Ngày 13/5 cổ phiếu VPL của Vinpearl chính thức niêm yết trên sàn HoSE. Thị giá VPL đã tăng kịch biên độ 20% lên 85.500 đồng/cổ phiếu. Dù vậy, nhà đầu tư cũng không dễ để mua vào VPL khi giá trị giao dịch cả phiên chỉ đạt hơn 400 triệu đồng. Đồng thời, vẫn có tới hơn 2 triệu cổ phiếu được "chất lệnh" ở giá trần.
Hiệu ứng từ VPL vẫn có tác động tới các cổ phiếu Bất động sản như TDH (+5,3%), NLG (+5%), KDH (+3,6%), NTL (+2,7%), HDG (+1,7%).
Tuy nhiên, các cổ phiếu Vingroup như VIC (+0,3%), VHM (-0,5%), VRE (-0,4%) lại có sự chững lại trong đà tăng và không đóng góp nhiều vào vận động chỉ số.
Thay vào đó, các cổ phiếu VN30 như MWG (+4,4%), CTG (+4,1%), MBB (+2,9%), GVR (+2,5%), VPB (+2%), BID (+1,6%), HPG (+1,6%), HDB (+1,4%), FPT (+1%) mới có sự tích cực trong vận động giá.
Quay trở lại với cổ phiếu VPL của Công ty CP Vinpearl, đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên, VPL cháy hàng và chỉ xuất hiện 3 giao dịch. Trong cả phiên giao dịch với khối lượng 4.800 cổ phiếu, dư mua giá trần hơn 2 triệu cổ phiếu. Vốn hóa của VPL đạt gần 154.000 tỷ đồng hứa hẹn sẽ là cổ phiếu trụ mới cho VN-Index trong các phiên tới. Riêng phiên 13/5 này, mã này đã góp hơn 7 điểm vào chỉ số chung.
Với quy mô vốn hóa này, Vinpearl đã vượt qua nhiều cái tên lớn và lọt vào Top 10 công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất trên sàn HoSE.
Với gần 1,8 tỷ cổ phiếu lưu hành, Vinpearl có giá trị vốn hóa hơn 153.000 tỷ. Hiện Tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán: VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng là cổ đông lớn nhất tại Vinpearl và sở hữu 1,5 tỷ cổ phiếu VPL, tương ứng 85,5% vốn điều lệ.
Theo thống kê của Forbes, tính đến chiều ngày 13/5, tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã đạt 9,2 tỷ USD, xếp thứ 320 trong danh sách những người giàu nhất thế giới. Đà tăng này cũng giúp tỷ phú Phạm Nhật Vượng nằm trong nhóm những tỷ phú hàng đầu Đông Nam Á.
Về tình hình kinh doanh, Vinpearl ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất quý 1/2025 đạt 2.971 tỷ đồng, tăng 76,6% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp, gồm dịch vụ khách sạn, du lịch, vui chơi giải trí và các dịch vụ liên quan, đạt 2.438 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2024. Lợi nhuận sau thuế của công ty cũng đạt hơn 90 tỷ đồng.
Năm 2025, Vinpearl đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt khoảng 14.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 1.700 tỷ đồng. Với kết quả đạt được, trong quý đầu năm, Vipearl hoàn thành khoảng 21% kế hoạch doanh thu và 5% kế hoạch lợi nhuận năm.
Vinpearl đặt trụ sở tại đảo Hòn Tre, Nha Trang, Khánh Hòa. Năm 2024, Vinpearl được Brand Finance - tổ chức hàng đầu thế giới về định giá thương hiệu - vinh danh là thương hiệu mạnh nhất Việt Nam, đồng thời lọt vào top 3 thương hiệu mạnh nhất Đông Nam Á với giá trị thương hiệu tăng trưởng ấn tượng 34%. Vinpearl cũng là thương hiệu duy nhất trong lĩnh vực du lịch góp mặt trong top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam.
Khởi đầu từ tổ hợp Vinpearl Resort Nha Trang, sau hơn 21 năm phát triển, Vinpearl hiện sở hữu, quản lý, vận hành 48 cơ sở tại 18 tỉnh thành trên toàn quốc. Danh mục của Vinpearl bao gồm 31 khách sạn và khu nghỉ dưỡng với tổng công suất trên 16.100 phòng, 4 công viên chủ đề, 5 khu vui chơi giải trí, 1 công viên bảo tồn và chăm sóc động vật bán hoang dã, 1 công viên nước, 1 học viện cưỡi ngựa, 4 sân golf và 1 trung tâm hội nghị ẩm thực.
Từ năm 2022, Vinpearl hợp tác cùng Tập đoàn khách sạn Meliá Hotels International và Tập đoàn khách sạn Marriott International quản lý 23 khách sạn và khu nghỉ dưỡng, hứa hẹn mang lại trải nghiệm đa dạng cho du khách trong và ngoài nước.
© thitruongbiz.vn