Bóng cười là dạng bóng bay chứa khí Dinitơ Oxit - N2O (khí gây cười) được bán tại nhiều bar, pub. Nếu lạm dụng bóng cười sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Dù vậy, Việt Nam vẫn chưa có những quy định chi tiết về việc cấm sản xuất, mua bán hay sử dụng bóng cười.
Bóng cười là dạng bóng bay chứa khí Dinitơ Oxit - N2O (khí gây cười), là hợp chất hóa học với công thức hóa học là N2O, có vị ngọt, không màu. Khi bơm vào bóng bay, gọi là bóng cười. Đinitơ monoxit được sử dụng để giải trí từ thế kỷ 18. Nó được dùng cho y tế vào đầu thế kỷ 20 với tác dụng gây mê, an thần, giảm đau và được các nha sĩ, bác sĩ sản khoa, bác sĩ thể thao sử dụng thường xuyên.
Nhiều quán bar, pub, karaoke dùng bình chứa khí N2O để bơm vào bóng bay bán cho người dùng. |
Tuy nhiên, nếu sử dụng quá nhiều, liên tục trong một thời gian dài hoặc sử dụng trong tình trạng cơ thể bị suy nhược thì có thể gây ra nhiều tác hại tiêu cực cho người sử dụng như gây ảo giác, rối loạn hành vi hoặc tử vong.
Ngay sau khi sử dụng, bóng cười có thể đem lại cảm giác sảng khoái vui vẻ cho người dùng nhưng sau đó người sử dụng có thể thấy chóng mặt, vả mồ hôi, buồn nôn. Một số trường hợp có thể đột tử do cung cấp không đủ khí oxy trong quá trình hô hấp.
Sử dụng bóng cười lâu dài có thể gây ra mất trí nhớ, rối loạn tâm thần,tê tay chân và cảm giác buồn gây lệ thuộc tâm lý (nghiện). Khi hít bóng cười người sử dụng thấy sảng khoái nên cười không kiểm soát, chìm đắm trong ảo giác đê mê nên có thể gây ra tai nạn lúc nào không biết.
Việc sử dụng chất gây ảo giác từ bóng cười sẽ gây hậu quả trên hệ thần kinh, hệ tim mạch lâu ngày sẽ gây trầm cảm. Điều nguy hại là khi sử dụng lâu dài sẽ gây nghiện và người sử dụng sẽ tìm đến những thứ ảo giác mạnh hơn như hàng cỏ, thuốc lắc, hàng đá, heroin...
Hiện nay, việc nhập khẩu, mua bán chất N2O để sử dụng trong công nghiệp, phát triển kinh tế, xã hội… vẫn được thực hiện nhưng phải đảm bảo đúng những quy định chặt chẽ của pháp luật.
Hiện nay, tại Việt Nam chưa có quy định cụ thể về việc cấm sản xuất, mua bán và sử dụng bóng cười. Theo Hiến pháp 2013, quyền tự do kinh doanh là một trong những quyền cơ bản của công dân. Theo đó, mọi người có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Do đó, mọi người có quyền được sản xuất, mua bán bóng cười trên cơ sở tôn trọng các quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, tại phụ lục II danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp ban hành kèm theo nghị định 113/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất, N2O thuộc danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp. Do đó, khi sản xuất, kinh doanh bóng cười các cá nhân, tổ chức cần được cấp giấy phép theo quy định của pháp luật. Trường hợp sản xuất, kinh doanh bóng cười khi chưa được cấp phép sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định hiện hành.
Nhận thức rõ mức độ nguy hiểm của các trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hóa chất Nhà nước ta đã ban hành hệ thống các văn bản pháp luật điều chỉnh trong lĩnh vực này. Trong đó, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất được quy định tại nghị định số 71/2019/NĐ-CP ngày 30/8/2019 của Chính phủ (được sửa đổi tại khoản 8 Điều 1 Nghị định 17/2022/NĐ-CP).
Cụ thể:
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi viết thêm, tẩy xóa, sửa chữa làm thay đổi nội dung ghi trong Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp.
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
+ Cho thuê, cho mượn, cầm cố, thế chấp, bán, chuyển nhượng Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp;
+ Thuê, mượn, nhận cầm cố, nhận thế chấp, mua, nhận chuyển nhượng Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện quy định về cấp lại Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp khi có thay đổi về thông tin của cá nhân, tổ chức.
- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, kinh doanh không đúng địa điểm, quy mô, chủng loại hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp ghi trong Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp.
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp mà không có Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp hoặc tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất trong thời gian bị cơ quan có thẩm quyền đình chỉ hoạt động, tước quyền sử dụng Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp.
Việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng bóng cười hiện chưa bị cấm tại Việt Nam nhưng nếu lạm dụng bóng cười sẽ gây tác hại khôn lường tới sức khỏe người sử dụng. Ảnh minh họa |
Ngoài ra, người thực hiện hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả, như sau:
- Hình thức xử phạt bổ sung:
Tước quyền sử dụng Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều 17 Nghị định 17/2022/NĐ-CP và từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 17 Nghị định 17/2022/NĐ-CP.
- Biện pháp khắc phục hậu quả:
+ Buộc nộp lại Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp bị viết thêm, tẩy xóa, sửa chữa làm thay đổi nội dung cho cơ quan cấp Giấy phép đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định 17/2022/NĐ-CP;
+ Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, khoản 5 và khoản 6 Điều 17 Nghị định 17/2022/NĐ-CP.
Hiện nay, những vi phạm quy định về hoạt động sản xuất, kinh doanh theo Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp chỉ bị xử lý vi phạm hành chính chứ chưa có quy định xử lý hình sự.
Cùng với đó, hiện khí N2O vẫn chưa được xếp vào Danh mục hóa chất cấm sử dụng và hạn chế phạm vi sử dụng ban hành trong Thông tư 47/2017/TT-BYT của Bộ Y tế. Khí N2O cũng không được xếp vào danh mục các chất ma túy và tiền chất ban hành kèm theo Nghị định số 73/2018/NĐ-CP và Nghị định số 60/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Do đó, người sử dụng khí N2O không bị coi là vi phạm pháp luật do không có quy định cấm.
Trước tình hình nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc nhập khẩu khí N2O về Việt Nam nhằm mục đích sử dụng cho công nghiệp nhưng sau đó lại đem bán sử dụng cho con người, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người nên ngày 29/5/2019, Bộ Y tế có công văn số 2954/BYT-KCB có nội dung: không sử dụng khí N2O vào mục đích vui chơi giải trí. Tuy nhiên, đây mới chỉ là văn bản dưới luật mang tính chất tham khảo, không phải văn bản quy phạm pháp luật, bắt buộc người dân phải tuân theo.
Khí N2O nếu được sử dụng đúng cách, theo chỉ dẫn của Bác sỹ thì không gây hại cho cơ thể con người, nhưng nếu không được sử dụng đúng mục đích, đúng quy định thì có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe của người sử dụng. Do đó, mọi người cần có những hiểu biết đầy đủ để bảo vệ sức khỏe của chính mình.
Tháng 5/2019, Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội đồng ý với việc ngừng cho phép sử dụng khí N2O cho mục đích giải trí như dùng để bơm vào bóng cười, chỉ được sử dụng trong công nghiệp.
Cụ thể, Bộ Y tế cho biết trước tác hại của việc sử dụng khí N2O để kích thích, giải trí, Bộ Y tế đồng ý với đề nghị của UBND TP Hà Nội về yêu cầu ngừng sử dụng N2O cho mục đích giải trí.
Như vậy, kể từ nay, việc sử dụng bóng cười (bơm bằng khí N2O) sẽ được xếp vào danh mục không được phép tại Hà Nội.
Theo Bộ Y tế, khí N2O thuộc danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, chỉ được mua bán, sản xuất cho công nghiệp, không được sử dụng cho người. Tuy nhiên, gần đây liên tiếp xảy ra các trường hợp yếu chi, liệt do tổn thương tủy sống không phục hồi hoặc phục hồi không hoàn toàn sau sử dụng bóng cười.
N20 là loại khí thuộc danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, do Bộ Công thương cấp phép sản xuất, kinh doanh. Khí N20 là nguyên liệu không thể thiếu cho ngành sản xuất công nghiệp như sản xuất pin mặt trời, ngành điện tử, sản xuất thực phẩm, sử dụng trong y tế...
Vì đặc tính nguy hiểm và dễ bị lạm dụng cho các mục đích vui chơi giải trí bất hợp pháp, Bộ Công thương đã đề xuất Chính phủ đưa N2O vào Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp tại Nghị định 113/2017.
Do đó, Bộ Công thương cho rằng, vấn đề cần phải quản lý hiện nay là hiện tượng sử dụng khí N2O sai mục đích tại các tụ điểm vui chơi giải trí, gây ảnh hưởng sức khỏe người dùng, an ninh trật tự xã hội. Một số doanh nghiệp vì lợi nhuận đã có các hành vi vi phạm như kinh doanh không có giấy phép, khai báo không đúng mặt hàng nhập khẩu, trà trộn khí N2O lẫn với các mặt hàng khác.
Tổng cục Hải quan đã kiến nghị nghiên cứu, bổ sung cơ sở pháp lý để hải quan yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu xuất trình Giấy phép kinh doanh hóa chất hạn chế trước khi thông quan.Bộ Công thương cho rằng cần thiết phải có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn đối với việc nhập khẩu khí N2O và ngăn ngừa hành vi sử dụng N2O cho mục đích vui chơi, giải trí.
Bộ Công thương đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, bộ ngành, địa phương tăng cường thanh kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng khí N2O trong mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội; xử phạt nghiêm, đủ sức răn đe đối với tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật.
Bộ Công thương cũng đề nghị tham khảo quy định pháp luật của một số quốc gia để nghiên cứu đưa N2O vào danh mục các chất hướng thần; đề nghị Thủ tướng giao Bộ Công an nghiên cứu, sửa đổi quy định pháp luật có liên quan để cấm sử dụng N2O cho các mục đích vui chơi, giải trí bất hợp pháp.
Đồng thời, Tổng cục Hải quan nâng cấp hệ thống một cửa quốc gia để kịp thời phản hồi thông tin thực nhập trước mắt là N2O, sau đó là các hóa chất khác đến Bộ Công thương để thực hiện rà soát các doanh nghiệp nhập khẩu N2O không có giấy phép hoặc quá khối lượng cho phép.
Theo các chuyên gia Y tế, bóng cười có ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe nếu không sử dụng đúng cách theo chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh việc mang lại cho người sử dụng cảm giác hưng phấn, vui vẻ bóng cười cong mang lại những tác dụng phụ chẳng hạn như cảm giác châm chích ở đầu các chi và làm người chơi đi lại loạng choạng, không vững vàng, trí nhớ và giấc ngủ bị rối loạn, nhịp tim không ổn định, huyết áp giảm và xuất hiện tình trạng thiếu máu não. Nếu sử dụng bóng cười thường xuyên trong thời gian dài sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường, bao gồm: – Gây kích ứng mắt, mũi, họng. – Gây khó thở hoặc thở khò khè. – Gây tức ngực và nghẹt thở. – Gây ra cơn co giật. – Tay, chân, môi tái xanh. – Nhịp tim tăng nhanh. – Gây ảo giác, rối loạn tâm thần. – Có thể gây ra tăng huyết áp gây đột quỵ. – Gây tổn thương não nếu hít phải một lượng quá lớn. Lúc này, nếu không được điều trị có thể gây hôn mê sâu hoặc tử vong. Như vậy, việc sử dụng bóng cười luôn tồn tại hai mặt, nếu sử dụng không đúng cách sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người sử dụng, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. |
© thitruongbiz.vn