Trong nửa đầu năm nay, Việt Nam đón gần 10,7 triệu lượt khách quốc tế, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2024.
Theo số liệu của Cục thống kê, Việt Nam đón 1,46 triệu lượt khách quốc tế đến trong tháng 6, giảm hơn 4% so với tháng trước nhưng tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung 6 tháng đầu năm, 10,7 triệu lượt khách quốc tế đã đến Việt Nam, tăng gần 21% so với cùng kỳ 2024 và tăng gần 26% so với năm 2019 - năm hoàng kim của du lịch Việt. So sánh xa hơn, lượng khách trong 6 tháng đầu năm 2025 còn cao hơn tổng lượng khách của cả năm 2016 (10 triệu lượt).
Lượng khách quốc tế đến trong nửa đầu năm cao hơn 25,7% so với cùng kỳ năm 2019 trước đại dịch.
Ngành du lịch Việt Nam đạt gần 49% kế hoạch đón 22 - 23 triệu lượt khách trong năm 2025.
"Chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh cùng với các hoạt động chào mừng các ngày lễ lớn của dân tộc đã thu hút khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng", Cục Thống kê lý giải.
Trong đó, khách đến bằng đường hàng không đạt 9,1 triệu lượt người, chiếm 85,2% lượng khách quốc tế đến và tăng 22,7% so với cùng kỳ năm trước; bằng đường bộ đạt 1,4 triệu lượt người, chiếm 13,1% và tăng 10,9%; bằng đường biển đạt 181,4 nghìn lượt người, chiếm 1,7% và tăng 10,0%.
Châu Á là khu vực có nhiều khách quốc tế lớn nhất tại Việt Nam với hơn 8,4 triệu lượt khách, tăng 21,1%. Tiếp đến là châu Âu với hơn 1,3 triệu lượt khách tăng 26,5%; châu Mỹ gần 583 nghìn lượt tăng 8,6 %; sau đó là châu Úc và châu Phi lần lượt là 304 nghìn lượt và 25,2 nghìn lượt, tăng 14,1% và giảm 0,3 %.
Theo đánh giá từ doanh nghiệp, ngành du lịch hoàn toàn có thể đạt mục tiêu khoảng 22 triệu lượt khách khi vào mùa cao điểm du lịch từ khoảng tháng 9 đến tháng 12.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất của Việt Nam trong nửa đầu năm 2025 với 2,7 triệu lượt (chiếm 25,6%).
Hàn Quốc xếp ở vị trí thứ hai, đạt 2,2 triệu lượt (chiếm 20,7%). Riêng hai thị trường này đóng góp 46,3% tổng số khách quốc tế đến trong 6 tháng qua.
Tiếp theo là Đài Loan, Trung Quốc (630.000 lượt); Mỹ (449.000 lượt), Nhật Bản (393.000 lượt), Campuchia (360.000 lượt). Trong tốp 10 thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam còn có Ấn Độ, Australia, Malaysiavà Nga.
Trước đó, theo Hàn thử biểu (World Tourism Barometer) số ra tháng 5/2025 của Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism), trong quý I, du lịch Việt Nam là điểm sáng với mức tăng trưởng khách du lịch quốc tế cao nhất trong khu vực châu Á Thái Bình Dương với mức tăng 30% so với cùng kỳ năm 2024.
Trong bối cảnh châu Á Thái Bình Dương vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, vẫn tìm đường phục hồi sau Covid-19, mức tăng trưởng ấn tượng của du lịch Việt Nam thực sự đã trở thành điểm sáng trong khu vực.
Câu chuyện thành công của du lịch Việt Nam phản ánh những nỗ lực của toàn ngành đã triển khai đồng bộ các giải pháp từ tham mưu xây dựng chính sách, đổi mới nội dung, phương thức xúc tiến quảng bá, triển khai chương trình kích cầu du lịch, phát triển sản phẩm đa dạng...
Đặc biệt là sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho du lịch, trong đó những chính sách thị thực cởi mở tạo điều kiện thu hút ngày càng nhiều du khách quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam.
© thitruongbiz.vn