Thị trường chứng khoán châu Á giảm nhẹ vào thứ Tư (2/7), trong khi đồng USD tiếp tục yếu gần mức thấp nhất trong 3 năm rưỡi, khi nhà đầu tư cân nhắc khả năng Mỹ cắt giảm lãi suất và cuộc đua đạt các thỏa thuận thương mại trước hạn chót ngày 9/7 mà Tổng thống Donald Trump đưa ra.
Thị trường chứng khoán chứng khoán đang ở thời điểm "bấp bênh" khi lần lượt quốc gia châu Á đang cố gắng đàm phán thuế quan với Mỹ. Nhà đầu tư ngày càng hoang mang, lo ngại trước tương lai bất định.
Trump tuyên bố ông không tính gia hạn thời hạn đàm phán thương mại này và bày tỏ nghi ngờ về khả năng đạt được thỏa thuận với Nhật, mặc dù ông lạc quan hơn về thỏa thuận với Ấn Độ.
Chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoài Nhật Bản) giảm 0,23% trong phiên giao dịch sáng, rời khỏi mức đỉnh từ tháng 11/2021 đạt được tuần trước. Chỉ số Nikkei của Nhật giảm 0,78%, chịu áp lực từ cổ phiếu công nghệ.
Cổ phiếu công nghệ tại Đài Loan và chỉ số Kospi của Hàn Quốc cũng giảm, sau khi các công ty công nghệ Mỹ sụt giá mạnh do chốt lời sau đợt tăng mạnh trong tháng 6.
Dữ liệu công bố hôm thứ Ba cho thấy thị trường lao động Mỹ vẫn vững khi số lượng việc làm trống trong tháng 5 tăng, làm giới đầu tư tập trung chờ báo cáo việc làm công bố vào thứ Năm để đoán định thời điểm Fed có thể cắt giảm lãi suất.
Chủ tịch Fed Jerome Powell, hiện đang chịu áp lực từ Trump yêu cầu cắt giảm lãi suất ngay lập tức, tái khẳng định Fed sẽ “kiên nhẫn chờ đợi thêm thông tin” về tác động của thuế quan lên lạm phát trước khi quyết định giảm lãi suất.
Hiện giới giao dịch đang dự báo Fed sẽ cắt giảm tổng cộng 64 điểm cơ bản lãi suất trong năm nay, với khả năng cắt giảm ngay trong tháng 7 ở mức 21%.
Điều đó tiếp tục tạo áp lực giảm cho đồng USD. Đồng euro đứng ở mức 1,1793 USD, sát mức đỉnh 3 năm rưỡi đạt được hôm thứ Ba. Đồng yen ổn định quanh mức 143,52 yen đổi 1 USD.
Bất kỳ số liệu kinh tế nào gây thất vọng đều có thể khiến thị trường đặt cược Fed sẽ nới lỏng mạnh tay hơn, dẫn tới một đợt bán tháo USD tiếp theo.
Luật “One Big Beautiful Bill” (OBBBA) của Trump và các diễn biến thương mại cũng có thể tiếp tục làm suy yếu USD nếu chúng khiến nhà đầu tư mất niềm tin vào kinh tế Mỹ.
Trong vài ngày qua, sự chú ý của thị trường chuyển sang tiến độ của dự luật cắt giảm thuế và chi tiêu khổng lồ của Trump, dự kiến sẽ làm tăng thêm 3.300 tỷ USD vào nợ công Mỹ. Dự luật này sẽ được chuyển tới Hạ viện để chờ phê duyệt cuối cùng sau khi Thượng viện Mỹ thông qua với tỷ lệ sít sao.
Mặc dù dự luật làm dấy lên lo ngại tài khóa, phản ứng trên thị trường nhìn chung vẫn khá dè dặt. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm duy trì ở mức 4,245%, sau khi chạm đáy hai tháng trong phiên trước đó.
Aninda Mitra, trưởng bộ phận chiến lược vĩ mô châu Á tại BNY Investment Institute, nhận xét dự luật này “ghi dấu sự xấu đi liên tục của tình hình tài khóa cũng như quỹ đạo nợ công của Mỹ.”
Tác động trong ngắn hạn phần lớn đã được phản ánh vào giá, nhưng yếu tố bất định có thể khiến phần bù rủi ro duy trì ở mức cao. Chúng tôi không cho rằng lợi suất dài hạn sẽ giảm mạnh trong 6-12 tháng tới.
Những lo ngại về tài khóa, bất ổn thương mại và triển vọng lãi suất Mỹ đang khiến nhà đầu tư rút khỏi tài sản Mỹ để tìm kiếm lựa chọn thay thế. Họ lo rằng các chính sách thương mại hỗn loạn của Trump có thể tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế Mỹ.
Điều này khiến đồng USD bị “thất sủng,” mất hơn 10% giá trị từ đầu năm, ghi nhận nửa đầu năm tệ nhất kể từ thập niên 1970. Chỉ số Dollar Index, đo sức mạnh USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt, ở mức 96,649 – gần thấp nhất kể từ tháng 3/2022.
Trên thị trường hàng hóa, giá vàng giao ngay giảm nhẹ về 3.332,19 USD/ounce, sau khi tăng 1% trong phiên trước. Tính từ đầu năm, kim loại quý này đã tăng 27% nhờ dòng tiền trú ẩn an toàn.
© thitruongbiz.vn