Theo ghi nhận lúc 10h30p, giá vàng trong nước tiếp tục tăng mạnh, áp sát mốc 97 triệu đồng/lượng, cùng chiều tăng giá vàng thế giới được dự báo sẽ đạt đỉnh lên 4.000 USD/oz.
Cụ thể: CTCP Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) sáng nay niêm yết giá vàng miếng ở mức 94,8 - 96,1 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 500.000 đồng ở chiều mua và 300.000 đồng ở chiều bán so với cuối tuần trước.
Với mức tăng này, giá vàng miếng của thương hiệu SJC đã chính thức bước vào vùng cao nhất trong lịch sử giao dịch, thiết lập một cột mốc quan trọng trên thị trường kim loại quý trong nước.
Đáng chú ý là đà tăng giá chủ yếu diễn ra với vàng miếng giao dịch tại thương hiệu vàng quốc gia SJC, trong khi các thương hiệu vàng lớn khác vẫn duy trì trạng thái ổn định.
Cụ thể, các doanh nghiệp vàng như CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), Tập đoàn DOJI, Tập đoàn Phú Quý, Bảo Tín Minh Châu, Bảo Tín Mạnh Hải, Công ty Mi Hồng... đều giữ nguyên mức giá so với cuối tuần trước.
Hiện vàng miếng tại các đơn vị này được niêm yết quanh mức 95,8 triệu đồng/lượng (bán) và dao động khoảng 94,3-94,8 triệu đồng/lượng ở chiều mua.
Vàng nhẫn các thương hiệu được duy trì mức giá của rạng sáng qua. Cụ thể, giá vàng nhẫn SJC 9999 niêm yết ở mức 94,2 triệu đồng/lượng mua vào và 95,7 triệu đồng/lượng bán ra.
DOJI tại thị trường Hà Nội và TP Hồ Chí Minh giữ nguyên mức giá mua và bán của rạng sáng qua là 94,9 triệu đồng/lượng và 96,3 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn thương hiệu PNJ neo ở mức 94,5 triệu đồng/lượng và 96,2 triệu đồng/lượng.
Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn tròn trơn ở mức 95 triệu đồng/lượng mua vào và 96,6 triệu đồng/lượng bán ra.
Trong tuần trước, giá vàng SJC tăng tổng cộng 2,7 triệu đồng/lượng còn vàng nhẫn tăng 3,1 triệu đồng/lượng, nhưng vì điều chỉnh nhanh hơn nên giá vàng nhẫn đang cao hơn thương hiệu SJC 600.000 đồng/lượng.
Trên thế giới, giá vàng dao động quanh ngưỡng 2.991 USD/ounce, tăng gần 3 USD so với cùng thời điểm phiên trước. Mức giá này tương đương 92,55 triệu đồng/lượng khi quy đổi theo tỷ giá USD tại Vietcombank.
Tuần trước, giá vàng mở phiên ở mức 2.887,67 USD/oz và tăng đều đặn trước khi đạt đỉnh 3.004,81 USD/oz, lần đầu tiên vượt ngưỡng tâm lý 3.000 USD/oz. Đóng cửa cuối tuần, giá vàng đứng ở mức 2.985,00 USD/oz, tăng gần 4% so với giá mở cửa.
Theo các chuyên gia, giá vàng tăng mạnh nhờ sự kết hợp của nhiều yếu tố. Đầu tiên, dữ liệu CPI tháng 2 của Mỹ công bố ngày 12/3 cho thấy lạm phát chỉ tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn dự đoán là tăng 2,9%. Điều này làm dấy lên kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 6/2025, hỗ trợ giá vàng khi lãi suất thực tế giảm.
Thứ hai, căng thẳng thương mại toàn cầu, đặc biệt là chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã thúc đẩy nhu cầu về vàng như một tài sản trú ẩn an toàn. Ngoài ra, hoạt động mua vào từ các ngân hàng trung ương, nổi bật là Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC), cũng góp phần củng cố đà tăng của kim loại quý này.
Việc giá vàng lần đầu tiên vượt mốc 3.000 USD/oz đã đánh dấu cột mốc tâm lý quan trọng, phản ánh sự bất ổn kinh tế và chính trị toàn cầu. Tuy nhiên, giá đóng cửa giảm nhẹ cho thấy áp lực chốt lời từ nhà đầu tư sau khi đạt đỉnh.
Các chuyên gia phân tích từ Bloomberg nhận định giá vàng có thể tiếp tục dao động mạnh trong ngắn hạn, nhưng xu hướng dài hạn vẫn tích cực nếu kinh tế toàn cầu suy yếu. Tuần qua không ghi nhận sự kiện lớn nào ngoài dữ liệu CPI Mỹ và căng thẳng thương mại toàn cầu, song các yếu tố này đủ sức duy trì sức hút của vàng.
Với mức tăng ấn tượng, tuần qua đã chứng kiến giá vàng thế giới lập kỷ lục mới, vượt ngưỡng 3.000 USD/oz. Nhà đầu tư được khuyến nghị theo dõi sát các báo cáo kinh tế sắp tới từ Mỹ để dự đoán xu hướng tiếp theo của kim loại quý này.
CEO Jeffrey Gundlach của công ty DoubleLine - người được mệnh danh là “vua trái phiếu” - dự báo giá vàng có thể lên 4.000 USD/oz. “Từ lúc vàng giảm xuống 1.800 USD/oz cách đây 2 năm, chúng tôi đã nói về một thị trường vàng giá lên. Và hiện tại, vàng vẫn đang ở trong thị trường giá lên đó”, ông nói với MarketWatch.
Dự báo khả năng kinh tế Mỹ suy thoái trong năm nay là 60%, ông Gundlach nói “tôi tin rằng giá vàng sẽ lên được tới mức 4.000 USD/oz”. Ông nói thêm rằng hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương “đã tăng rất mạnh và tôi không cho rằng xu hướng này sẽ sớm dừng lại”.
Sáng nay, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ngày 17/3 là 24.794 VND/USD, tăng 15 đồng so với phiên trước.
Với biên độ +/-5%, Ngân hàng Vietinbank thông báo từ 25.340-25.700 đồng, tăng 10 đồng. Tuy vậy, Ngân hàng Vietcombank niêm yết tỷ giá USD từ 25.330-25.690 đồng/USD (mua vào/bán ra), giảm 20 đồng.
Tương tự, Ngân hàng Agribank giao dịch từ 25.340-25.680 đồng/USD (mua vào/bán ra), giảm 10 đồng và Ngân hàng BIDV điều chỉnh tỷ giá USD về mức 25.340-25.700 đồng/USD, giảm 5 đồng so với chốt phiên trước./.
© thitruongbiz.vn