Ngày 30/4, trong không khí cả nước hân hoan kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, những địa danh từng là chiến trường xưa như Dinh Độc Lập, địa đạo Củ Chi, rừng Sác, Bến Nhà Rồng... lại trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Những chuyến hành trình không chỉ để tham quan, mà còn để lắng nghe đất kể chuyện - những câu chuyện về quá khứ hào hùng, về những con người đã làm nên lịch sử.
Dinh Độc Lập - Di tích quốc gia đặc biệt gắn liền với thời khắc lịch sử trọng đại đang trở thành điểm đến thu hút đông đảo người dân và du khách trong nước và quốc tế ngày 30/4. Tọa lạc trên trục đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, TP Hồ Chí Minh, Dinh Độc Lập là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu của đô thị Sài Gòn - Gia Định xưa. Công trình được khởi công xây dựng vào ngày 1/7/1962 và hoàn thành vào ngày 31/10/1966, do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ - người từng đoạt giải Khôi nguyên La Mã tại Pháp - thiết kế.
Với tổng diện tích 4.500m², Dinh Độc Lập gồm 3 tầng chính, 2 gác lửng, một tầng hầm, một tầng nền và sân thượng. Không gian sử dụng lên đến 20.000m² với hơn 100 phòng chức năng được bố trí hài hòa, mỗi phòng có phong cách trang trí riêng phù hợp với mục đích sử dụng, nhưng vẫn thống nhất trong tổng thể kiến trúc. Từ năm 1966, Dinh Độc Lập được đưa vào sử dụng chính thức và nhanh chóng trở thành biểu tượng quyền lực chính trị. Sau năm 1975, nơi đây được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia (1976) và được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2009. Từ năm 1990, Dinh Độc Lập chính thức mở cửa đón khách tham quan.
Trong năm 2024, Hội trường Thống Nhất - đơn vị quản lý Dinh Độc Lập - ghi nhận gần 1,5 triệu lượt khách đến tham quan, cho thấy sức hút bền bỉ của một địa điểm gắn bó sâu sắc với lịch sử dân tộc. Những ngày tháng 4 này, dòng người đổ về Dinh ngày một đông, vừa để chiêm ngưỡng công trình kiến trúc độc đáo, vừa để sống lại những ký ức hào hùng qua từng hiện vật, không gian trưng bày.
Không dừng lại ở giá trị lịch sử, Hội trường Thống Nhất đang nỗ lực làm mới trải nghiệm tham quan. Nhiều chương trình tương tác được tổ chức như triển lãm “Từ Dinh Norodom đến Dinh Độc Lập” và chuỗi hoạt động giáo dục di sản dành cho học sinh từ 7 đến 15 tuổi. Các chương trình này giúp thế hệ trẻ hiểu sâu sắc hơn về lịch sử - văn hóa dân tộc, góp phần rèn luyện các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, thuyết trình và giải quyết vấn đề.
Thời gian tới, đơn vị sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Việc số hóa không gian trưng bày, hiện vật, cũng như ứng dụng công nghệ kể chuyện, diễn giải lịch sử theo hướng trực quan, sinh động sẽ giúp công chúng, đặc biệt là giới trẻ, tiếp cận lịch sử một cách gần gũi và sống động hơn.
Trải qua thời gian, Dinh Độc Lập không chỉ là chứng tích lịch sử, mà còn là một không gian mở đầy cảm hứng, nơi quá khứ, hiện tại và tương lai cùng hội tụ trong hành trình gìn giữ ký ức và phát huy tinh thần dân tộc.
Cách trung tâm TP Hồ Chí Minh khoảng 70km về hướng Tây Bắc, địa đạo Củ Chi chính là biểu tượng sống động cho tinh thần quật cường và sáng tạo của quân dân Củ Chi trong suốt ba thập niên kháng chiến giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Với hệ thống đường hầm dài khoảng 250km, cấu trúc chằng chịt như mạng nhện, địa đạo Củ Chi đã đi vào lịch sử như một kỳ quan quân sự có một không hai của thế kỷ 20.
Khởi nguồn từ những căn hầm bí mật thời kháng chiến chống Pháp, hệ thống địa đạo được hình thành và phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn chống Mỹ, đặc biệt từ năm 1961 đến 1965. Sáu xã phía Bắc huyện Củ Chi hoàn chỉnh “đường xương sống” của địa đạo, từ đó phát triển thành hệ thống liên hoàn kết nối các đơn vị và cơ quan chỉ huy. Địa đạo không chỉ là nơi trú ẩn mà còn là chiến hào, bệnh viện, kho lương thực, nơi họp bí mật, thậm chí là nơi tổ chức biểu diễn văn nghệ, chiếu phim phục vụ tinh thần chiến sĩ và Nhân dân.
Trong lòng đất chật hẹp, thiếu ánh sáng và không khí, quân dân Củ Chi vẫn duy trì nhịp sống chiến đấu, sinh hoạt, sản xuất. Nơi đây từng chịu đựng những đợt càn quét khốc liệt của quân đội Mỹ như các chiến dịch Crimp (1966) và Cedar Falls (1967), nhưng nhờ hệ thống địa đạo kiên cố, khéo léo, kết hợp với thế trận bẫy mìn, hầm chông, ụ chiến đấu, quân dân ta đã đánh trả quyết liệt, gây tổn thất nặng nề cho đối phương. Thậm chí các thủ đoạn phá hoại như bơm nước, dùng chất độc hóa học, chó nghiệp vụ hay xe cơ giới ủi phá đều bị vô hiệu hóa trước tinh thần và trí tuệ Việt Nam.
Cuộc chiến từ trong lòng đất đã chứng minh sức mạnh vượt trội của chiến tranh nhân dân. Tính đến mùa xuân năm 1975, địa đạo Củ Chi trở thành nơi tập kết của nhiều đơn vị chủ lực tiến vào giải phóng Sài Gòn, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong suốt 21 năm chiến đấu, quân dân Củ Chi đánh hơn 4.200 trận lớn nhỏ, tiêu diệt hơn 22.500 lính địch, phá hủy hàng nghìn phương tiện chiến tranh, khẳng định vị thế “Đất thép thành đồng” trong lòng dân tộc.
Ngày nay, địa đạo Củ Chi được bảo tồn tại hai khu vực chính là Bến Dược và Bến Đình, được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa quốc gia. Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam năm nay, lượng khách đến tham quan địa đạo Củ Chi trong tháng 4 đã tăng khoảng 30% so với thường lệ và được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh dịp lễ 30/4. Một phần sức hút đến từ hiệu ứng của bộ phim “Địa đạo” đang gây chú ý, tái hiện sinh động vùng đất thép Củ Chi.
Hành trình tham quan bắt đầu tại đền Bến Dược - nơi tưởng niệm đồng bào và chiến sĩ đã hy sinh trên mảnh đất Sài Gòn - Gia Định trong hai cuộc kháng chiến. Từ đây, du khách di chuyển đến khu địa đạo với kết cấu ba tầng sâu tới 12 mét, gồm hầm chỉ huy, nhà y tế, bếp Hoàng Cầm, kho vũ khí, giếng nước, hầm trú ẩn, xưởng may quân phục… Hệ thống đường hầm chằng chịt được ví như mạng nhện, với các nhánh dẫn ra tận sông Sài Gòn, thông hơi ngụy trang khéo léo, cùng các hầm bí mật thể hiện rõ sự mưu trí của quân dân Củ Chi.
Du khách còn được trải nghiệm khu vực tái hiện vùng giải phóng, thưởng thức ẩm thực dân dã và tham gia nhiều hoạt động ngoài trời, giúp hiểu sâu sắc hơn về cuộc sống thời chiến.
Hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước đã từng đến đây, từ các nguyên thủ quốc gia đến những cựu chiến binh Mỹ, để tận mắt chứng kiến một biểu tượng vĩ đại của tinh thần Việt Nam. Với họ, chỉ cần đi qua vài chục mét đường hầm chật hẹp, cũng đủ để cảm nhận vì sao một dân tộc nhỏ bé có thể chiến thắng những kẻ xâm lược hùng mạnh nhất thế giới.
Nằm tại xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, TP HCM, di tích lịch sử Chiến khu Rừng Sác là Khu căn cứ Cách mạng Rừng Sác, nơi đây được công nhận là Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia, Khu căn cứ này đã được nhiều người biết đến qua những chiến công oanh liệt của Trung đoàn 10 Đặc công, nơi chiến sỹ kiên cường bám trụ, chiến đấu và hy sinh vì Tổ quốc.
Ngày 15/4/1966, Bộ Chỉ huy Miền thành lập tại Đặc khu quân sự rừng Sác với mật danh T10 (Trung đoàn 10 - Đặc công rừng Sác), có nhiệm vụ thọc sâu áp sát, bám trụ bằng mọi giá, chiếm giữ khu rừng Sác để tiến công liên tục vào kho, bến cảng, cơ quan đầu não, sào huyệt bộ máy của Mỹ. Bộ đội đặc công rừng Sác đã làm nên những trận đánh lịch sử khiến quân địch phải khiếp sợ...
Những năm chống Mỹ cứu nước, Trung đoàn 10 Đặc công rừng Sác là đơn vị hoạt động độc lập. Để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và chiến đấu của quân đội. Ban chỉ huy và Ban hậu cần Trung đoàn 10 chủ yếu dựa vào sự che chở, đùm bọc của nhân dân vùng ven đô. Những nhu yếu phẩm như: Gạo, đường, thuốc… đều do các gia đình cơ sở bí mật chuyển vào căn cứ.
Có những thời điểm địch phong tỏa gắt gao, đơn vị phải tổ chức thu mua gạo từ xa, rồi ngụy trang mang, đưa được hàng chục tấn gạo vào căn cứ. Những năm tháng khó khăn (1969-1971) cán bộ, chiến sĩ phải ăn cháo, rau thay cơm vì địch phong tỏa các đường tiếp tế. Tuy nhiên, các chiến sĩ vẫn kiên cường bám trụ rừng Sác để chiến đấu với tâm nguyện “một tấc không đi, một ly không rời trận địa”.
Chiến khu Rừng Sác ngày nay là một phần của khu rừng ngập mặn lớn nhất thế giới, được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Những ngày này, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh tại quận 3, thành phố Hồ Chí Minh là nơi thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu. Đây không chỉ là nơi lưu giữ ký ức chiến tranh mà còn khơi lên tinh thần yêu chuộng hòa bình cho mỗi người khách tham quan.
Bảo tàng Chứng tích chiến tranh nằm tại khoảng đất không lớn ở góc đường Lê Quý Đôn - Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh. Bảo tàng có hơn 20.000 hiện vật, tài liệu và hình ảnh liên quan đến chiến tranh, chia thành nhiều chủ đề như tội ác chiến tranh, nạn nhân chất độc da cam, tù binh, chiến thắng và khát vọng hòa bình…
Bảo tàng Chứng tích chiến tranh được thành lập ngày 4-9-1975, hiện là thành viên hệ thống các bảo tàng Việt Nam, các bảo tàng vì hòa bình thế giới (INMP) và Hội đồng Quốc tế các bảo tàng (ICOM).
Bảo tàng chuyên nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản và trưng bày về chứng tích tội ác và hậu quả của các cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Qua đó, kêu gọi công chúng nêu cao ý thức chống chiến tranh phi nghĩa, bảo vệ hòa bình và tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân các nước trên thế giới.
Bảo tàng hiện có 9 chuyên đề trưng bày thường xuyên, về diễn biến chiến tranh tại Việt Nam từ năm 1946 đến 1975. Với gần 1 triệu khách tham quan hằng năm, Bảo tàng đã trở thành một trong những địa điểm văn hóa - du lịch có sức thu hút đối với công chúng Việt Nam và quốc tế. Đây không chỉ là nơi lưu giữ ký ức mà còn là điểm kết nối quá khứ với hiện tại, giáo dục thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước và khát vọng hòa bình.
URL: https://thitruongbiz.vn/nnhung-diem-den-mang-y-nghia-lich-su-dip-30-4-khong-the-bo-qua-d28346.html
© thitruongbiz.vn