Theo Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia, trong 3 giờ qua bão số 3 ít di chuyển, vị trí tâm bão vẫn ở trên đất liền các tỉnh Ninh Bình - Thanh Hóa. Dự báo 16 giờ chiều mai (23-7), bão số 3 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau tiếp tục suy yếu thành vùng áp thấp, trên khu vực Thượng Lào.
Trong 3 giờ qua bão số 3 (Wipha) ít di chuyển, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 tại Hòn Dấu (Hải Phòng) lúc 16h có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10; Uông Bí (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 7, giật cấp 8; Văn Lý (Ninh Bình) gió mạnh cấp 8, giật cấp 10; Ba Lạt (Hưng Yên) gió mạnh cấp 7, giật cấp 9…
Hồi 16h ngày 22/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,1 độ vĩ Bắc; 105,9 độ kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Ninh Bình-Thanh Hóa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 10; di chuyển theo hướng Tây với tốc độ 10-15km/h.
Dự báo 16 giờ chiều mai (23/7), bão số 3 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau tiếp tục suy yếu thành vùng áp thấp, trên khu vực Thượng Lào.
Dự báo tác động của bão
Gió mạnh, sóng lớn, nước dâng
Trên biển:
Trong chiều tối và đêm nay (22/7), khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm các đặc khu Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải, đảo Hòn Dấu và Hòn Ngư) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 10; sóng biển cao 2-4m; biển động mạnh.
Cảnh báo:
Thời tiết trên biển, vùng đất liền ven biển trong bão cực kỳ nguy hiểm, không an toàn cho bất kỳ phương tiện, công trình nào hoạt động trong vùng nguy hiểm như: Tàu du lịch, tàu chở khách, tàu vận tải, lồng, bè, khu nuôi trồng thủy sản, đê, kè, tuyến đường ven biển.
Các phương tiện có khả năng cao bị lật úp, phá hủy, ngập úng do gió mạnh, dông, lốc, sóng lớn.
Trên đất liền:
Vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 10; khu vực sâu trong đất liền các tỉnh/thành Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nội, Ninh Bình và Thanh Hóa gió giật cấp 6-8. Gió cấp 8 có thể làm gãy cành cây, tốc mái nhà gây thiệt hại về nhà cửa.
Mưa lớn
Từ chiều tối 22/7 đến sáng ngày 23/7, Thanh Hóa, Nghệ An, phía Nam Phú Thọ và Sơn La có mưa to đến rất to và dông với lượng mưa phổ biến 50-100mm, cục bộ có nơi trên 200mm.
Các nơi khác ở khu vực Bắc Bộ và Hà Tĩnh có mưa, mưa vừa, cục bộ có nơi mưa to và dông với lượng mưa 20-40mm, cục bộ có nơi trên 100mm.
Cảnh báo nguy cơ mưa có cường suất lớn (>150mm/3h). Lượng mưa lớn trong thời gian ngắn có thể gây lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng thấp.
Bão Wipha được nhận xét là không lớn bằng Yagi, cơn bão lớn nhất đổ bộ vào đất liền Việt Nam trong vòng 70 năm qua. Tuy nhiên, cơn bão này vẫn có nhiều điểm khác biệt đáng chú ý, như hoàn lưu rộng, lượng mưa lớn và tồn tại lâu hơn.
Mặc dù đã đổ bộ vào đất liền, một số địa phương như Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên (cũ), Hà Nội ghi nhận lượng mưa gián đoạn, có thể thấy trời hửng nắng. Theo các chuyên gia khí tượng, do bão vẫn tiếp tục duy trì mất đối xứng tâm và lệch Nam nên đĩa mây phía Tây Bắc mỏng. Ngược lại với các khu vực trên, hoàn lưu mây bão đang bao trùm và sẽ gây mưa nhiều hơn ở Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và một phần Hà Tĩnh. Riêng khu vực ven biển các tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa có mưa rất to.
Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, đặc điểm nổi bật của bão số 3 là vùng mây hoàn lưu nằm tập trung chính ở phía Nam tâm bão. Khi bão số 3 di chuyển theo hướng Tây Tây Nam từ vùng biển Quảng Ninh về phía Hưng Yên - Ninh Bình, đã kéo theo vùng mây mưa dày đặc ở phía Nam.
Trong quá trình bão số 3 đi vào đất liền, vùng mây hoàn lưu của bão cũng dịch chuyển xuống phía Nam và gây mưa ở Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An. Chính vì vậy, các tỉnh, thành ở phía Bắc hoàn lưu bão như Hà Nội vẫn có mưa nhưng chỉ mang tính gián đoạn và không lớn như ở phía Nam.
Ông Khiêm dẫn chứng, từ đêm 21 - 22/7, những nơi ghi nhận mưa to đến rất to đều nằm ở phía Nam của tâm bão như Đồng Giao (Ninh Bình) 214 mm, Hải Đường (Ninh Bình) 213 mm, và Nga Thiện (Thanh Hóa) 234 mm. Trưa 22/7, ngay sau khi bão số 3 đổ bộ vào đất liền, khu vực các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An ở phía Nam đường đi của bão đã có mưa lớn.
Ngoài ra, ông Khiêm cho biết, không phải tất cả vùng mây trong một cơn bão đều có khả năng gây mưa. Dẫn chứng lúc 10 giờ sáng 22/7, tại khu vực sân bay Nội Bài ở phía Bắc Hà Nội, trời hửng nắng, trong khi đó, khu vực phía Nam của Hà Nội như ở Mỹ Đức lại có mưa. Tương tự, một số xã phía sâu trong đất liền của Hưng Yên có thời tiết tương đối đẹp, nhưng các xã ven biển lại có mưa to.
URL: https://thitruongbiz.vn/bao-so-3-gan-nhu-it-di-chuyen-co-phai-bao-wipha-dang-suy-yeu-d29696.html
© thitruongbiz.vn