Theo Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), ngày 21/5, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã chính thức cập nhật 829 mã số vùng trồng và 131 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam.
Thông tin từ Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT), ngày 21/5, Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt thêm 829 vùng trồng, 131 cơ sở đóng gói sầu riêng Việt Nam được phép xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Tính đến ngày 21/5, Việt Nam có hơn 1.400 mã số vùng trồng sầu riêng (đã trừ đi các mã số bị thu hồi) được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.
Theo Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, đây là kết quả của quá trình phối hợp chặt chẽ giữa Việt Nam và phía Trung Quốc trong việc nâng cao năng lực giám sát, truy xuất nguồn gốc và đảm bảo an toàn thực phẩm trong toàn chuỗi giá trị xuất khẩu sầu riêng.
Theo GACC, việc mở rộng danh sách này tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc. Các địa phương và doanh nghiệp cần chủ động tận dụng cơ hội, đồng thời bảo đảm tuân thủ nghiêm túc quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm nhằm xuất khẩu một cách bền vững.
Những năm gần đây, diện tích sầu riêng ở nước ta mở rộng nhanh chóng, đạt gần 180.000 ha. Tổng sản lượng sầu riêng cũng tăng mạnh qua các năm và ước đạt trên 1,55 triệu tấn vào năm 2025.
Tuy nhiên, theo quy định, chỉ có sầu riêng ở những vùng trồng mà GACC phê duyệt mới được phép xuất khẩu vào Trung Quốc. Do đó, việc được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt thêm các mã số vùng trồng mới cho Việt Nam cũng mở ra cơ hội chúng ta có thể gia tăng sản lượng sầu riêng xuất khẩu vào thị trường này.
Theo lãnh đạo Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, thị trường ngày càng khó tính, chỉ cần sai lệch nhỏ về dư lượng hóa chất hay truy xuất không đúng nguồn gốc có thể khiến vùng trồng bị đình chỉ, doanh nghiệp mất quyền xuất khẩu. Vì vậy, giữ vững từng mã số vùng trồng giờ đây không còn là lựa chọn, mà là điều kiện sống còn để có thể xuất khẩu sầu riêng vào thị trường tỷ dân này.
Đến hết năm 2024, diện tích trồng sầu riêng cả nước đã tăng nhanh chóng, đạt gần 180.000 ha với sản lượng khoảng 1,5 triệu tấn. Ngoài thị trường Trung Quốc, sầu riêng tươi Việt Nam được tiêu thụ trên 20 thị trường khác như Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Thụy Sỹ, EU, Nhật Bản…; sầu riêng đông lạnh có mặt tại hơn 20 thị trường như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc), Kazakstan…. Ông Huỳnh Tấn Đạt thông tin, trong giai đoạn từ nay đến 2030, mục tiêu lớn nhất của ngành không còn là mở rộng diện tích mà là nâng cao độ tin cậy.
Bên cạnh đó, hiện nay, không chỉ thị trường Trung Quốc mà hầu hết các thị trường nhập khẩu nông sản trên thế giới đều đang siết chặt hơn các yêu cầu kỹ thuật nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ người tiêu dùng. Đặc biệt, đối với mặt hàng trái cây tươi, các nước nhập khẩu thường đặt ra hàng rào tiêu chuẩn rất cao, cả về chất lượng, quy trình sản xuất, kiểm dịch thực vật và tính minh bạch về nguồn gốc.
URL: https://thitruongbiz.vn/sau-rieng-viet-nam-doan-tin-vui-tren-thi-truong-xuat-khau-d28712.html
© thitruongbiz.vn