Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 dự kiến tổ chức vào ngày 10/04 tới, ông lớn ngành văn phòng phẩm - CTCP Tập đoàn Thiên Long (HoSE: mã chứng khoán TLG) lên kế hoạch kinh doanh khá thận trọng khi mục tiêu lợi nhuận đi lùi so với năm 2024.
Cụ thể, TLG đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 4.200 tỷ đồng trong năm 2025, tăng gần 12% so với kết quả thực hiện năm 2024. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế dự kiến giảm nhẹ xuống mức 450 tỷ đồng, thấp hơn khoảng 2% so với con số 461 tỷ đồng của năm trước.
Năm 2024, hoạt động kinh doanh của TLG ghi nhận kết quả khả quan. Theo báo cáo của Hội đồng Quản trị, doanh thu thuần hợp nhất đạt 3.759 tỷ đồng, tương đương 99% kế hoạch đề ra. Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 461 tỷ đồng, vượt 21% so với mục tiêu được ĐHĐCĐ thông qua.
Về chính sách cổ tức, TLG dự kiến phân phối lợi nhuận năm 2024 với tổng tỷ lệ cổ tức 35%. Trong đó, 25% được chi trả bằng tiền mặt (đã tạm ứng 10%) và 10% bằng cổ phiếu. Mức cổ tức tương tự cũng được lên kế hoạch cho năm 2025.
Một điểm đáng chú ý trong kỳ ĐHĐCĐ là TLG sẽ trình phương án phát hành 1,3 triệu cổ phiếu theo chương trình ESOP dành cho các thành viên Hội đồng Quản trị và đội ngũ quản lý chủ chốt. Giá phát hành dự kiến là 10.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn đáng kể so với thị giá hiện tại (59.000 đồng/cổ phiếu tính đến kết phiên ngày 21/3). Cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm, trong khi số tiền thu về từ đợt phát hành (tối đa 13 tỷ đồng) sẽ được bổ sung vào vốn lưu động, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Việc phát hành cổ phiếu ESOP dự kiến được triển khai vào nửa cuối năm 2025, sau khi hoàn tất việc chia cổ tức bằng cổ phiếu năm 2024 và nhận được chấp thuận từ cơ quan quản lý.
Thiên Long đặt ra 6 trụ cột chiến lược để duy trì tăng trưởng bền vững gồm: Kinh doanh nội địa: Củng cố hệ thống phân phối, đẩy mạnh thương mại điện tử, ra mắt sản phẩm sáng tạo; Phát triển quốc tế: Mở rộng thương hiệu FlexOffice và Colokit tại Đông Nam Á, châu Âu và châu Mỹ; R&D đổi mới sáng tạo: Tập trung vào bút êm, marker công nghệ cao, vật liệu tái chế, hướng đến Net Zero 2050; Chuyển đổi số: Ứng dụng AI, Machine Learning, ERP, tự động hóa sản xuất; Chuỗi cung ứng bền vững: Tăng cường dự báo, tối ưu tài nguyên, giảm hao phí; Phát triển nhân sự: Đầu tư vào đội ngũ nhân sự, xây dựng văn hóa doanh nghiệp “Học hỏi – Hạnh phúc – Trọn đời”.
Năm 2024, Thiên Long đạt doanh thu hợp nhất kỷ lục 3.759 tỷ đồng, tăng 8,6% so với năm trước, hoàn thành kế hoạch đề ra. Lợi nhuận sau thuế đạt 461 tỷ đồng, tăng 29% – mức cao nhất trong lịch sử công ty, vượt 21% so với kế hoạch năm.
Đặc biệt, mảng kinh doanh nội địa ghi nhận sự bùng nổ của kênh thương mại điện tử với doanh thu gấp 2,6 lần năm 2023, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm như Akooland, Demon Slayer và Flexio. Trong khi đó, mảng quốc tế cũng đạt nhiều thành công, đặc biệt tại Philippines, đồng thời mở rộng sang Nga, Kazakhstan, Mỹ, châu Phi và Trung Đông.
Đáng chú ý, Thiên Long đã quyết định đầu tư 760.000 USD (tương đương 19 tỷ đồng) để thành lập công ty tại Indonesia – một thị trường đầy tiềm năng với 270 triệu dân.
© thitruongbiz.vn