Đấu giá hẳn là một khái niệm tương đối phổ biến trong bối cảnh nền kinh tế thị trường hàng hoá phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Cũng như các hoạt động thương mại khác, hoạt động đấu giá cũng nhằm mục đích tăng thu lợi nhuận. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu đúng và đủ các quy định hiện hành về đấu giá, bước giá hay phân biệt được đấu giá với đấu thầu.
Đấu giá tài sản là hình thức bán tài sản thông qua thủ tục trả giá công khai giữa nhiều người muốn mua và người trả giá cao nhất là người được quyền mua tài sản bán. Thông thường, để đấu giá tài sản, người bán đấu giá phải đưa ra giá khởi điểm của tài sản muốn bán và phải trưng bày tài sản để những người muốn mua xem trước. Những người muốn mua sẽ tham gia trả giá theo thủ tục nhất định. Người trả giá cao nhất là người dành được quyền mua tài sản.
Không phải ai cũng hiểu rõ các quy định hiện hành về đấu giá. (Nguồn: VGP) |
Theo pháp luật Việt Nam, đấu giá tài sản được quy định trong Bộ luật dân sự, Luật thương mại và đặc biệt là Luật Đấu giá tài sản 2016, cùng với các văn bản luật và dưới luật liên quan. Đấu giá tài sản là hình thức bán tài sản có từ hai người trở lên tham gia đấu giá theo nguyên tắc, trình tự và thủ tục được quy định tại Luật Đấu giá tài sản 2016. Luật hiện hành cũng quy định cụ thể về điều kiện, trình tự thực hiện đấu giá trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá, một người chấp nhận giá.
Người có tài sản đấu giá là cá nhân, tổ chức sở hữu tài sản, người được chủ sở hữu tài sản ủy quyền bán đấu giá tài sản hoặc người có quyền đưa tài sản ra đấu giá theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
Tổ chức bán đấu giá tài sản có hai loại: Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản và doanh nghiệp đấu giá tài sản, trong đó:
- Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở tư pháp, có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng.
- Doanh nghiệp đấu giá tài sản được thành lập, tổ chức và hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh theo quy định của pháp luật hiện hành.
Đấu giá tài sản có thể là bắt buộc theo quyết định của Toà án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền; hoặc tự nguyện theo nhu cầu của chủ sở hữu tài sản.
- Trường hợp tự nguyện, người bán tài sản có thể tự tổ chức đấu giá hoặc thông qua người bán đấu giá. Người có tài sản đấu giá sẽ tiến hành ký kết hợp đồng bán đấu giá tài sản với tổ chức bán đấu giá. Các bên tiến hành bàn bạc, định ra mức giá khởi điểm bán đấu giá và mức giá khởi điểm bán đấu giá do người bán tài sản quyết định.
Hoạt động đấu giá các tác phẩm mỹ thuật diễn ra sôi nổi ở Việt Nam và trên thế giới. (Ảnh minh hoạ) |
- Trường hợp bán đấu giá nhằm thi hành bản án dân sự thì cơ quan thi hành án ra quyết định cưỡng chế thi hành án sẽ là những người có tài sản bán đấu giá, ký hợp đồng bán đấu giá với tổ chức bán đấu giá. Trong trường hợp này người cần phải thi hành án dân sự không tự nguyện thực hiện quyết định, bản án quyết định của Tòa án cho nên theo yêu cầu của người được thi hành án và cơ quan thi hành án cưỡng chế bán đấu giá tài sản để thi hành án, ký hợp đồng bán đấu giá tài sản để thực hiện nhiệm vụ của mình.
Đấu giá khác với đấu thầu ở những điểm cơ bản sau:
- Thứ nhất là mục đích. Đấu giá nhằm tìm người mua trả giá có lợi nhất, còn đấu thầu nhằm tìm kiếm nhà cung cấp (tức người bán) phù hợp với nhu cầu của bên mua.
- Thứ hai là đối tượng. Với đấu giá là các loại hàng hoá được phép lưu thông, còn đấu thầu bao gồm cả các dịch vụ đã được cấp phép như hoạt động thi công, xây dựng,…
- Thứ ba là chủ thể. Với đấu giá, chủ thể là người mua và người bán (chủ sở hữu món hàng). Với đấu thầu, chủ thể là bên mời thầu (bên mua hoặc bên có nhu cầu với một loại sản phẩm, dịch vụ cụ thể) và bên dự thầu (bên bán hoặc bên có khả năng đáp ứng các nhu cầu của bên mua).
Biển số xe ô tô cũng được coi là tài sản đấu giá. Dẫn chứng pháp lý cụ thể là Nghị định 39/2023/NĐ-CP ngày 26/6/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Nghị quyết số 73/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô. (Ảnh minh hoạ) |
Đấu giá có thể được thực hiện dưới phương thức đấu tăng giá hoặc đấu hạ giá. Trên thế giới, có những hình thức đấu giá phổ biến được sử dụng trong tất cả các mặt hàng và lĩnh vực như:
- Đấu giá kiểu Anh (đấu tăng giá): Những người tham gia đấu giá với nhau một cách công khai. Giá đặt mua sau phải cao hơn giá đặt mua trước đó. Cuộc đấu giá kết thúc khi đạt đến mức giá trần hoặc không có ai trả giá cao hơn. Cuối cùng, người trả giá cao nhất sẽ mua món hàng với giá đã đưa ra.
- Đấu giá kiểu Hà Lan (đấu hạ giá): còn được gọi là đấu giá ngược, đã có từ thế kỷ 17. Ban đầu, người điều khiển buổi đấu giá sẽ hô mức giá cao nhất và sau đó giảm dần cho đến khi có người đồng ý mua món hàng với giá tương đương. Hiện nay hình thức này thường được kết hợp với cách đấu giá trực tuyến để người bán có thể bán sản phẩm của mình một cách nhanh chóng.
- Đấu giá kín:
+ Đấu giá kín theo giá thứ nhất: người tham gia thực hiện đặt giá mua bí mật cùng một lúc. Người trả giá cao nhất sẽ có được món hàng.
+ Đấu giá kín theo giá thứ hai (đấu giá Vickrey): tương tự như đấu giá kín theo giá thứ nhất nhưng khác ở chỗ người thắng sẽ phải mua món hàng với mức giá cao thứ hai.
+ Đấu giá câm: là một loại hình đấu giá kín được sử dụng trong các cuộc đấu giá từ thiện. Người tham gia ra giá qua một tờ giấy đặt bên cạnh món hàng. Người tham giá có thể biết hoặc không biết số lượng người tham gia và giá mà họ đưa ra. Người trả giá cao nhất sẽ mua món hàng với mức giá đã đưa ra.
Đáng chú ý, pháp luật Việt Nam chỉ quy định về đấu tăng giá, cụ thể Luật Đấu giá tài sản 2016 liệt kê 04 hình thức sau:
- Đấu giá tài sản trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá
- Đấu giá tài sản bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá
- Đấu giá tài sản bằng bỏ phiếu gián tiếp
- Đấu giá tài sản trực tuyến.
Họp báo ngày 18/5/2020 công bố Quyết định của sở Tư pháp TP. Hà Nội về việc phê duyệt Công ty Đấu giá Hợp danh Số 5 - Quốc gia trở thành đơn vị đầu tiên trên cả nước đủ điều kiện thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến theo quy định tại Luật Đấu giá tài sản 2016. (Nguồn: Tạp chí Luật sư Việt Nam) |
Bước giá là mức chênh lệch tối thiểu của lần trả giá sau so với lần trả giá trước liền kề trong trường hợp đấu giá theo phương thức trả giá lên. Bước giá do người có tài sản đấu giá quyết định và thông báo bằng văn bản cho tổ chức đấu giá tài sản đối với từng cuộc đấu giá. (Khoản 1 Điều 5 Luật Đấu giá tài sản 2016)
Theo như quy định thì bước giá do người có tài sản đấu giá quyết định. Hiện nay, Luật Đấu giá tài sản 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định về nguyên tắc, tiêu chí cụ thể, cũng như cách thức để xác định bước giá. Như vậy, có thể hiểu rằng việc đưa ra bước giá hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người có tài sản đấu giá mà không dựa trên nguyên tắc, tiêu chí cụ thể nào.
Trong khi đó, bước giá cũng không được quy định cụ thể trong nội dung của Quy chế cuộc đấu giá mà do đấu giá viên thông báo tại cuộc đấu giá theo quy định của Luật Đấu giá tài sản.
Các căn cứ thông thường là giá khởi điểm, quy mô của cuộc đấu giá và các yếu tố khác để xác định bước giá. Thực tế là có bước giá được đưa ra quá cao hoặc quá thấp so với giá khởi điểm, dẫn đến sự thất bại của nhiều cuộc bán đấu giá. Đồng thời, việc không có quy định cụ thể về bước giá cũng có thể tạo ra kẽ hở cho việc "lách" luật, thông đồng, móc nối "dìm" giá để trục lợi của một số đối tượng người bán và người mua, đặc biệt là đối với các loại tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá.
Giá khởi điểm của tài sản đấu giá: là giá ban đầu thấp nhất của tài sản đấu giá trong trường hợp đấu giá theo phương thức trả giá lên; giá ban đầu cao nhất của tài sản đấu giá trong trường hợp đấu giá theo phương thức đặt giá xuống.
- Giá khởi điểm của tài sản đấu giá được xác định tại thời điểm:
+ Trước khi ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản;
+ Trước khi thành lập Hội đồng đấu giá tài sản, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
+ Trước khi tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng tự đấu giá.
Hiện chưa có quy định cụ thể về bước giá. (Ảnh minh hoạ) |
- Giá khởi điểm của tài sản đấu giá được xác định như sau:
+ Đối với tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá thì giá khởi điểm được xác định theo quy định của pháp luật áp dụng đối với loại tài sản đó;
+ Đối với tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức tự nguyện lựa chọn bán thông qua đấu giá theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật Đấu giá tài sản 2016 thì giá khởi điểm do người có tài sản đấu giá tự xác định hoặc ủy quyền cho tổ chức đấu giá tài sản hoặc cá nhân, tổ chức khác xác định.
- Tài sản đấu giá được giám định theo quy định của pháp luật hoặc khi có yêu cầu của người tham gia đấu giá và được sự đồng ý của người có tài sản đấu giá. Trình tự, thủ tục giám định được thực hiện theo quy định của pháp luật áp dụng đối với tài sản đó. Trong trường hợp giám định theo yêu cầu thì người yêu cầu thanh toán chi phí giám định.
URL: https://thitruongbiz.vn/dau-gia-la-gi-quy-dinh-ve-buoc-gia-trong-dau-gia-tai-san-d14321.html
© thitruongbiz.vn