Đoạn clip ghi lại cảnh người phụ nữ đổ cả xô chất thải lên người hai mẹ con trong đó cháu bé mới chỉ 2 tuổi tại Phú Yên đã khiến cư dân mạng phẫn nộ.
Tối ngày 19/4, bà N.T.C (56 tuổi) sang nhà bà G. (40 tuổi) đòi tiền nợ. Tuy nhiên, bà G. không có tiền trả. Hai bên xảy ra đôi co. Bà C. buông lời lẽ hăm dọa rồi tạt phân trộn lẫn với dầu hỏa lên người bà G. và đầu con của bà G. |
Cụ thể, đoạn clip ngắn ghi lại cảnh một người phụ nữ đã bắc thang rồi xách xô chất thải đổ vào người hai mẹ con nhà hàng xóm đã khiến dư luận xôn xao.
Khi phát hiện sự việc, một người dân địa phương đã quay lại clip và chất vấn người phụ nữ đã đổ gì vào nhà hàng xóm thì người phụ nữ này thản nhiên cho biết "Phân cũng đổ, đổ đủ thứ… đổ cho nó biết".
Thấy vậy, người quay clip liền nói "Trời ơi, chị nghĩ sao thằng nhỏ có chút xíu mà chị đem phân đổ lên đầu nó vậy chị".
Đoạn clip cũng ghi được cảnh người phụ nữ bế theo bé trai đứng trong nhà thút thít khóc trên người đầy chất thải và dầu hỏa vừa bị đổ lên. Hình ảnh cậu bé oà khóc, còn người phụ nữ vừa nức nở, vừa dỗ dành "Nín đi con" đã khiến cư dân mạng không kìm được xúc động.
Theo như tìm hiểu được biết, sự việc trên xảy ra tại thôn Tịnh Thọ, xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên vào tối 19/4, bà N.T.C. (SN 1965, trú ở thôn Tịnh Thọ) qua nhà hàng xóm là bà C.T.G. (SN 1981) để đòi tiền nợ. Do bà G. chưa có tiền trả nên hai bên đôi co, lời qua tiếng lại. Bà C. đổ một xô chứa đầy chất xú uế trộn lẫn với dầu hỏa lên người bà G. và bé trai mới khoảng 2 tuổi, là con trai của bà G.
Liên quan đến vụ việc trên, vào ngày 13/11/2020, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tây Hòa khởi tố vụ án "cưỡng đoạt tài sản" liên quan đến việc bà N.T.C. đòi nợ bà C.T.G. Trước đó, vào năm 2014, bà G. có vay tiền của bà C. để làm ăn.
Đến cuối năm 2019, bà G. còn nợ của bà C. 285 triệu đồng. Bà C. nhiều lần đến nhà bà G. đòi nhưng do làm ăn thua lỗ, bà G. không có tiền để trả. Do đó, bà C. thường xuyên đe dọa bà G. cùng gia đình con nợ.
Hình ảnh mẹ con bà G. người lấm lem chất thải và cậu bé 2 tuổi khóc nức nở khiến cư dân mạng phẫn nộ vì hành động nhẫn tâm của chủ nợ. |
Ngày 18/4/2020, bà C. đến nhà bà G. để lấy tài sản, bị bà G. ngăn cản nên xảy ra giằng co, xô xát. Sau đó bà C. gọi con trai sinh năm 2001 đến nhà bà G., hai mẹ con đã lấy xe máy, tủ lạnh, máy giặt và một số tài sản khác. Hội đồng định giá tài sản thường xuyên trong tố tụng hình sự huyện Tây Hòa kết luận tổng giá trị tài sản mà bà C. lấy ở gia đình bà G. là hơn 24,5 triệu đồng.
Nguồn tin cũng cho hay, vụ án đã được khởi tố cách đây 5 tháng nhưng chưa khởi tố bị can vì "còn một số vấn đề liên quan cần được làm rõ".
Bà Phạm Thị Minh Hiền - Phó giám đốc sở LĐ-TB-XH tỉnh Phú Yên, cho biết đã tiếp nhận và đang xác minh thông tin. Tuy nhiên, trước mắt mới chỉ có thông tin một chiều (từ clip đăng tải trên mạng xã hội) nên sáng 22/4, lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH tỉnh Phú Yên sẽ trực tiếp đến nơi xảy ra sự việc để nắm bắt lại toàn bộ. Các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương sẽ phối hợp, xử lý vụ việc theo đúng trình tự của pháp luật.
Trao đổi với báo chí, luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn Luật sư TP Hà Nội khẳng định dù nguyên nhân gì đi nữa, hành vi của người phụ nữ này là rất tàn nhẫn, có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người khác, xâm hại thân thể và làm nhục trẻ em. Hành vi này có dấu hiệu tội phạm bởi vậy cơ quan điều tra cần xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật. Luật sư Cường cho rằng, Cơ quan điều tra sẽ làm rõ đối tượng đã đổ chất thải nên người mẹ con cháu bé hai tuổi nhằm mục đích gì. Trường hợp có căn cứ cho thấy đối tượng đổ chất thải nên người mẹ con cháu bé nhằm mục đích buộc người mẹ phải trả tiền, hành vi có dấu hiệu của tội cưỡng đoạt tài sản theo Điều 170 BLHS hoặc tội cướp tài sản theo quy định tại Điều 168 Bộ luật hình sự năm 2015. Theo quy định của pháp luật, trong các giao dịch dân sự nếu phát sinh nghĩa vụ trả tiền mà các bên không thỏa thuận được với nhau có thể khởi kiện đến tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người khác để buộc giao tài sản là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Nếu hành vi dùng vũ lực khiến cho nạn nhân lâm vào tình trạng không thể chống cự được để chiếm đoạt tài sản đó là hành vi cướp tài sản. Còn hành vi đe dọa uy hiếp tinh thần của người khác nhằm chiếm đoạt tài sản mà chưa đến mức khiến người bị đe dọa tê liệt ý chí vẫn có thể bị xử lý hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản theo Điều 170 BLHS năm 2015. Theo luật sư Cường, hành vi tấn công, đổ chất thải vào đầu, vào người khác là hành vi sử dụng vũ lực. Trong vụ việc này nạn nhân là đứa trẻ mới 2 tuổi cho thấy hành vi tàn nhẫn, mất tính người của đối tượng đã thực hiện hành vi nguy hiểm. Trường hợp đối tượng này là chủ nợ, nhiều lần đòi tiền nhưng mẹ của cháu bé không trả, pháp luật cũng không cho phép đối tượng này sử dụng vũ lực một cách tùy tiện, theo kiểu “tự xử” như vậy. Chỉ có cơ quan thi hành án dân sự mới có quyền sử dụng vũ lực, lực lượng cưỡng chế và thực hiện tổ chức cưỡng chế thi hành bản án theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự. “Pháp luật nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động cưỡng chế để đòi nợ trái pháp luật. Nếu ai cũng hành xử theo kiểu côn đồ, tự xử như vậy xã hội sẽ loạn”, luật sư Cường chia sẻ. |
© thitruongbiz.vn