Trong môi trường lạm phát vừa phải, chứng khoán được nhận định vẫn là kênh hỗ trợ đầu tư trong khi GDP dự báo tiếp tục tăng trưởng. Nhà đầu tư có thể quan tâm trong thời điểm này dựa trên kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt trong năm nay và các năm tới cũng như hưởng lợi khi lạm phát xảy ra.
Nhóm cổ phiếu hưởng lợi
Nhóm hưởng lợi từ đà tăng giá hàng hóa
Khi lạm phát leo thang, giá hàng hóa thường tăng mạnh, đặc biệt là nhóm năng lượng.
Theo nhiều nghiên cứu của các tổ chức kinh tế lớn, giá cả hàng hóa và lạm phát có mối quan hệ tương quan thuận chiều với nhau. Việc đầu tư vào nhóm doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh các mặt hàng kỳ vọng tăng giá trong môi trường lạm phát nên được cân nhắc khi việc đầu tư vào chỉ số giá hàng hóa chưa phù hợp.
Bên cạnh đó, khi giá nguyên vật liệu tăng cao, các doanh nghiệp có chuỗi sản xuất, kinh doanh khép kín sẽ được hưởng lợi từ việc tăng giá bán đầu ra.
Nhóm tự chủ được đầu vào, hưởng lợi từ giá bán đầu ra
Trong thời kỳ lạm phát, khi giá cả nguyên vật liệu tăng cao, các doanh nghiệp tự chủ được đầu vào sẽ giúp biên lợi nhuận được cải thiện.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể kiểm soát giá bán đầu ra sẽ càng được hưởng lợi khi công suất vẫn không thay đổi nhưng giá tăng sẽ có thể tác động khiến kết quả kinh doanh khả quan hơn.
Các nhóm doanh nghiệp tự sản xuất và cung ứng các mặt hàng được hưởng lợi từ các sự kiện địa chính trị sẽ là các nhóm đáng lưu ý. Các nhóm doanh nghiệp này khi đã hoàn thiện được chuỗi giá trị sẽ ít chịu tác động bởi lạm phát.
Nhóm dầu khí
Giá dầu Brent đã liên tục tăng mạnh hơn 50%. Giá khí tại khu vực Châu Âu cũng đã tăng hơn 90% từ đầu năm đến nay. Nguyên nhân xuất phát chủ yếu từ lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung năng lượng tại Châu Âu và thế giới khi Nga là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ 2 toàn cầu và cung cấp tới 40% lượng khí đốt cho Châu Âu.
Nhóm nhu yếu phẩm
Ngành nông nghiệp, thực phẩm với đặc thù là ngành nhu yếu phẩm, an toàn và thường có thêm lợi nhuận từ cổ tức cao. Chi phí đầu vào của doanh nghiệp các ngành này (chủ yếu là nhân công) thường tăng chậm hơn giá đầu ra, vì thế biên lợi nhuận sẽ được cải thiện.
Bên cạnh đó, xung đột Nga - Ukraina sẽ làm ảnh hưởng đến nguồn cung và đẩy giá lương thực toàn cầu tăng cao khi đây lần lượt là 2 quốc gia chiếm tỉ trọng lớn khoảng 29% sản lượng xuất khẩu lúa mỳ và 19% sản lượng ngô. Do lo ngại xung đột tiếp tục và giá cả ngày càng leo thang, 30 nước đã hạn chế xuất khẩu các mặt hàng lương thực để đảm bảo an ninh lương thực.
Ở thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo có thể hưởng lợi khi giá gạo cũng sẽ tăng theo giá lương thực thế giới, cùng với đó nhu cầu xuất khẩu sẽ tăng lên để trở thành 1 sản phẩm thay thế cho lúa mỳ hay ngô. Nhà đầu tư nên lựa chọn các doanh nghiệp sở hữu chuỗi chu trình sản xuất khép kín, giúp kiểm soát tốt hơn nữa về mặt chi phí.
Nhóm ngành bảo hiểm
Theo thống kê của Agriseco Research, trong môi trường lạm phát tăng cao, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm thường khởi sắc hơn. Nguyên nhân là do lạm phát làm tăng rủi ro cho các hoạt động kinh tế khiến nhu cầu về bảo hiểm tăng lên. Đồng thời, tỉ trọng tiền mặt và tiền gửi cao của các doanh nghiệp bảo hiểm giúp các doanh nghiệp này được hưởng lợi trong môi trường lạm phát.
Nhóm ngành phòng thủ
Trong giai đoạn lạm phát cùng với những bất ổn địa chính trị như hiện nay, các ngành thiết yếu như điện, nước, dược phẩm, công nghệ có nhu cầu ổn định, không bị suy giảm bởi sức mua do lạm phát tăng cao sẽ là điểm đến an toàn.
Nhóm cổ phiếu có hệ số nợ cao
Khi lạm phát và lãi suất leo thang thì áp lực tài chính sẽ tăng, kéo theo biên lợi nhuận thay đổi. Đặc biệt đối với những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính thấp, không có quỹ đất tiềm năng, sẽ là các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất.
Trong đó, một số nhóm ngành có hệ số vay nợ khá cao có thể kể đến nhóm bất động sản, xây dựng. Theo dữ liệu của Fiinpro, hệ số trung bình vay nợ của các nhóm này là trên 1. Mặc dù vậy, trong các nhóm này, cổ phiếu của các doanh nghiệp đầu ngành có sức chịu đựng tốt hơn khả năng sẽ tận dụng được cơ hội để thâu tóm lại các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng.
Nhóm cổ phiếu đầu cơ
Khi lạm phát và lãi suất tăng, dòng tiền có thể bị rút ra khỏi thị trường chứng khoán và quay trở lại các tài sản rủi ro thấp như tiền gửi ngân hàng. Đây là nhóm cổ phiếu có thể bị ảnh hưởng lớn trong bối cảnh thị trường chuyển biến xấu hoặc khi có các thông tin vĩ mô, địa chính trị không thuận lợi.
Trong đó, nhóm cổ phiếu đầu cơ hiện có mặt bằng giá cao so với cùng kỳ năm 2021 trong khi các hoạt động kinh doanh không cải thiện.
Các doanh nghiệp không hoàn thiện chuỗi giá trị
Đây là các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ việc thay đổi giá cả đầu vào và không có khả năng chuyển giá sang cho người tiêu dùng cuối cùng. Trong chu kỳ lạm phát, các doanh nghiệp này sẽ dễ bị tổn thương dẫn đến doanh thu và lợi nhuận sẽ thu hẹp dần khi các chi phí đầu vào tăng cao, đặc biệt là các doanh nghiệp không chuyển đổi giá tăng sang người tiêu dùng. Do đó, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ kém khả quan khi chịu biên lợi nhuận mỏng.
Một số nhóm ngành mà Agriseco Research đánh giá sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề khi lạm phát tăng lên bao gồm: Nhóm xây dựng và vật liệu xây dựng như nhựa; nhóm chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi; nhóm vận tải logistics; nhóm cung cấp các dịch vụ sản phẩm không thiết yếu.
URL: https://thitruongbiz.vn/chung-khoan-dai-cat-tim-vang-trong-boi-canh-lam-phat-nong-ham-hap-d6645.html
© thitruongbiz.vn