Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số Bộ Công Thương cho biết, thực tế hiện nay, có nhiều trường hợp đặt hàng không qua các sàn thương mại điện tử, mà đặt hàng qua các mạng xã hội, các nền tảng không có chức năng đặt hàng trực tuyến, đây là một thách thức rất lớn đối với công tác quản lý thuế.
Tại Tọa đàm về 'Tăng cường hiệu quả quản lý thuế đối với thương mại điện tử' do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 23/9, bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số Bộ Công Thương đã chia sẻ những giải pháp nâng cao hiệu quả của thương mại điện tử ở Việt Nam và bảo đảm hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội cũng như thu đúng, thu đủ đối với các nguồn thu từ thương mại điện tử.
Đặt hàng qua mạng xã hội là thách thức lớn cho công tác thu thuế, kỳ vọng hệ thống CNTT đang xây dựng |
Cụ thể, bà Việt Anh cho biết, bài toán về quản lý thương mại điện tử nói chung, cũng như quản lý thuế trong thương mại điện tử nói riêng là một bài toán rất phức tạp, bởi nó đang liên quan đến rất nhiều các bộ, ngành.
Chẳng hạn liên quan đến hóa đơn là Bộ Tài chính, đối với hàng hóa giao dịch qua biên giới là Hải quan, liên quan đến dịch vụ nội dung số là Bộ Thông tin và Truyền thông, chuyển phát liên quan đến Cục Bưu chính, khâu thanh toán liên quan đến Ngân hàng Nhà nước...
Cho nên, mấu chốt nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong giao dịch thương mại điện tử chính là cơ chế phối hợp, sự chia sẻ thông tin giữa tất cả các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.
Trong công tác phối hợp hiện có hai nội dung. Đó là phối hợp trong việc xây dựng chính sách và phối hợp trong việc chia sẻ, kết nối dữ liệu.
Chúng ta thấy việc xây dựng một hệ thống dữ liệu đồng bộ, toàn diện và đầy đủ là một trong những yếu tố quyết định thành công trong việc phát triển thương mại điện tử.
Bên cạnh đó việc xây dựng một khung pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho vấn đề này là rất cần thiết. Vì thế cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế đầy đủ, cụ thể, áp dụng đối với từng chủ thể, nhằm đảm bảo phù hợp với các thông lệ quốc tế, phù hợp với các các đặc thù của Việt Nam.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải bảo đảm sự bình đẳng giữa các chủ thể khi tham gia thị trường này.
Chúng ta đều biết, giao dịch thương mại điện tử là một lĩnh vực không biên giới, mà hiện nay doanh nghiệp Việt Nam cũng đang cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài trên chính thị trường Việt Nam.
Vì thế, chúng ta cần phải có các quy định nhằm bảo đảm sự bình đẳng đối với các nền tảng số đang cung cấp các dịch vụ cho thị trường xuyên biên giới mà không hiện diện ở Việt Nam. Việc này sẽ khuyến khích sự phát triển cho cả doanh nghiệp trong và ngoài nước.
"Có một điều mà tôi muốn nhấn mạnh đó là việc ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý. Bởi thực tế hiện nay, có nhiều trường hợp đặt hàng không qua các sàn thương mại điện tử, mà đặt hàng qua các mạng xã hội, các nền tảng không có chức năng đặt hàng trực tuyến, đây là một thách thức rất lớn đối với công tác quản lý thuế.
Vì thế, chúng tôi kỳ vọng rất lớn vào hệ thống công nghệ thông tin mà Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng, để từ đó có thêm một mảng dữ liệu để quản lý thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử này". Bà Việt Anh chia sẻ.
Cũng theo bà Việt Anh, ngoài ra, chúng ta cũng cần phải đẩy mạnh tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế trong hoạt động thương mại điện tử, để người nộp thuế thấy được trách nhiệm và nghĩa vụ khi tham gia các giao dịch này.
Bởi chúng ta đã thấy, chúng ta không thể dựa hoàn toàn vào các nền tảng số, bởi người tham gia thương mại điện tử hiện nay kinh doanh trên rất nhiều các nền tảng. Chừng nào các chủ thể kinh doanh không nhận thức được trách nhiệm và nghĩa vụ trước pháp luật thì chúng ta vẫn còn những khoảng trống thất thoát thuế.
© thitruongbiz.vn