Bên cạnh các doanh nghiệp lớn đóng góp vào nền kinh tế quốc dân của nước nhà, Việt Nam là đất nước đang phát triển nên đại đa số các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp mới thành lập vẫn ở mức vừa và nhỏ. Nếu bạn chuẩn bị thành lập doanh nghiệp thì không thể không biết những quy định pháp lý quan trọng về doanh nghiệp vừa và nhỏ dưới đây.
Nhìn suốt chiều dài lịch sử phát triển kinh tế của các quốc gia hàng đầu trên thế giới, thời điểm ban đầu các doanh nghiệp vừa và nhỏ luôn là động lực của nền kinh tế. Trong nền kinh tế đang phát triển với tốc độ tăng trưởng mạnh và ổn định như nước ta, doanh nghiệp vừa và nhỏ có vai trò rất lớn.
Hiện nay, theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đến 97% tổng số doanh nghiệp cả nước, có vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế. Nhóm doanh nghiệp này đang tích cực đóng góp thường xuyên và liên tục khoảng hơn 40% GDP, thu hút hơn 50% tổng số nhân công lao động và hàng năm đóng góp xấp xỉ 17,26% nguồn thu ngân sách Nhà nước. Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là mục tiêu quan trọng của Chính phủ và các cơ quan ban ngành thông qua việc xúc tiến các chính sách ưu đại đầu tư phát triển trong nước, tham gia đàm phán, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Hàn Quốc, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… Vậy doanh nghiệp vừa và nhỏ là gì?
Doanh nghiệp vừa và nhỏ - Small and medium-sized enterprises – SME |
Ở Việt Nam đã có một số công văn giải hướng dẫn về định nghĩa của doanh nghiệp vừa và nhỏ. Công văn số 681 CP-KTN ban hành ngày 20-6-1998 theo đó doanh nghiệp nhỏ và vừa là doanh nghiệp có số công nhân dưới 200 người và số vốn kinh doanh dưới 5 tỷ đồng. Tiêu chí này đặt ra nhằm xây dựng một bức tranh chung về các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam phục vụ cho việc hoạch định chính sách. Trên thực tế tiêu chí này không cho phép phân biệt các doanh nghiệp vừa, nhỏ và cực nhỏ.
Vì vậy, tiếp theo đó Nghị định số 90/2001/NĐ-CP đưa ra chính thức định nghĩa khái quát về doanh nghiệp vừa và nhỏ như sau: "Doanh nghiệp nhỏ và vừa là cơ sở sản xuất, kinh doanh độc lập, đã đăng ký kinh doanh theo pháp luật hiện hành, có vốn đăng ký không quá 10 tỷ đồng hoặc số lao động trung bình hàng năm không quá 300 người. Các doanh nghiệp cực nhỏ được quy định là có từ 1 đến 9 nhân công, doanh nghiệp có từ 10 đến 49 nhân công được coi là doanh nghiệp nhỏ. Cụ thể hơn theo tiêu chí của Nhóm Ngân hàng Thế giới: – Doanh nghiệp nhỏ có số lượng lao động từ 10 đến dưới 200 người và nguồn vốn 20 tỷ trở xuống, còn – Doanh nghiệp vừa có từ 200 đến 300 lao động nguồn vốn 20 đến 100 tỷ.".
Xác định doanh nghiệp vừa và nhỏ căn cứ vào nhiều tiêu chí |
1. Xác định lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp (Điều 6)
Đầu tiên, doanh nghiệp cần phải xác định lĩnh vực hoạt động của mình căn cứ vào ngành, nghề kinh doanh chính mà doanh nghiệp đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh. Doanh nghiệp có thể tìm thấy thông tin này trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Với mục đích xác định doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ hay doanh nghiệp vừa, doanh nghiệp cần xác định mình thuộc nhóm nào trong 02 nhóm lĩnh vực: (1) nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng; hay (2) thương mại và dịch vụ.
2. Xác định số lao động sử dụng có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm của doanh nghiệp (Điều 7)
Tiếp theo, doanh nghiệp cần căn cứ vào chứng từ nộp bảo hiểm xã hội mà doanh nghiệp nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội. Doanh nghiệp cần xác định tổng số lao động tham gia bảo hiểm xã hội của mỗi tháng trong 12 tháng của năm trước liền kề, sau đó chia cho 12 để lấy số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm. Trường hợp doanh nghiệp hoạt động dưới 01 năm, doanh nghiệp lấy tổng số lao động tham gia bảo hiểm xã hội của các tháng chia cho số tháng đã hoạt động.
3. Xác định tổng nguồn vốn của doanh nghiệp (Điều 8)
Để có thể xác định tổng nguồn vốn, doanh nghiệp cần căn cứ vào Báo cáo tài chính của năm trước liền kề mà doanh nghiệp nộp cho cơ quan quản lý thuế. Cụ thể, tổng nguồn vốn được xác định trong bảng cân đối kế toán của Báo cáo tài chính (tính tại thời điểm cuối năm). Trường hợp doanh nghiệp hoạt động dưới 01 năm, doanh nghiệp xác định tổng nguồn vốn dựa trên bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp tại thời điểm cuối quý liền kề.
4. Xác định tổng doanh thu của doanh nghiệp (Điều 9)
Doanh nghiệp xác định tổng doanh thu dựa trên Báo cáo tài chính của năm trước liền kề mà doanh nghiệp nộp cho cơ quan quản lý thuế. Trường hợp doanh nghiệp hoạt động dưới 01 năm hoặc chưa phát sinh doanh thu thì doanh nghiệp không căn cứ vào tổng doanh thu để xác định quy mô doanh nghiệp.
5. Xác định quy mô doanh nghiệp (Điều 5)
Sau khi doanh nghiệp đã biết được 04 thông tin kể trên, doanh nghiệp đã có thể tự xác định quy mô doanh nghiệp theo bảng sau:
- Đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng:
Xác định quy mô doanh nghiệp với doanh nghiệp thuộc lĩnh vực (1) |
- Đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ:
Xác định quy mô doanh nghiệp với doanh nghiệp thuộc lĩnh vực (2) |
Ví dụ 01: Doanh nghiệp A kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ; số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm là 05 người; tổng nguồn vốn năm trước liền kề là 02 tỷ đồng; tổng doanh thu năm trước liền kề là 20 tỷ đồng. Doanh nghiệp A là doanh nghiệp siêu nhỏ.
Ví dụ 02: Doanh nghiệp B kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng, thời gian hoạt động mới được 09 tháng; số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm là 50 người; tổng nguồn vốn cuối quý liền kề là 30 tỷ đồng; chưa phát sinh doanh thu. Doanh nghiệp B là doanh nghiệp vừa.
6. Thực hiện kê khai với cơ quan, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Điều 10):
Bước cuối cùng, doanh nghiệp kê khai với cơ quan, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo mẫu hiện hành.
Chiếu theo quy định hiện hành tại Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2017, doanh nghiệp vừa và nhỏ có một số đặc điểm sau đây:
Thứ nhất, doanh nghiệp vừa và nhỏ là cơ sở sản xuất kinh doanh độc lập, tồn tại dưới các hình thức kinh doanh khác nhau. Doanh nghiệp vừa và nhỏ là cơ sở kinh doanh độc lập, tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau được thành lập dưới sự góp vốn do một hoặc nhiều chủ thể đầu tư (có thể là tổ chức, cá nhân). Doanh nghiệp vừa và nhỏ là một chủ thể có tư cách pháp nhân, tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập, bình đẳng với các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn. Mục đích của các doanh nghiệp vừa và nhỏ là thực hiện hoạt động kinh doanh hướng đến lợi nhuận. Theo pháp luật doanh nghiệp hiện hành của Việt Nam thì doanh nghiệp vừa và nhỏ là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch ổn định (trụ sở chính), đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật và thực hiện các hoạt động kinh doanh hướng đến mục đích lợi nhuận. Doanh nghiệp vừa và nhỏ là loại hình doanh nghiệp được tổ chức hoạt động theo các ngành nghề mà pháp luật cho phép, với các loại hình mà Luật doanh nghiệp quy định.
Thứ hai, doanh nghiệp vừa và nhỏ có quy mô nhỏ và số lượng lao động ít.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ là những doanh nghiệp có quy mô nguồn vốn nhỏ; sử dụng ít lao và động, doanh thu thấp hơn, trình độ quản lý doanh nghiệp và chất lượng nhân sự, người lao động của doanh nghiệp cũng như chi phí đào tạo lao động chưa cao trong tương quan so sánh với các doanh nghiệp khác.
Tiêu chí quy mô nhỏ và số lượng lao động ít là những tiêu chí quan trọng để nhận diện đó có phải là doanh nghiệp vừa và nhỏ so với các doanh nghiệp không phải là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ở Việt Nam việc xác định tiêu chí đánh giá doanh nghiệp vừa và nhỏ có sự khác biệt giữa các thời kỳ và tùy từng lĩnh vực. Có sự khác nhau như vậy là vì yêu cầu hoạt động kinh doanh của mỗi lĩnh vực kinh doanh có đặc thù khác nhau. Ví dụ ở Việt Nam doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 50 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 20 tỷ đồng. Nhưng doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 50 người và tổng doanh thu của năm không quá 100 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 50 tỷ đồng.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ có những đặc điểm riêng |
- Doanh nghiệp vừa và nhỏ sở hữu những ưu điểm nhất định:
+ Với đặc điểm quy mô vốn nhỏ, tổ chức quản lý doanh nghiệp đơn giản, gọn nhẹ, dễ dàng thành lập doanh nghiệp với số vốn nhỏ nên doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ dàng, năng động hơn so với các doanh nghiệp lớn trong việc thay đổi hướng kinh doanh.
+ Mặt khác, doanh nghiệp vừa và nhỏ sẵn sàng mạo hiểm đầu tư vào các lĩnh vực mới, mạo hiểm với rủi ro có thể xảy ra, từ đó tạo nên nguồn động lực phát triển cho xã hội, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
- Bên cạnh những ưu điểm doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp cũng gặp những khó khăn như:
+ Việc tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư mở rộng quy mô kinh doanh.
+ Khó khăn trong việc đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh trong xu thế hội nhập quốc tế.
+ Bên cạnh đó, vì doanh nghiệp vừa và nhỏ có ít vốn nên khó cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn trong việc thu hút lao động có tay nghề cao, với nguồn kinh phí hạn hẹp nên doanh nghiệp vừa và nhỏ khó có khả năng đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho người lao động.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang chiếm tỷ trọng lớn, thậm chí áp đảo trong tổng số doanh nghiệp hiện tại. Doanh nghiệp vừa và nhỏ giữ vai trò ổn định nền kinh tế đồng thời cũng có nhiều đóng góp to lớn, quan trọng vào thu ngân sách, tạo công ăn việc làm trong cả nước, đóng góp một phần không nhỏ vào giá tị GDP cho nước ta. Hiểu biết cơ bản về doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các quy định pháp luật liên quan sẽ giúp doanh nghiệp có hành lang pháp lý vững chắc, thực hiện tốt nghĩa vụ với đất nước.
© thitruongbiz.vn