Liên minh châu Âu (EU) chính thức thông qua việc áp thuế lên tới 45,3% đối với xe điện nhập khẩu được sản xuất tại Trung Quốc.
Ngày 30/10, Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức thông qua việc áp thuế quan có thể lên tới 45,3% đối với xe điện nhập khẩu được sản xuất tại Trung Quốc. Động thái này được đưa ra sau khi các nỗ lực đàm phán giữa hai bên đã không thể dẫn tới một thỏa thuận giúp chấm dứt những bất đồng về thương mại.
Cụ thể, thuế suất với các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc sẽ là 17%với xe của BYD; 18,8% với xe của Geely và 35,3% đối với xe của SAIC. Geely có các thương hiệu bao gồm Polestar và Volvo, trong khi SAIC sở hữu MG, một trong những thương hiệu xe điện bán chạy nhất châu Âu.
EU đã đặt ra mức thuế bổ sung từ 7,8% đến 35,3% đối với các nhà sản xuất ô tô tại Trung Quốc, tùy thuộc vào mức độ hợp tác với cuộc điều tra chống trợ cấp của châu Âu. Mức thuế mới này sẽ được kết hợp với mức thuế nhập khẩu hiện hành 10%, khiến một số nhà sản xuất ô tô phải đối mặt với tổng mức thuế lên tới 45,3%. Các quan chức EU cho biết, mức thuế bổ sung đã chính thức được phê duyệt, trước khi có hiệu lực từ ngày 31/10 và kéo dài ít nhất 5 năm.
Theo Ủy ban châu Âu (EC), việc áp thuế là cần thiết để bảo vệ ngành công nghiệp xe điện châu Âu trước sự cạnh tranh không công bằng từ xe điện giá rẻ của Trung Quốc. 55% lượng xe điện xuất khẩu của Trung Quốc hiện đã được đưa sang thị trường này.
Quyết định của giới chức châu Âu chắc chắn sẽ khiến căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn gia tăng. Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích hành động mang tính bảo hộ của EU, đồng thời mở các cuộc điều tra mang tính đáp trả nhằm vào nhiều mặt hàng nhập khẩu từ châu Âu như thịt lợn, sữa hay rượu mạnh. Tuy vậy, việc áp thuế sẽ không đồng nghĩa với việc cánh cửa đàm phán đã chính thức khép lại.
Theo Reuters, cách đây ít ngày, giới chức EC và Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết sẽ tiếp tục tổ chức thêm các cuộc đàm phán để tìm kiếm các giải pháp thay thế thuế quan, sau khi mức áp thuế nhập khẩu mới có hiệu lực. Các quan chức đang xem xét khả năng các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ đưa ra những cam kết về giá bán xe tối thiểu, hoặc thực hiện các khoản đầu tư vào châu Âu như một giải pháp thay thế cho thuế quan.
Đại diện các hãng xe lớn tại châu Âu cũng bày tỏ quan điểm phản đối thuế quan và kỳ vọng hai bên sẽ sớm tìm ra những giải pháp thay thế.
Ông Klaus Zellmer - Giám đốc điều hành hãng xe Skoda cho biết: “Chúng tôi phản đối thuế quan, vì sẽ không có ai được hưởng lợi từ điều đó. Biện pháp này sẽ dẫn tới những sự đáp trả thương mại. Đó là lý do vì sao chúng tôi có quan điểm phản đối việc áp dụng các mức thuế quan đó”.
Ông Christian Ach - Giám đốc điều hành BMW Group Sales tại Đức chia sẻ: “Vẫn còn nhiều cuộc thảo luận đang diễn ra và tôi vẫn lạc quan tin tưởng rằng chúng ta sẽ tìm được một giải pháp tốt cho cả hai bên, cả các hãng xe Trung Quốc hoạt động tại châu Âu và cho các hãng xe châu Âu hoạt động tại Trung Quốc”.
Trong khi đó, lo ngại về việc bị áp thuế, các hãng xe điện Trung Quốc đã đẩy mạnh xuất khẩu xe sang châu Âu trong tháng 9, với số lượng hơn 60.000 chiếc, tăng 61% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bloomberg cũng cho biết, Chính phủ Trung Quốc đã khuyến cáo các hãng xe điện của nước này nên tạm dừng việc mở rộng hoạt động tại châu Âu, trong bối cảnh triển vọng đàm phán chưa rõ ràng. Một số hãng xe như Đông Phong vừa tạm dừng kế hoạch sản xuất xe tại Italy sau khuyến cáo này.
Tuy vậy, nhiều hãng xe điện khác của Trung Quốc vẫn dự kiến sẽ tiếp tục xem xét đầu tư xây dựng nhà máy tại châu Âu. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là một lựa chọn có thể giúp cả châu Âu lẫn các hãng xe Trung Quốc hạn chế đáng kể những tác động tiêu cực từ thuế quan.
URL: https://thitruongbiz.vn/eu-chinh-thuc-tang-thue-voi-xe-dien-trung-quoc-d25913.html
© thitruongbiz.vn