Công nghệ AI có thể hỗ trợ quá trình khử carbon ở những ngành khó "xanh hóa" nhất, the The Economist.
Sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo (công nghệ AI) có thể dẫn đến một "cơn khát điện" để lại hệ lụy khôn lường tới môi trường, hệ sinh thái.
Ước tính, một truy vấn gửi tới ChatGPT tiêu tốn lượng điện gấp mười lần so với một lượt tìm kiếm truyền thống. Phát thải khí nhà kính của Google đã tăng gần 50% từ năm 2019 đến 2023, khi làn sóng công nghệ AI bùng nổ. Microsoft cũng ghi nhận mức tăng gần 30% kể từ năm 2020. Khi các tập đoàn tiếp tục đổ tiền vào xây dựng trung tâm dữ liệu mới, viễn cảnh lượng điện tiêu thụ tiếp tục leo thang là điều khó tránh.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng những lo ngại bi quan có thể đã bị thổi phồng. Xét trên tổng thể, công nghệ AI có thể không tiêu hao năng lượng nhiều như chúng ta tưởng. Quan trọng hơn, AI thực sự có tiềm năng hỗ trợ quá trình phi các-bon hóa ở những ngành vốn rất khó chuyển đổi.
Xét đến mức độ tiêu thụ điện của AI, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo điện năng tiêu thụ của các trung tâm dữ liệu có thể tăng gấp ba lần trong vòng 5 năm tới.
Nhưng ngay cả khi điều này xảy ra, con số hiện tại vẫn còn khá thấp: trung tâm dữ liệu chỉ chiếm khoảng 1,5% tổng điện năng tiêu thụ toàn cầu – mà phần lớn trong số đó là do phát video trực tuyến, mạng xã hội và mua sắm online chứ không phải do công nghệ AI.
Hơn thế nữa, một phần năng lượng AI sử dụng có thể được "hoàn vốn" bằng những đóng góp của nó trong việc làm xanh nền kinh tế. Hiện, AI rất giỏi trong việc nhận diện mô hình phức tạp, xử lý tập dữ liệu khổng lồ và tối ưu hóa hệ thống – những điều then chốt để giảm phát thải.
Trên thực tế, AI hiện đã góp phần nâng cao hiệu suất lưới điện, giảm nhiên liệu tiêu thụ trong ngành vận tải biển và phát hiện các rò rỉ khí methane – một loại khí nhà kính mạnh nhưng thường khó nhận biết.
Theo tờ The Economist, nhiệm vụ của các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo doanh nghiệp là tối ưu hóa các lợi ích trên, đồng thời giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến khí hậu. Một giải pháp lý tưởng là đặt mức giá carbon hợp lý để thị trường tự điều chỉnh.
Nhưng trong khi viễn cảnh một mức giá carbon toàn cầu còn xa vời, có ba hướng đi khả thi hơn:
Thứ nhất: Tăng cường minh bạch
Hiện rất khó xác định chính xác lượng điện tiêu thụ của mỗi mô hình AI. Từ tháng 8/2026, Liên minh châu Âu sẽ yêu cầu một số nhà phát triển AI công bố chi tiết mức tiêu thụ năng lượng. Theo đó, cách làm nên được nhân rộng.
Thứ hai: Cải tổ mô hình vận hành trung tâm dữ liệu
IEA cho biết nếu có thể phân bổ linh hoạt tải công việc giữa các trung tâm dữ liệu theo thời gian và địa điểm, hệ thống điện sẽ được vận hành hiệu quả hơn. Điều này cũng giúp cân bằng tốt hơn với nguồn điện tái tạo có tính chất ngắt quãng như năng lượng mặt trời hay gió.
Thứ ba: Doanh nghiệp cần giữ đúng cam kết môi trường
Microsoft cam kết trở thành doanh nghiệp “âm carbon” vào năm 2030. Một số tập đoàn khác như Amazon sử dụng tín chỉ năng lượng tái tạo để bù đắp lượng điện tiêu thụ từ nguồn không sạch. Dù tín chỉ này có ích, nhưng vẫn còn nhiều tranh cãi về tính minh bạch và hiệu quả thật sự.
Cách tiếp cận bền vững hơn là các tập đoàn công nghệ nên tận dụng chính nhu cầu tiêu thụ điện lớn của mình để thúc đẩy quá trình phi carbon hóa lưới điện. Tại Mỹ, họ hiện là nhóm khách hàng lớn nhất mua điện sạch theo các hợp đồng dài hạn.
Các doanh nghiệp có thể tiến xa hơn nữa: đầu tư trực tiếp vào sản xuất điện sạch, hỗ trợ cải cách quy hoạch, và phát triển các nguồn năng lượng thay thế như địa nhiệt, hạt nhân.
Nếu tận dụng tối đa các chiến lược này, công nghệ AI không chỉ là nghi phạm trong cuộc chiến khí hậu mà có thể trở thành một người hùng thực sự.
URL: https://thitruongbiz.vn/cong-nghe-ai-co-the-giup-chong-bien-doi-khi-hau-nhu-the-nao-d28104.html
© thitruongbiz.vn