Giá quặng sắt chịu áp lực giảm do triển vọng tiêu thụ kém lạc quan tại Trung Quốc.
Theo ghi nhận của MXV, thị trường kim loại cũng không thoát khỏi xu hướng chung khi chứng khiến sắc đỏ bao phủ lên hầu hết giá các mặt hàng chủ chốt. Kết phiên giao dịch, giá bạc đảo chiều giảm 1,27% xuống còn 33,22 USD/ounce trong khi giá bạch kim cũng rớt 0,34%, lùi về mức 1.080 USD/ounce.
Giá các kim loại quý chịu áp lực giảm khi chỉ số dollar Mỹ phục hồi sau ba phiên đi xuống, tăng 0,4% lên 99,96 điểm. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ dù điều chỉnh nhẹ trong phiên nhưng vẫn tăng khoảng 50 điểm cơ bản kể từ đầu tháng 5, qua đó củng cố sức hấp dẫn của đồng USD. Đồng bạc xanh mạnh lên khiến các mặt hàng định giá bằng USD như kim loại quý trở nên đắt đỏ hơn với nhà đầu tư quốc tế, làm giảm nhu cầu và tạo sức ép lên giá
Ở chiều ngược lại, đà giảm của nhóm kim loại quý phần nào được hạn chế nhờ nhu cầu trú ẩn vẫn hiện hữu. Ngày 22/5, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật thuế mới của Tổng thống Donald Trump, dự kiến làm tăng thêm 3.800–4.500 tỷ USD vào khoản nợ công vốn đã vượt 36.000 tỷ USD của Mỹ. Diễn biến này làm dấy lên lo ngại về rủi ro tài khóa tại nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhất là trong bối cảnh Mỹ vừa bị Moody’s hạ xếp hạng tín nhiệm nợ công do lo ngại thâm hụt ngân sách kéo dài và nợ công tăng cao.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX tiếp tục tăng nhẹ 0,16% lên 10.316 USD/tấn. Ngược lại, giá quặng sắt quay đầu giảm 0,63%, xuống còn 98,25 USD/tấn. Trong phiên hôm qua, giá đồng được hỗ trợ bởi lo ngại thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng trong năm nay. Trong khi đó, giá quặng sắt chịu áp lực giảm do triển vọng tiêu thụ kém lạc quan tại Trung Quốc.
© thitruongbiz.vn