Ngày 19/11 là ngày gì là đang chiếm lượng lớn tìm kiếm trên các trang mạng những ngày qua. Ít người biết, ngày 19/11 chính là ngày Quốc tế Đàn ông nhằm tôn vinh những đóng góp tích cực của đàn ông đối với thế giới, gia đình và xã hội.
Ngày 19/11 là ngày gì là câu hỏi chiếm lượng tìm kiếm khổng lồ những ngày qua. Thực tế, không nhiều người biết tới ngày 19/11 chính là ngày Quốc tế Đàn ông và được công nhận, hưởng ứng trên hơn 170 quốc gia toàn thế giới.
Mục đích của Ngày quốc tế nam giới là tập trung vào sức khoẻ của nam giới và trẻ em nam, cải thiện quan hệ giữa các giới, thúc đẩy bình đẳng giới và làm nổi bật vai trò của nam giới trong xã hội hiện đại. Nhất là trong những năm gần đây khi nhiều người cho rằng nữ quyền lên cao, vai trò của phụ nữ ngày càng được ghi nhận nhiều hơn thì hình ảnh người đàn ông lại trở nên vô cùng mờ nhạt.
Theo chuyên gia tâm lý nổi tiếng người Anh Sarah Barker chia sẻ, những công việc, điều mà nam giới làm hằng ngày tưởng như bình thường, đơn giản nhưng thực tế giới nữ cần đặc biệt ghi nhận và tôn vinh chứ không phải coi đó là chuyện tất nhiên.
Thực tế không chỉ tại các châu Âu, châu Mỹ... mà ngay tại châu Á vốn nổi tiếng với tư tưởng "trọng nam khinh nữ" kéo dài hàng nghìn năm thì từ thế kỉ 20 đến nay, vai trò của phụ nữ ngày càng trở nên mạnh mẽ một cách bất ngờ. Đơn cử như tính trong một năm, phụ nữ có những ngày để được tôn vinh vai trò, để dược quan tâm chăm sóc và yêu thương như Lễ Tình nhân Valentine 14/2, ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3... hay tại Việt Nam có thêm ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 thì đàn ông gần như không có ngày lễ nào để nhấn mạnh vai trò của nam giới cả.
Ngày Quốc tế Đàn ông 19 tháng 11 được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1999, do Tiến sĩ Jerome Teelucksingh (quốc đảo Trinidad và Tobago) sáng lập. Ông là giảng viên lịch sử tại Đại học Tây Ấn ở Trinidad và Tobago. Ông đã chọn ngày 19/11 như một lời tri ân đối với người cha của mình. Ông cũng khuyến khích mọi người sử dụng ngày này để tuyên truyền các vấn đề ảnh hưởng đến nam giới và các bé trai. Ý tưởng này nhanh chóng được chấp nhận trên toàn cầu và được nhiều quốc gia áp dụng, bao gồm Australia (2003) và Ấn Độ (2007).
Đến nay, Ngày Quốc tế Đàn ông 19/11 đã được tổ chức tại trên 170 quốc gia, trong số đó có Trinidad và Tobago, Jamaica, Australia, Ấn Độ, Mỹ, Australia, Canada, Singapore, Vương quốc Anh, Áo, Đan Mạch, Nam Phi, Malta...
Theo Tiến sĩ Jerome Teelucksingh chia sẻ, ngày Quốc tế Nam giới có tiềm năng trở thành mối gắn kết toàn cầu để hàn gắn thế giới của chúng ta. Ý tưởng và chủ đề của Ngày Quốc tế Nam giới được xây dựng nhằm mang lại hy vọng cho những người chán nản, niềm tin cho những người cô đơn, an ủi những người thất tình, vượt qua rào cản, xóa bỏ định kiến và giúp nhân loại biết quan tâm hơn tới nhau. Kể từ khi bắt đầu vào năm 1999, Ngày Quốc tế Nam giới đã phát triển thành một phong trào thúc đẩy thiện chí và thay đổi tích cực cuộc sống của nhiều người trên toàn cầu. Mỗi năm tôi rất vui mừng được chứng kiến và đọc những lời chứng của những người thực sự tin rằng việc tuân thủ Ngày Quốc tế Nam giới đã mang lại sự ổn định hơn trong cuộc sống của họ và hướng dẫn họ từ bóng tối ra ánh sáng.
Theo website chính thức của internationalmensday.com, thì ngày Quốc tế Đàn ông là cơ hội để mọi người thiện chí ở khắp mọi nơi trân trọng và tôn vinh những người đàn ông trong cuộc sống của họ cũng như những đóng góp của họ cho xã hội vì lợi ích chung của tất cả mọi người.
Theo các nhà tổ chức Ngày Quốc tế Đàn ông được kỷ niệm để giúp dư luận quan tâm đến sự phân biệt đối xử đối với nam giới và trẻ em trai trong các lĩnh vực y tế, luật gia đình, giáo dục và truyền thông, cũng như để vinh danh những thành tựu tích cực và đóng góp của nam giới. Trong những năm gần đây, nhân dịp ngày Quốc tế Nam giới, trong số những sự kiện khác, còn có hội thảo, sự kiện trong trường học, các chương trình phát thanh và truyền hình, các cuộc biểu tình hòa bình, tranh luận, thảo luận và triển lãm nghệ thuật được tổ chức. Theo Tiến sĩ Jerome Teelucksingh, Ngày Quốc tế Nam giới không có nghĩa là để cạnh tranh với ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, mà nhằm phục vụ mục đích nêu bật và trao đổi kinh nghiệm của nam giới. Mỗi năm, một chủ đề riêng lại được giới thiệu, chẳng hạn như trong năm 2002 là "hòa bình", năm 2003 là "sức khỏe nam giới", năm 2007 là "chữa lành và tha thứ" và trong năm 2009 là "hình mẫu vai trò nam tích cực.", năm 2021 là "Quan hệ giữa nam giới và nữ giới tốt đẹp hơn." và gần đây nhất vào năm 2023 chủ đề là "Không có nam giới tự sát".
Những người tham gia không bắt buộc phải chấp nhận những chủ đề này mà được tự do tạo tiêu chí cho riêng mình, mà phù hợp nhất với nhu cầu của họ và lợi ích tương ứng.
Tại Việt Nam, ngày Quốc tế Đàn ông 19/11 đã manh nha xuất hiện tại nhiều nơi nhưng thường chỉ trong một nhóm nhỏ tại công ty, hội bạn bè chơi với nhau chứ chưa được phổ biến rộng rãi phần lớn bởi Việt Nam chưa công nhận ngày 19/11 là ngày Quốc tế Đàn ông.
Thực tế tại Việt Nam, chúng ta thường nghĩ rằng bất bình đẳng giới là sự thiệt thòi của phụ nữ so với đàn ông, bởi vậy các giải pháp cho vấn đề bình đẳng giới thường chỉ tập trung vào việc giúp đỡ phụ nữ và các bé gái. Nhưng trong dự án nghiên cứu “Nam giới và nam tính tại Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa" được Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) công bố năm 2020, có tới 30,6% nam giới thấy cô đơn lạc lõng và có tới 33,5% nam giới cảm thấy chán nản thất vọng.
Bạn hãy nhớ rằng nhu cầu được trao và nhận lại tình yêu là bình đẳng, không phụ thuộc vào việc bạn là người như thế nào, là nam hay là nữ. Ai cũng xứng đáng được công nhận và thể hiện tình yêu. Đối với nam giới, họ cần nhiều hơn sự chia sẻ, lắng nghe từ những người xung quanh.
Nhất là khi những định kiện hay kỳ vọng về nam giới được kiến tạo và củng cố thông qua việc coi trọng vai trò “trụ cột gia đình” đã tồn tại như một điều hiển nhiên, từ bài học đầu đời “Con trai phải mạnh mẽ, không được khóc” cho tới những yêu cầu “Con trai phải có nhà, có xe,....” đã khiến phần lớn đàn ông phải gồng mình lên trước những khó khăn, không dám thể hiện sự mệt mỏi bởi tư duy cũ kỹ yếu đuối là không được phép hay "đàn ông là không được khóc".
© thitruongbiz.vn