Năm 2024 đánh dấu những nỗ lực không ngừng của Bộ Tài chính trong việc thực hiện các nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN). Với các chính sách tài khóa linh hoạt và quyết liệt, hoạt động thu, chi ngân sách đã đạt được những kết quả khả quan, góp phần quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, và đảm bảo an sinh xã hội.
Xây dựng và hoàn thiện các chính sách pháp luật
Theo báo cáo của Bộ Tài chính: Dựa trên các nghị quyết và chỉ đạo từ Đảng, Quốc hội và Chính phủ, Bộ Tài chính đã sớm xây dựng kế hoạch hành động nhằm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN. Các chính sách tài khóa được điều chỉnh phù hợp, tập trung vào tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy tăng trưởng, và bảo vệ an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát và đôn đốc tiến độ thực hiện được triển khai quyết liệt tại các địa phương, đảm bảo giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Bộ Tài chính đã trình Quốc hội thông qua và góp ý cho nhiều dự luật quan trọng như: Sửa đổi Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, và các luật liên quan đến ngân sách, thuế; điều chỉnh chính sách thuế giá trị gia tăng, giảm 2% thuế suất đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.
Đồng thời, Bộ đã ban hành hơn 80 thông tư hướng dẫn, trình Chính phủ và Thủ tướng ban hành hàng loạt nghị định, quyết định nhằm hoàn thiện khung pháp lý cho các lĩnh vực tài chính – ngân sách.
Thực hiện Chương trình công tác năm 2024 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2024. Tính đến ngày 27/12/2024, Bộ Tài chính đã hoàn thành 63/72 đề án nhiệm vụ được giao (đạt 87,5%), trong đó có 38 đề án, nhiệm vụ được giao bổ sung trong quá trình chỉ đạo, điều hành. Dự kiến đến hết ngày 31/12/2024, Bộ Tài chính sẽ hoàn thành 70/71 đề án nhiệm vụ được giao (đạt 98,6% kế hoạch nhiệm vụ)...
Nhìn chung, việc nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách tài chính đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng; đáp ứng yêu cầu về nội dung, tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và giải quyết những vấn đề lớn phức tạp, các vấn đề mới của đất nước trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Qua đó, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phát triển kinh tế bền vững, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và tiếp tục cơ cấu lại NSNN.
Năm 2024, tổng thu NSNN đạt 1.997,3 nghìn tỷ đồng, vượt 17,4% so với dự toán. Trong đó: Thu nội địa đạt 115,2% dự toán; thu từ dầu thô đạt 126,2%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 134,2%.
Các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế với tổng giá trị hỗ trợ lên đến 197,3 nghìn tỷ đồng đã giúp doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh. Những biện pháp này cũng góp phần kiểm soát lạm phát và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.
Chi NSNN năm 2024 ước đạt 1.830,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 86,4% dự toán, bao gồm: Chi đầu tư phát triển đạt 78,1% dự toán; chi thường xuyên đạt 94,5%, đảm bảo kịp thời các nhiệm vụ phát sinh.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đã tiết kiệm 5.000 tỷ đồng từ chi thường xuyên để bổ sung cho các chương trình xã hội quan trọng như xóa nhà tạm cho người nghèo, cải thiện hệ thống giao thông và khắc phục hậu quả thiên tai.
Dựa trên kết quả thu - chi, bội chi ngân sách năm 2024 được giữ ở mức 3,4% GDP, thấp hơn dự toán. Công tác phát hành trái phiếu chính phủ đã huy động được 330,4 nghìn tỷ đồng với lãi suất bình quân 2,52%/năm, góp phần ổn định thị trường tài chính - tiền tệ. Trong năm tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tập trung vào các giải pháp cải cách hành chính, tăng cường số hóa trong quản lý tài chính và thuế, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để tạo động lực phát triển kinh tế bền vững.
© thitruongbiz.vn