Katinat.
Đến cuối năm 2023, theo ước tính của Vietdata, thị phần của 5 ông lớn trong ngành đã tăng lên 42%. Trong đó, mức tăng chủ yếu thuộc về Highland Coffee (từ 7,4% lên 11,6%) và Phúc Long Coffee & Tea House (từ 2% lên 4,4%), Starbucks (từ 2,4% lên 3,8%). Và trong năm qua, toàn thị trường có khoảng 143 cửa hàng mới (thuộc chuỗi) được mở.
Những con số thống kê cho thấy các doanh nghiệp đều đang tập trung vào việc chiếm lĩnh thị phần và vị trí hàng đầu trên thị trường. Cuộc cạnh tranh quy mô diễn ra không chỉ trên phương diện quy mô mạng lưới, mà còn về vị trí địa lý, sự thuận tiện và trải nghiệm khách hàng.
Trong khi đó, cạnh tranh theo chiều dọc là việc các quán cà phê nhỏ lẻ cạnh tranh bằng "ý tưởng" quán. Các chủ quán không ngừng sáng tạo và thử nghiệm những phong cách kiến trúc đa dạng, từ cổ điển, retro đến hiện đại, công nghiệp. Điều này tạo nên sự phong phú về mặt hình thức, mang lại các trải nghiệm khác nhau cho khách hàng.
Bên cạnh đó, các chủ quán cũng chú trọng đến việc tạo ra những concept độc đáo, mang tính trải nghiệm cao.
© thitruongbiz.vn