Doanh thu thuần của Hanoimilk tính đến hết quý II/2025 đạt hơn 182 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,8% so với cùng kỳ năm trước.
CTCP Sữa Hà Nội (Hanoimilk, UPCoM: mã chứng khoán HNM) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2025, ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 182 tỷ đồng, tăng 1.8% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp 17.97%, hồi phục sau 3 quý giảm liên tiếp. Tuy vậy, lợi nhuận sau thuế vẫn giảm 47%, chủ yếu do chi phí tài chính và nhân công tăng đồng loạt.
Tuy nhiên, chi phí lãi vay trong quý tăng vọt lên gần 5 tỷ đồng, cao gấp 4 lần so với quý II/2024. Diễn biến này bắt nguồn từ việc công ty tiến hành tất toán các khoản vay tồn đọng, khiến chi phí tài chính bị đội lên trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng gia tăng nhẹ, tiếp tục gây áp lực lên kết quả kinh doanh. Lợi nhuận ròng của quý này chỉ nhỉnh hơn mức thấp nhất trong ba năm, ghi nhận từ quý IV/2023.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Hanoimilk ghi nhận doanh thu thuần đạt 375 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu từ bán thành phẩm đóng góp chủ yếu với gần 362 tỷ đồng, tăng trưởng 23%. Ngược lại, mảng dịch vụ sụt giảm 27%, còn gần 15 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm đạt 13 tỷ đồng, giảm 16% và mới hoàn thành khoảng 36% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Bất chấp lợi nhuận sụt giảm, mức doanh thu nửa đầu năm nay đã lập kỷ lục cao nhất từ trước đến nay, gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2020 - thời điểm Hanoimilk bắt đầu đẩy mạnh hoạt động gia công sữa. Tuy vậy, sau giai đoạn tăng trưởng đột biến trong năm 2023, biên lợi nhuận của công ty đang có dấu hiệu chững lại.
Tính đến cuối tháng 6/2025, tổng tài sản của Hanoimilk đạt gần 684 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi ngân hàng ghi nhận mức cải thiện đáng kể, tăng lên khoảng 52 tỷ đồng. Cùng kỳ, công ty phát sinh một khoản vay dài hạn trị giá 100 tỷ đồng.
Dù báo cáo tài chính không nêu rõ nguồn gốc khoản vay, nhiều khả năng đây là khoản tín dụng từ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) - Chi nhánh Lạng Sơn, theo nghị quyết Hội đồng quản trị ban hành ngày 9/6. Đồng thời, khoản vay ngắn hạn 20,2 tỷ đồng từ Chủ tịch HĐQT Hà Quang Tuấn đã được tất toán hoàn toàn.
Một điểm sáng trong cơ cấu tài chính là khoản dư nợ lãi vay gần 37 tỷ đồng đã được xử lý dứt điểm. Trước đó, ông Hà Quang Tuấn đóng vai trò chủ chốt trong việc đàm phán với ngân hàng để giảm lãi suất, đồng thời cho công ty vay gần 100 tỷ đồng để thanh toán nợ gốc.
Tính đến giữa năm 2025, gia đình ông Tuấn sở hữu tổng cộng 31,7% cổ phần tại Hanoimilk. Trong diễn biến đáng chú ý gần đây, bà Hà Phương Thảo - con gái ông Tuấn đã chính thức trở thành cổ đông lớn sau khi nhận chuyển nhượng 10 triệu cổ phiếu HNM từ ông Tuấn, nâng tỷ lệ sở hữu lên 22,52%. Giao dịch này khiến tỷ lệ sở hữu của ông Tuấn giảm xuống còn 9,18%.
Động thái chuyển nhượng cổ phần diễn ra trong bối cảnh Hanoimilk tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc tài chính. Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 đã ủy quyền cho Hội đồng quản trị, trong đó ông Tuấn được giao toàn quyền xây dựng và triển khai các phương án xử lý nợ, bao gồm đàm phán mua bán, nhận nợ thay cho công ty. Một phần trong kế hoạch tái cấu trúc là phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.000 đồng/cổ phiếu theo tỷ lệ 1:1 để hoán đổi các khoản nợ với Chủ tịch HĐQT.
URL: https://thitruongbiz.vn/hanoimilk-doanh-thu-nhich-tang-no-lai-vay-ve-0-d29732.html
© thitruongbiz.vn