Chuyển đổi số là một yêu cầu cấp thiết đối với ngành Du lịch. Tuy nhiên, đây vẫn là một bài toán đầy thách thức, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành. Đáng nói, năm 2025 được xem là cột mốc quan trọng để bứt phá.
Du lịch là một trong những ngành kinh tế tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu, đóng góp lớn vào GDP mà không cần đến xuất khẩu tài nguyên.
Dự báo đến năm 2029, lĩnh vực này sẽ chiếm trên 10% GDP toàn cầu, với giá trị khoảng 9 nghìn tỷ USD. Đến năm 2024, con số này có thể tăng gấp đôi, đạt gần 20 nghìn tỷ USD.
Tại Việt Nam, du lịch được nhiều địa phương xác định
là ngành kinh tế mũi nhọn. Vì thế, việc chuyển đổi số trong ngành này ngày càng
trở nên cấp bách, đặc biệt khi đóng góp của du lịch vào ngân sách các tỉnh,
thành phố không ngừng gia tăng.
Năm 2024 đánh dấu một giai đoạn phục hồi ấn tượng của ngành du lịch Việt Nam với những con số tăng trưởng đầy tích cực. Ước tính, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 17,5 triệu lượt, tăng 38,9% so với năm 2023.
Trong khi đó, khách du lịch nội địa đạt 110 triệu lượt, tăng 1,6% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 840 nghìn tỷ đồng, tăng 23,8% so với năm trước.
Sự khởi sắc của ngành không chỉ góp phần thúc đẩy nền kinh tế mà còn phản ánh nỗ lực không ngừng trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ cũng như chiến lược quảng bá, xúc tiến du lịch.
Năm 2024, ngành du lịch tiếp tục nhận được sự quan tâm lớn từ Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương và doanh nghiệp.
Các kế hoạch và chính sách phát triển du lịch bám sát Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, Luật Du lịch 2017, cùng các chỉ đạo của Chính phủ với phương châm: sản phẩm đặc sắc, dịch vụ chuyên nghiệp, thủ tục đơn giản, thuận tiện, giá cả cạnh tranh, môi trường sạch đẹp, điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện.
Nhờ vậy, ngành Du lịch Việt Nam không chỉ phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch mà còn khẳng định vị thế là một trong những ngành kinh tế quan trọng của đất nước.
Công tác xúc tiến du lịch trong năm 2024 tiếp tục ghi nhận nhiều dấu ấn đột phá. Các chiến dịch quảng bá ngày càng đổi mới, sáng tạo và hiệu quả hơn, giúp mở rộng thị trường, thu hút du khách quốc tế.
Một trong những sự kiện nổi bật là Chương trình xúc tiến Du lịch - Điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ, tổ chức ngay tại Hollywood, mang đến cơ hội quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam đến khán giả toàn cầu.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn đăng cai Hội nghị quốc tế về Du lịch Nông thôn lần thứ nhất do Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc (UN Tourism) tổ chức tại Quảng Nam. Sự kiện này không chỉ thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn mà còn thể hiện vai trò và uy tín của Việt Nam trên bản đồ du lịch quốc tế.
Ở cấp địa phương, các chương trình kích cầu du lịch nội địa cũng được triển khai sôi động với chiến dịch "Người Việt đi du lịch Việt – Việt Nam tôi yêu", thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp và tỉnh thành. Nhờ đó, các điểm đến trên cả nước đón nhận lượng khách ổn định ngay cả trong các mùa thấp điểm.
Năm 2024 là một năm rực rỡ của du lịch Việt Nam trên trường quốc tế với hàng loạt giải thưởng danh giá: "Điểm đến hàng đầu châu Á", "Điểm đến di sản hàng đầu châu Á", "Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á".
Tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch Thế giới (WTA) lần thứ 31, Việt Nam tiếp tục được vinh danh là "Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới". Đây là lần thứ 6 Việt Nam nhận danh hiệu "Điểm đến hàng đầu châu Á", khẳng định sức hút mạnh mẽ của du lịch Việt Nam đối với du khách quốc tế.
Không chỉ có các điểm đến nổi bật, các làng du lịch Việt Nam cũng nhận được sự công nhận từ cộng đồng quốc tế. Sau Làng du lịch Thái Hải (Thái Nguyên) năm 2022 và Làng Tân Hóa (Quảng Bình) năm 2023, đến năm 2024, Làng rau Trà Quế (Quảng Nam) đã tiếp tục được UN Tourism vinh danh.
Bước sang năm 2025, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu: đón từ 22 - 23 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ từ 120 - 130 triệu lượt khách nội địa, tổng doanh thu ước đạt từ 980 - 1.050 nghìn tỷ đồng.
Để hiện thực hóa những mục tiêu này, ngành du lịch sẽ tập trung vào các giải pháp chiến lược như: Tăng cường chiến dịch truyền thông và quảng bá quốc tế; Đẩy mạnh liên kết du lịch liên vùng, liên tỉnh; Cải thiện chất lượng dịch vụ và đa dạng hóa sản phẩm du lịch; Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số trong quản lý và vận hành; Hoàn thiện chính sách và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp du lịch phát triển.
Du lịch Việt Nam đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, chuyển đổi số trở thành yếu tố then chốt giúp ngành không chỉ phục hồi sau đại dịch mà còn hướng đến mục tiêu tăng trưởng bền vững.
Sự tăng trưởng của ngành Du lịch năm 2024 có sự đóng góp lớn từ chuyển đổi số, giúp thay đổi cách thức vận hành truyền thống, mở ra nhiều mô hình mới, tiếp cận khách hàng trực tiếp hơn thông qua nền tảng số.
Việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động du lịch không chỉ giúp nâng cao trải nghiệm của du khách mà còn giảm bớt sự phụ thuộc vào lữ hành trung gian, tối ưu hóa quản lý và khai thác tài nguyên du lịch hiệu quả hơn.
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong, chuyển đổi số đã giúp ngành du lịch dịch chuyển từ mô hình B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp) sang B2C (doanh nghiệp với khách hàng). Nhờ đó, khách du lịch có thể tự do tìm kiếm, đặt vé, đặt tour và thanh toán trực tuyến mà không cần thông qua các đại lý truyền thống.
Bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, các địa phương cũng đang chủ động triển khai nhiều sáng kiến du lịch số.
TP. Hồ Chí Minh đã phát triển ứng dụng du lịch thông minh trên iOS và Android, tái hiện thành phố dưới dạng không gian 3D giúp du khách khám phá từ xa.
Thủ đô Hà Nội tích hợp các công nghệ thực tế ảo, thuyết minh tự động, giúp khách du lịch trải nghiệm đa phương tiện khi tham quan các điểm đến.
Trong khi đó, Đà Nẵng cũng đẩy mạnh ứng dụng VR360 và hệ thống hướng dẫn du lịch thông minh bằng hai ngôn ngữ, tạo ra những trải nghiệm chân thực và tiện lợi hơn.
Với ngành du lịch, chuyển đổi số không chỉ là một xu hướng mà còn là yêu cầu tất yếu. Khi công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và nền tảng thông minh được áp dụng đúng cách, du lịch Việt Nam sẽ có cơ hội phát triển nhanh và bền vững.
Trong năm 2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tập trung xây dựng hệ
sinh thái du lịch thông minh, đồng bộ và liên kết trên phạm vi cả nước. Bộ cũng
ban hành bộ tiêu chí đánh giá "Nền tảng số quốc gia về Quản trị và Kinh
doanh du lịch", đồng thời xây dựng bộ chỉ số đánh giá hiệu quả điểm đến du
lịch thông minh.
Bên cạnh đó, ba dự án trọng điểm về số hóa di sản, du lịch thông minh và trung tâm điều hành du lịch quốc gia đang được triển khai mạnh mẽ. Bộ cũng đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế, tận dụng nền tảng mạng xã hội và ký kết các thỏa thuận hợp tác để thúc đẩy kết nối du lịch số toàn cầu.
Dù có nhiều kết quả tích cực, quá trình chuyển đổi số trong ngành Du lịch vẫn đối mặt không ít thách thức. Một trong số đó là việc xây dựng cơ sở dữ liệu du lịch thống nhất.
Hiện nay, nhiều địa phương và doanh nghiệp vẫn triển khai công nghệ số theo hướng riêng lẻ, thiếu sự kết nối đồng bộ, gây lãng phí nguồn lực.
Ngoài ra, việc đầu tư vào hạ tầng công nghệ và đào tạo nhân lực cũng là một bài toán lớn.
Ngành Du lịch cần đội ngũ chuyên gia có khả năng vận hành hệ thống công nghệ cao, đồng thời phải đảm bảo nguồn vốn đầu tư đủ mạnh để duy trì các nền tảng số hiện đại.
Hướng tới mục tiêu tăng trưởng hai con số
Với tài nguyên thiên nhiên đa dạng, con người thân thiện, văn hóa đặc sắc, kết hợp với nền tảng du lịch số phát triển, Việt Nam hoàn toàn có thể bắt kịp xu hướng du lịch thế giới trong vòng 7 đến 10 năm. Chuyển đổi số đang mở ra cơ hội lớn giúp du lịch Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong những năm tới.
Tương lai của du lịch Việt Nam sẽ phụ thuộc vào việc áp dụng công nghệ một cách đồng bộ, hiệu quả để nâng cao trải nghiệm du khách, tối ưu hóa quản lý và tăng cường năng lực cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực.
Nếu tận dụng tốt tiềm năng này, ngành du lịch sẽ không chỉ phục hồi mà còn bứt phá mạnh mẽ, đưa Việt Nam trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất toàn cầu.
Dù đã có nhiều nỗ lực, chuyển đổi số trong du lịch vẫn gặp không ít thách thức. Tính đến tháng 11/2024, hơn 40 tỉnh, thành đã triển khai ứng dụng công nghệ số để nâng cao trải nghiệm du khách. Không chỉ dừng lại ở vé điện tử hay QR-code, nhiều địa phương đã áp dụng AI, VR, AR vào dịch vụ du lịch.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã chủ động ứng dụng công nghệ để phát triển các sản phẩm du lịch số. Tỉnh Thừa Thiên - Huế đang triển khai loạt sản phẩm du lịch thông minh như VR, AR, 3D mapping, hộ chiếu du lịch điện tử, cùng nhiều tiện ích hỗ trợ du khách tìm kiếm thông tin và đặt dịch vụ.
Tại TP.HCM, công nghệ 3D được ứng dụng rộng rãi tại các điểm tham quan, kết hợp với công nghệ quét 3D, bản đồ du lịch tương tác thông minh 3D/360, và hướng dẫn viên ảo.
Nhiều tỉnh, thành khác như Hà Nam, Ninh Bình, Quảng Ninh, Hà Giang, Kiên Giang, Khánh Hòa, Hải Phòng cũng đang tích cực triển khai công nghệ số vào các điểm du lịch, mang lại trải nghiệm hấp dẫn cho du khách.
Không chỉ dừng lại ở các ứng dụng công nghệ trực tiếp vào dịch vụ, nhiều địa phương còn đẩy mạnh quảng bá du lịch trên các nền tảng số.
Việc sử dụng KOLs làm đại sứ du lịch, kết hợp cùng các chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội, đang giúp hình ảnh du lịch Việt Nam lan tỏa mạnh mẽ hơn.
Hơn nữa, quá trình số hóa không chỉ tập trung vào trải nghiệm của du khách mà còn mở rộng đến hệ thống cơ sở lưu trú, nhà hàng, sân bay, nhà ga… để đảm bảo một hệ sinh thái du lịch hiện đại và đồng bộ.
Dù có nhiều tín hiệu tích cực, chuyển đổi số trong ngành du lịch vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, có bốn thách thức lớn mà các địa phương cần giải quyết.
Thứ nhất, sự khác biệt trong chiến lược phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành khiến việc triển khai chuyển đổi số thiếu đồng bộ. Một số địa phương đã đầu tư mạnh mẽ và đạt kết quả tốt, trong khi những nơi khác vẫn còn lúng túng. Điều này đặt ra nhu cầu liên kết vùng để tạo ra các mô hình hợp tác số hóa hiệu quả, tương tự như mô hình "Liên kết di sản" hay "Miền Trung 3 tỉnh, 4 điểm đến" trước đây.
Thứ hai, việc đầu tư vào hạ tầng công nghệ số vẫn còn là bài toán khó đối với các tỉnh mới bắt đầu phát triển du lịch. Nếu không có sự hợp tác của doanh nghiệp và các nguồn vốn ngoài ngân sách, nhiều địa phương sẽ khó có thể theo kịp xu hướng chuyển đổi số.
Thứ ba, hệ thống chính sách, cơ chế quản lý và hướng dẫn thực hiện chuyển đổi số trong ngành du lịch vẫn chưa thực sự rõ ràng, dẫn đến tình trạng lúng túng trong quá trình triển khai.
Cuối cùng, vấn đề nhân lực vẫn là rào cản lớn khi chuyển đổi số đòi hỏi đội ngũ có kiến thức chuyên sâu về công nghệ và du lịch. Việc đào tạo nguồn nhân lực có năng lực số hóa là yếu tố quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành.
© thitruongbiz.vn