Tại thời điểm cuối năm 2024, SK chú thích phần nắm giữ của SK tại Vingroup được phân loại thành tài sản nắm giữ chờ bán (held for sale). Báo cáo thường niên cũng cho thấy SK không còn nắm giữ cổ phần tại CTCP Tập đoàn Masan nhưng vẫn nắm một số khoản đầu tư.
Báo cáo kinh doanh năm 2024 mới đây của SK Group cho biết đầu năm ngoái, công ty vẫn sở hữu 6,1% tại Tập đoàn Vingroup (Mã: VIC) và 9,2% tại Tập đoàn Masan (Mã: MSN).
Cả hai được ghi nhận ở mục đầu tư vào công ty liên kết với giá trị sổ sách lần lượt là hơn 549 tỷ won (khoảng 9.992 tỷ đồng) và hơn 419 tỷ won (khoảng 7.631 tỷ đồng). Đến cuối năm này, tỷ lệ sở hữu của họ tại hai doanh nghiệp trên đều ghi nhận 0% do cả hai khoản đầu tư đều có quyền chọn bán hoặc là tài sản nắm giữ để chờ bán trong tương lai.
Theo đó, hai khoản trên không được SK Group ghi nhận ở mục đầu tư vào công ty liên kết, mà hạch toán ở mục tài sản chờ để bán.
Điều này có nghĩa là đến cuối năm 2024, SK Group vẫn sở hữu cổ phần tại Vingroup và Masan, nhưng thay vì xác định sẽ nắm giữ trung và dài hạn như một công ty liên kết, họ lên kế hoạch sẵn sàng thoái vốn trong tương lai như một tài sản chờ để bán.
Còn tại The CrownX - nền tảng tích hợp tiêu dùng bán lẻ của Masan, hợp nhất WinCommerce và Masan Consumer Holdings (Mã: MCH), SK Group hiện vẫn còn nắm 4,9% vốn. Giá trị sổ sách khoản đầu tư này giảm 3,5% về hơn 367 tỷ won (khoảng 6.680 tỷ đồng).
Trước đó vào đầu năm, SK Group thông qua SK Investment Vina II đã đăng ký bán hơn 50,8 triệu cổ phiếu VIC để giảm tỷ lệ sở hữu về 4,72%.
Thời điểm đó, lãnh đạo Vingroup chia sẻ việc SK bán cổ phần nằm trong chiến lược hoạch định lại danh mục đầu tư tại các thị trường quốc tế nói chung. Họ vẫn bày tỏ tin tưởng vào tiềm năng thị trường Việt Nam và Vingroup với đa dạng cơ hội kinh doanh cũng như vị thế dẫn dắt trong hầu hết lĩnh vực kinh doanh.
Đầu tháng 9/2024, Tập đoàn Masan cũng chi 200 triệu USD để mua lại 7,1% cổ phần WinCommerce từ SK Group. Hai tháng sau, quỹ đầu tư Hàn Quốc này cũng chuyển nhượng 76 triệu cổ phiếu MSN, tỷ lệ sở hữu giảm về 3,67% và không còn là cổ đông lớn.
Ban lãnh đạo Masan lúc đó cho biết quỹ đầu tư đến từ Hàn Quốc vẫn kỳ vọng vào quỹ đạo tăng trưởng, lợi nhuận của MSN và tốc độ tăng trưởng tiêu dùng của Việt Nam trong dài hạn. Đôi bên sẽ cùng nhau hợp tác để hiện thực hóa cơ hội trên.
Tuy nhiên, trong hệ sinh thái Masan, SK vẫn giữ 8,6% vốn cổ phần của CTCP Phát triển Thương mại và Dịch vụ VCM, giảm so với mức 15,8% từ cuối 2023, và 4,9% tại The CrownX.
SK Group - "chaebol" lớn thứ ba Hàn Quốc, sau Samsung và LG - bắt đầu đầu tư vào Masan từ năm 2018, với việc nắm giữ cả cổ phần ở MSN và các công ty con WinCommerce, The CrownX. Đến năm 2019, họ trở thành đối tác chiến lược của Vingroup sau khi rót 1 tỷ USD để đổi lấy 6,1% vốn tại VIC.
Hai năm gần đây, truyền thông Hàn Quốc nhiều lần đưa tin SK Group muốn tái cấu trúc các khoản đầu tư. Doanh nghiệp này kỳ vọng thu về khoảng 1.000 tỷ won (tương đương 720 triệu USD) thông qua việc xử lý các khoản đầu tư không cốt lõi của mình để đảm bảo dòng tiền.
Từ năm 2023, giới đầu tư đã bắt đầu đồn đoán SK Group có thể rút khỏi Việt Nam, bắt đầu từ việc thoái cổ phần tại Masan.
Về sau, chính SK Group bác tin đồn và trả lời truyền thông Hàn Quốc rằng đang thảo luận về hợp tác kinh doanh lâu dài với chính phủ Việt Nam cùng các công ty lớn trong nước. Họ nói vẫn đang lên kế hoạch đưa Việt Nam thành "căn cứ kinh doanh ở Đông Nam Á".
Đối với cổ phần tại Imexpharm, báo cáo của SK không ghi nhận biến động đáng kể trong năm vừa rồi.
© thitruongbiz.vn