Đối với nhiều doanh nghiệp đã chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc sang các nước khác, làn sóng thuế quan mới của chính quyền Trump đã làm lung lay toàn bộ chiến lược, đồng thời đẩy họ vào trạng thái tê liệt và lo lắng.
Trong hơn hai thập kỷ sống và làm việc tại Trung Quốc, Jacob Rothman, một doanh nhân Mỹ điều hành chuỗi nhà máy sản xuất đồ bếp cho các tập đoàn bán lẻ lớn như Walmart, từng nghĩ rằng mình đã có phương án dự phòng hoàn hảo, theo chia sẻ của ông với tờ New York Times.
Ông đã nhanh chóng nhìn ra căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và chuyển một phần sản xuất sang Việt Nam, Ấn Độ và mở hẳn một nhà máy tại Campuchia nhằm tránh rủi ro từ thuế quan, khủng hoảng địa chính trị hay thiên tai.
Tuy nhiên, kế hoạch đó đã bị đảo lộn hoàn toàn bởi loạt thuế quan mới mà chính quyền Trump tung ra đồng loạt với hàng chục quốc gia cùng lúc. Ngay cả khi Nhà Trắng tuyên bố tạm dừng phần lớn thuế quan, trừ với Trung Quốc, thì giới doanh nghiệp vẫn không khỏi hoang mang.
Ông Rothman cho rằng, bối cảnh hỗn loạn hiện nay khiến cả khu vực Đông Nam Á cũng có thể không còn là "nơi trú ẩn an toàn"
Với chính sách thương mại bất ổn, các công ty như Apple, Walmart, Nike hay Samsung từng chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác để tránh thuế giờ đây cũng rơi vào thế khó.
Thuế suất mới lên đến 125% với hàng Trung Quốc, 46% với Việt Nam, 49% với Campuchia và 27% với Ấn Độ – khiến chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng gần như phá sản.
“Chuỗi cung ứng cần sự ổn định lâu dài để lên kế hoạch, điều gần như bất khả thi trong môi trường hiện nay,” Ryan Petersen, CEO công ty logistics Flexport tại San Francisco nhận định.
Với Rothman, thông tin về thuế quan mới đã khiến một đơn hàng trị giá 5 triệu USD bị hoãn lại, nhiều khách hàng khác thì yêu cầu giữ hàng trong kho để chờ tình hình rõ ràng hơn. Ông dự báo đơn hàng có thể giảm 30% trong 6 tháng tới.
Việc xây dựng nhà máy tại Mỹ cũng không phải lựa chọn dễ dàng. Các khoản đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn dài và nguy cơ chính sách thay đổi khiến nhà đầu tư khó lòng an tâm. Thuế nhập khẩu cao đối với máy móc và thiết bị càng khiến việc đầu tư vào sản xuất trong nước Mỹ trở nên rủi ro hơn.
© thitruongbiz.vn