CTCP Sữa Quốc tế Lof (UPCoM: mã chứng khoán IDP) vừa công bố kết quả giao dịch cổ phiếu của những người nội bộ.
Theo đó, vào ngày 10/04, ông Phan Văn Thắng - Giám đốc tài chính và bà Chu Hải Yến - Phó Tổng Giám đốc đã bán toàn bộ cổ phần nắm giữ tại IDP, lần lượt là 174,998 cp (0.28%) và 15,000 cp (0.02%). Cả 2 đều cho biết mục đích nhằm giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân.
IDP là một trong số ít cổ phiếu trên sàn có thị giá 3 chữ số, hiện giao dịch quanh 213,000 đồng/cp, nhưng thanh khoản rất thấp do cơ cấu cổ đông cô đặc, khi các tổ chức lớn nắm giữ gần 82% cổ phần.
Đáng chú ý, ngay phiên 10/04 - thời điểm 2 lãnh đạo thoái vốn, cổ phiếu IDP ghi nhận thanh khoản đột biến, với gần 152,500 cp khớp lệnh (tương đương 32.5 tỷ đồng) và 371,298 cp thỏa thuận (tương đương 85.4 tỷ đồng), là khối lượng cao nhất trong nhiều năm. Với mức giá thỏa thuận 230,000 đồng/cp, cao hơn giá đóng cửa 8%, ước tính ông Thắng thu về hơn 40 tỷ đồng, bà Yến khoảng 3.5 tỷ đồng.
Bất chấp biến động thị trường do thông tin áp thuế mới từ Mỹ, IDP giữ giá tương đối ổn định quanh vùng 213,000 đồng/cp, dù đã giảm 13% trong 1 năm qua, và mất 21% từ vùng đỉnh 270,000 đồng/cp tháng 6/2024.
Về tình hình kinh doanh của công ty, ông chủ thương hiệu sữa Kun đặt mục tiêu doanh thu năm 2025 đạt khoảng 8.400-8.800 tỷ đồng, tăng 10-14% so với năm 2024. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế dự kiến chỉ đạt mức 360-440 tỷ đồng, giảm mạnh 50-59% so với năm trước.
Sữa Quốc tế Lof đặt mục tiêu như vậy trong bối cảnh kết quả kinh doanh năm 2024 không mấy khả quan. Theo đó, năm 2024, Sữa Lof ghi nhận lợi nhuận giảm mạnh do gánh nặng chi phí. Điều này kéo theo kết quả kinh doanh cả năm suy giảm, với lợi nhuận ròng giảm nhẹ so với năm trước.
Trên thực tế, hoạt động kinh doanh của IDP trong quý IV/2024 không quá tiêu cực. Chủ thương hiệu sữa Kun đạt gần 2.100 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 25% so với cùng kỳ. Sau khi trừ giá vốn, lãi gộp đạt 884 tỷ đồng, tăng 22%.
Tuy nhiên, chi phí gia tăng đã ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận của IDP. Đặc biệt, chi phí bán hàng tăng 63% lên 760 tỷ đồng, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gấp ba lần, lên 86 tỷ đồng. Kết quả là lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 64 tỷ đồng, giảm hơn 3 lần so với cùng kỳ.
Lũy kế cả năm 2024, IDP ghi nhận gần 7.700 tỷ đồng doanh thu, tăng 15%, nhưng lợi nhuận sau thuế giảm nhẹ 5%, còn 875 tỷ đồng. Dù vậy, doanh nghiệp đã hoàn thành 98% kế hoạch doanh thu và vượt 3% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế mà Đại hội đồng cổ đông thông qua.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 chiều 28/03, IDP đặt mục tiêu doanh thu từ 8,400-8,800 tỷ đồng, tăng 10-14% so với thực hiện 2024. Tuy nhiên, lãi ròng chỉ kỳ vọng ở mức 360-440 tỷ đồng, giảm mạnh 50-59%. Cổ tức 2025 dự kiến ở mức 50-80%, tùy thuộc kết quả kinh doanh. Năm 2024, Công ty đã tạm ứng 1 đợt cổ tức tiền mặt 50%, tương ứng 309 tỷ đồng.
IDP sẽ trình cổ đông phương án mua lại tối đa 3 triệu cp, tương đương 5% vốn điều lệ, nhằm giảm lượng cổ phiếu lưu hành và hỗ trợ giá cổ phiếu. Nguồn vốn dự kiến sử dụng từ thặng dư vốn cổ phần hoặc lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Sau giao dịch, vốn điều lệ có thể giảm còn 588 tỷ đồng, tương đương hơn 58.8 triệu cp lưu hành.
Đại hội cũng đã bầu lại HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2025-2030. Toàn bộ thành viên HĐQT cũ tiếp tục trúng cử, ngoại trừ bà Đặng Phạm Minh Loan không tái đắc cử. Các thành viên BKS cũ cũng được giữ lại cho nhiệm kỳ mới. Năm 2025, HĐQT và BKS sẽ tiếp tục không nhận thù lao.
URL: https://thitruongbiz.vn/lanh-dao-sua-lof-dong-loat-thoai-sach-von-thu-ve-hang-ty-dong-d28117.html
© thitruongbiz.vn