Tính đến chiều muộn 10/9, hiện có 6 doanh nghiệp (DN) bảo hiểm nhân thọ có ghi nhận về các vụ tổn thất về người là khách hàng tham gia hợp đồng bảo hiểm nhân thọ bị thiệt hại do bão số 3 và lũ lụt tại các tỉnh, thành miền Bắc gây ra. Cập nhật con số tổng hợp tại 6 DN trên có 15 vụ, 15 người thương vong và số tiền ước chi trả và hỗ trợ ban đầu khoảng 9,72 tỷ đồng.

Hàng loạt doanh nghiệp bảo hiểm cập nhật sơ bộ thiệt hại và bồi thường do bão số 3 và lũ lụt

Cụ thể, tại AIA Việt Nam, cập nhật nhanh tính đến 13h30, ngày 9/9/2024, thông qua trưởng đại diện kinh doanh, văn phòng kinh doanh tại các địa bàn, AIA Việt Nam ghi nhận có 5 khách hàng đã tử vong do Bão số 3 gây ra, trong đó có 4 khách hàng tại Hải Dương và 1 khách hàng tại Quảng Ninh. Tổng quyền lợi bảo hiểm của 5 khách hàng này tại AIA Việt Nam là khoảng 6,5 tỷ đồng.

Sau khi xác nhận bước đầu, AIA Việt Nam chấp thuận chi trả cho toàn bộ các khách hàng này và đang nỗ lực liên hệ với thân nhân khách hàng để hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ yêu cầu bồi thường.

Tại Bảo hiểm Daiichi, với thông tin thu thập được về danh sách nạn nhân, Công ty xác định có 6 nạn nhân tử vong trong vụ sạt lỡ ở Yên Bái. Số tiền ước tính chi trả là 2,7 tỷ đồng. Daiichi cũng đang tích cực theo dõi tình hình và thu thập thông tin về các nạn nhân để có biện pháp hỗ trợ kịp thời.

Bên cạnh đó, các DN bảo hiểm khác như Manulife, Prudential, Chubb, Shin han, Phú Hưng, MAP, FWD, FWDA, MB Ageas, Hanwha, Fubon cũng đã rà soát, song chưa ghi nhận khách hàng nào thông báo bị thiệt hại từ các sự kiện trên.

Hoàn lưu bão số 3 đang gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng trên diện rộng tại nhiều tỉnh, thành phía Bắc, do vậy, những con số thương vong của khách hàng các DN bảo hiểm nhân thọ dự kiến sẽ còn tăng. Đây là tổn thất không thể bù đắp của khách hàng, đồng thời cũng là điều mà các DN bảo hiểm không muốn. Tuy nhiên, ghi nhận tại các DN bảo hiểm, lãnh đạo và cán bộ nhân viên đã và đang nỗ lực, "căng mình" để liên lạc, tiếp cập với khách hàng, người thân, hỗ trợ thủ tục, giám định và chi trả bồi thường nhanh nhất, nhằm chia sẻ rủi ro, mất mát, cùng vượt qua khó khăn, sớm ổn định đời sống.

Trước đó, tính tới chiều ngày 10/9/2024, theo báo cáo sơ bộ từ một số DN bảo hiểm phi nhân thọ có thị phần nghiệp nghụ bảo hiểm sức khỏe, tài sản kỹ thuật và xe cơ giới cao trên thị trường, các DN đã tiếp nhận được 1.754 vụ tổn thất của khách hàng thiệt hại do bão số 3 (Yagi) gây ra.

Theo đó, về nghiệp vụ bảo hiểm tài sản kỹ thuật, các DN bảo hiểm đã ghi nhận 684 vụ tổn thất, trong đó: Bảo Việt 220 vụ, VBI 150 vụ, PVI 134 vụ, Bảo Minh 44 vụ, ABIC 29 vụ, PJICO 107 vụ.

Về nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, các DN ghi nhận 1.070 vụ tổn thất, trong đó: Bảo Việt 315 vụ, VBI 91 vụ, PTI 273 vụ, PJICO 219 vụ.

Một số DN bảo hiểm phi nhân thọ hiện tại cũng ước tính được cụ thể giá trị thiệt hại; đồng thời tiếp tục theo cập nhật về số vụ tổn thất của khách hàng, đặc biệt là trong bối cảnh hoàn lưu bão số 3 tiếp tục gây thiệt hại nghiêm trọng trên diện rộng tại nhiều địa phương phía Bắc.

Mới đây, trước những thiệt hại nặng nề do siêu bão Yagi gây ra, Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) đang khẩn trương triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả sau bão.

Hàng loạt doanh nghiệp bảo hiểm cập nhật sơ bộ thiệt hại và bồi thường do bão số 3 và lũ lụt

Tính đến 09h00 ngày 10/9/2024, thông qua các đơn vị thành viên trên toàn quốc và Hotline 1900 9456, BIC đã ghi nhận gần 500 vụ tổn thất, trong đó có 16 vụ tổn thất về bảo hiểm hàng hải, hơn 250 vụ tổn thất về bảo hiểm tài sản kỹ thuật, hơn 180 vụ tổn thất bảo hiểm xe cơ giới. Tổng số tiền bồi thường ước tính gần 200 tỷ đồng. Số liệu thiệt hại đang được BIC tiếp tục cập nhật.

Nhằm hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả sau bão, ngay lập tức BIC đã thực hiện tăng cường, bổ sung lực lượng cán bộ giám định bồi thường từ Trụ sở chính và các địa bàn lân cận tới các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề của bão, phối hợp với các đơn vị giám định độc lập để hỗ trợ khách hàng thống kê, giám định thiệt hại. Hotline 1900 9456 của BIC cũng được bổ sung nhân sự, sẵn sàng hỗ trợ khách hàng 24/7, ghi nhận thông báo thiệt hại và tư vấn khách hàng triển khai các thủ tục để được chi trả bảo hiểm.

Tính đến chiều ngày 9/9/2024, Bảo hiểm VietinBank đã ghi nhận trên 400 vụ tổn thất trên các nghiệp vụ tài sản, hàng hải và xe cơ giới, số tiền bồi thường ước tính hàng trăm tỷ đồng. Hiện tại, các cán bộ của Bảo hiểm VietinBank vẫn đang ngày đêm túc trực tại các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề từ bão lũ để hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả và chủ động thống kê các tổn thất.

Bà Bùi Thị Thanh Xuân – Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành Bảo hiểm VietinBank cho biết, với sứ mệnh trở thành điểm tựa tài chính vững chắc cho khách hàng trước những rủi ro trong cuộc sống, Bảo hiểm VietinBank rất chia sẻ với những tổn thất, mất mát của khách hàng trong đợt bão lũ đang xảy ra.

"Là một trong những DN bảo hiểm phi nhân thọ uy tín hàng đầu, chúng tôi sẽ nỗ lực phối hợp với các bên liên quan để khẩn trương xác định tổn thất, đảm bảo quyền lợi tối đa khách hàng trong thời gian sớm nhất, giúp hỗ trợ ổn định đời sống và hoạt động kinh doanh cho khách hàng" , bà Bùi Thanh Xuân chia sẻ thêm.

Trong Công điện số 92/CĐ-TTg ngày 10/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão, bên cạnh nhiều nội dung chỉ đạo quan trọng khác, người đứng đầu Chính phủ đã giao Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách giãn hoãn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí,... đối với các tổ chức, cá nhân, DN bị thiệt hại do bão, mưa lũ theo quy định của pháp luật; yêu cầu các DN kinh doanh bảo hiểm khẩn trương thực hiện bồi thường tổn thất cho bên mua bảo hiểm bảo đảm nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời theo đúng thỏa thuận hợp đồng và quy định pháp luật.