Theo công bố kết quả kinh doanh quý I/2025 của PNJ, với doanh thu thuần đạt 9.635 tỷ đồng, giảm 23,5% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế giảm hơn 8% so với quý I/2024 xuống mức 678 tỷ đồng. Sau 3 tháng đầu năm, công ty đã hoàn thành 35% kế hoạch lợi nhuận đề ra.
Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã chứng khoán PNJ) vừa công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2025 với doanh thu thuần đạt 9.635 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm đạt 678 tỷ đồng, lần lượt giảm 23,5% và 8,1% so với cùng kỳ năm 2024.
Năm 2025, PNJ dự kiến kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu 31.607 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 1.960 tỷ đồng, tương ứng giảm 17% và 7% so với năm 2024. Như vậy, sau 3 tháng đầu năm, công ty ước tính đã thực hiện được 30% chỉ tiêu doanh thu và 35% kế hoạch lợi nhuận đề ra.
Đáng chú ý, trong quý I dù lợi nhuận giảm do doanh thu giảm nhưng biên lợi nhuận gộp trung bình vẫn đạt 21,3%, tăng so với mức 17,1% của quý I/2024, chủ yếu nhờ sự thay đổi trong cơ cấu doanh thu. Tỷ trọng doanh thu từ trang sức bán lẻ theo đó đạt 69,3%, tăng mạnh 18,8% so với mức 50,5% của quý I/2024.
Cụ thể, doanh thu trang sức bán lẻ trong quý I của công ty đạt 6.677 tỷ đồng, tăng 6,1% so với cùng kỳ đi ngược lại xu hướng giảm của thị trường khi sức mua trang sức suy yếu do giá vàng tăng cao và nhu cầu tiêu dùng chung của thị trường bán lẻ giảm tốc trong tháng 3.
Kết quả tích cực này đến từ việc mở rộng mạng lưới và gia tăng số lượng cửa hàng so với cùng kỳ, các chương trình marketing mùa cao điểm đầu năm đạt hiệu quả tốt và chiến lược sản phẩm phù hợp xu hướng thị trường cũng như việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Tương tự, doanh thu trang sức bán sỉ trong quý I/2025 cũng tăng 22,8% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 12% trong tổng cơ cấu doanh thu, tương ứng 1.156 tỷ đồng.
Ngược lại, doanh thu vàng 24K trong quý đầu năm lại giảm 65,8% so với cùng kỳ. Theo PNJ, trước tình trạng nguồn nguyên liệu gặp khó khăn và nguồn cung sản phẩm 24K bị hạn chế kéo dài từ nửa cuối năm 2024 đến nay, công ty đã chủ động ưu tiên phân bổ nguồn lực cho mảng trang sức bán lẻ – lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của công ty.
"Việc giới hạn số lượng sản phẩm vàng 24K khiến doanh thu từ mảng này sụt giảm đáng kể, dù nhu cầu thị trường vẫn duy trì ở mức cao", PNJ cho biết.
Trước đó, trong báo cáo vào cuối quý III/2024, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) từng đưa ra dự báo trong bối cảnh giá vàng leo thang và việc siết chặt quản lý của Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng, PNJ sẽ không có doanh thu từ mảng vàng miếng từ năm 2025 trở đi do thiếu hụt nguồn cung và nhu cầu bán lại vàng miếng của người dân thấp.
Tuy nhiên, VDSC cho rằng, mảng kinh doanh vàng miếng chỉ là mảng phụ mà PNJ giữ lại để tiếp cận và thu hút khách hàng cho mảng cốt lõi là bán lẻ trang sức.
Tại cuộc gặp gỡ nhà đầu tư gần đây, lãnh đạo PNJ cũng khẳng định công ty sẽ ưu tiên nguồn vàng nguyên liệu để sản xuất nữ trang thay vì tập trung vào kinh doanh vàng miếng. Để giải quyết thách thức trong việc tìm nguồn cung vàng nguyên liệu, PNJ kỳ vọng Nghị định 24/2012/NĐ-CP sẽ sớm được sửa đổi nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp ngành vàng. Trong thời gian chờ đợi luật sửa đổi, PNJ có kế hoạch tăng tái chế trang sức, mua lại trang sức và nhập khẩu trang sức để bù đắp tình trạng thiếu hụt nguyên liệu.
Quay trở lại với hoạt động của PNJ, trong quý I/2025, chi phí hoạt động (bao gồm chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp) của PNJ giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2024. Mặc dù số lượng cửa hàng và nhân sự tăng theo kế hoạch mở rộng, chi phí hoạt động vẫn được kiểm soát, phù hợp với tốc độ tăng trưởng doanh thu của mảng trang sức bán lẻ - mảng có biên lợi nhuận cao nhất của PNJ.
Biên lợi nhuận ròng trong quý I/2025 của công ty ở mức 7%, giảm nhẹ so với quý IV năm ngoái song đây vẫn là mức cao hơn đáng kể so với 3 quý đầu năm 2024.
Đến cuối quý I/2025, PNJ đang có tổng cộng 429 cửa hàng, có mặt tại 58/63 tỉnh thành, bao gồm 421 cửa hàng PNJ, 4 cửa hàng Style by PNJ, 3 cửa hàng CAO Fine Jewellery và 1 trung tâm kinh doanh sỉ.
PNJ dự kiến họp cổ đông thường niên vào sáng ngày 26/4 tại TP HCM. Theo tài liệu ĐHĐCĐ, năm 2025, PNJ đề ra mục tiêu doanh thu 31.607 tỷ đồng, thấp hơn 17% so với kết quả cùng kỳ. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế gần 1.960 tỷ đồng, giảm 7% so với mức kỷ lục của năm trước. Song PNJ thường vượt kế hoạch kinh doanh.
PNJ nhận định, ngành trang sức đối mặt với những khó khăn khi nguồn nguyên vật liệu khan hiếm do giá vàng tăng, trong khi sức mua chưa phục hồi và mức tăng trưởng ngành bán lẻ hàng xa xỉ suy giảm. Nhiều doanh nghiệp ngành vàng đã đóng cửa, hoạt động cầm chừng, chuyển ngành. PNJ hiện là công ty trang sức duy nhất niêm yết có hơn 1.000 thợ kim hoàn, hai nhà máy và năng lực sản xuất khoảng bốn triệu sản phẩm/năm.
Theo ông Lê Trí Thông, cần có sự phân tách rõ ràng giữa vàng trang sức và vàng miếng - dù cùng là vàng nguyên liệu nhưng tính chất và mục đích sử dụng khác nhau. Nhưng do áp lực từ tỷ giá khiến Nhà nước phải hạn chế nhập khẩu vàng, nhưng nếu coi vàng trang sức là sản phẩm tiêu dùng thông thường, thì nhu cầu nhập khẩu vàng để sản xuất vàng trang sức chỉ khoảng 1-2 tỷ USD/năm - ngang với các ngành khác như mỹ phẩm.
Cũng theo ông hông, do không được nhập khẩu vàng nguyên liệu nhiều năm qua, nên dù có tiềm năng rất lớn nhưng ngành sản xuất vàng trang sức của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn.
Tổng giám đốc PNJ kiến nghị Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ ngành vàng trang sức, tránh việc gom chung vàng nguyên liệu và vàng miếng vào một nhóm, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng thời, cần tạo điều kiện để xuất khẩu sản phẩm vàng trang sức, thu về ngoại tệ cho đất nước.
Ông Thông cho rằng, một trong những xu hướng mới của ngành bán lẻ Lifestyle (phong cách sống) là các sản phẩm tập trung vào nam giới. Đây có thể xem là phân khúc giàu tiềm năng nhưng nhiều doanh nghiệp kim hoàn ít chú ý. Bên cạnh đó, PNJ đang tập trung nhiều hơn cho phân khúc khách hàng trẻ tuổi, đặc biệt là nhóm sinh vào cuối thập niên 90.
Trước đó, năm 2024, PNJ đạt doanh thu thuần 37.823 tỷ đồng, cao hơn 14% so với năm liền trước. Lợi nhuận sau thuế cao kỷ lục 2.113 tỷ đồng, tăng hơn 7% so với cùng kỳ.
Với kết quả đạt được, HĐQT PNJ đề xuất chia cổ tức theo đúng kế hoạch 20% bằng tiền mặt. Trong đó, Công ty đã tạm ứng 6% nên còn chi trả thêm 14% thời gian tới, tương ứng còn trả 473 tỷ đồng. Về phân phối lợi nhuận, PNJ muốn dành 40% lợi nhuận để trích vào quỹ đầu tư phát triển, 5% cho quỹ khen thưởng phúc lợi. Chỉ tiêu cổ tức duy trì ở mức 20% tiền mặt.
Còn về phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), Công ty dự kiến phát hành với tỷ lệ 0,96% trên tổng số cổ phần đang lưu hành, tương đương với 3,24 triệu cổ phiếu. Giá ưu đãi 20.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn nhiều so với mức trên 70.000 đồng hiện nay. Đối tượng là thành viên HĐQT, ban điều hành, cố vấn cao cấp, quản lý, chuyên gia và nhóm nhân sự chủ chốt.
Cũng tại đại hội thường niên năm nay, PNJ sẽ có 3 thành viên HĐQT kết thúc nhiệm kỳ. Do đó, Công ty sẽ tiến hành bầu bổ sung 3 thành viên Trần Ngọc Phương Thảo, Nguyễn Tuấn Hải và Tiêu Yến Trinh trở lại HĐQT nhiệm kỳ 2020-2025.
© thitruongbiz.vn