Bản tin bất động sản 30/9 đáng chú ý với thông tin việc giải ngân vốn cho hai dự án xây bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai cơ sở 2 ở Hà Nam phải dừng lại do không còn đủ điều kiện bố trí vốn ngân sách và các sản phẩm đất nền tại dự án Sành Villa Bảo Lộc có giá bán dự kiến từ 5,9 triệu đồng/m2...
Theo bà Mai Thị Thùy Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính), 2 dự án xây cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai tại Hà Nam đang gặp những vướng mắc và việc giải ngân đang bị dừng lại.
Bà Dương cho hay, theo kế hoạch của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì đến hết năm 2020 hai dự án phải hoàn thành, song tính đến thời điểm này mới giải ngân được hơn 50% trên tổng mức đầu tư của mỗi dự án là khoảng 4.900 tỷ đồng.
Năm 2022, hai dự án không đủ điều kiện bố trí vốn do phải kéo dài thời gian thực hiện, mà theo quy định phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho điều chỉnh. Sau khi Thủ tướng đồng ý mới bố trí vốn tiếp để giải ngân.
Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ sẽ tham gia một tổ công tác do Bộ Y tế chủ trì rà soát lại toàn bộ cơ chế liên quan đến những vướng mắc hợp đồng của 2 dự án, báo cáo lại Thủ tướng Chính phủ chậm nhất sau 2 tháng.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tháng 1/2014, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án "Đầu tư xây dựng mới 5 bệnh viện, viện tuyến Trung ương và tuyến cuối đặt tại TP.HCM", trong đó có 2 dự án đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Tháng 12/2014, Bộ Y tế phê duyệt dự án đầu tư mới cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai quy mô 1.000 giường, tổng mức đầu tư 4.990 tỷ đồng; cơ sở 2 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức quy mô 1.000 giường, tổng mức đầu tư 4.968 tỷ đồng; thời gian thực hiện cả hai bệnh viện là từ năm 2014 đến năm 2017.
Dự án Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 đang bị hoang hóa. Ảnh: Báo Xây dựng |
Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 do Ban Quản lý dự án y tế trọng điểm, Bộ Y tế làm chủ đầu tư. Đến năm 2018, một số hạng mục của cả hai dự án đã hoàn thành, trong đó có khu khám bệnh. Song cũng từ đó, cả hai dự án tạm dừng xây dựng. Hiện nay, cả 2 bệnh viện đều đang đóng cửa, tiến độ giải ngân mới đạt hơn 55% và 57%.
Trước đó, ngày 18/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã đi khảo sát hiện trường, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án xây dựng 2 dự án nêu trên.
Theo Bộ Y tế, nguyên nhân dẫn đến 2 dự án bệnh viện lớn tại Hà Nam chậm tiến độ là do chưa lường hết được các phát sinh trong quá trình triển khai dự án, nhất là việc thực hiện các quy định trong đầu tư xây dựng cơ bản, cụ thể là thực hiện các hợp đồng xây dựng, nên phát sinh các vướng mắc trong thực hiện các hợp đồng và thanh quyết toán, giải ngân vốn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu thành lập Tổ công tác do lãnh đạo Bộ Y tế làm Tổ trưởng, với sự tham gia của lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và UBND tỉnh Hà Nam. Tổ công tác tiến hành ngay việc rà soát, đánh giá lại toàn bộ quá trình thực hiện dự án, thủ tục pháp lý, tổng mức đầu tư, thời gian thực hiện và các khó khăn vướng mắc khác.
Trên cơ sở đó, xác định vấn đề nào luật pháp đã có quy định, vấn đề nào chưa có quy định; vấn đề thuộc thẩm quyền của ai, cấp nào giải quyết; việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong bao lâu và đề xuất giải pháp cụ thể; trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của cơ quan nào thì cơ quan đó phải giải quyết, nếu vượt thẩm quyền thì trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã rút nội dung cho phép thu hồi đất khi có trên 80% người dân có đất thu hồi đồng ý khỏi Tờ trình dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của Chính phủ trình Quốc hội.
Trước đó, ngày 27/9, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã thay mặt Chính phủ ký dự thảo Tờ trình Luật Đất đai (sửa đổi) gửi Quốc hội (QH) để phục vụ kỳ họp thứ 4 QH khóa XV diễn ra vào cuối tháng 10 tới.
Tại phiên họp toàn thể lần thứ 9 của Ủy ban Kinh tế của QH sáng 29-9, Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Trưởng Ban Soạn thảo dự án Luật Đất đai (sửa đổi), cho biết dự thảo mới đã được hoàn thiện trên cơ sở ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ QH, thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Kinh tế, ý kiến của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của QH. Hồ sơ dự án luật đã được bổ sung phần thuyết minh, hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động chính sách; đã rà soát tính thống nhất với các luật khác có liên quan.
Theo dự thảo mới, thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất; điều kiện, tiêu chí cụ thể việc nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đã được quy định cụ thể nhằm công khai, minh bạch trong thực thi và giám sát. Dự thảo làm rõ nội hàm dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng là các dự án phát huy nguồn lực, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thực hiện chính sách về phát triển hạ tầng, đô thị, nông nghiệp, nông thôn; giải quyết các vấn đề chính sách xã hội, bảo vệ môi trường, bảo tồn di sản văn hóa...
Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định nhà nước chỉ thu hồi đất đối với các dự án nhà ở thương mại sử dụng các loại đất không phải là đất ở để tạo quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất để nhà nước thu được giá trị tăng thêm nhằm điều tiết lợi ích tổng thể cho toàn xã hội và người sử dụng đất. Đồng thời, thực hiện điều tiết thị trường thông qua quan hệ cung - cầu.
Nội dung về thu hồi đất, trưng dụng đất cũng được bổ sung, quy định cụ thể hơn với một số trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai. Chẳng hạn, thu hồi đất được nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư vào mục đích sản xuất - kinh doanh phi nông nghiệp nhưng không đưa đất vào sử dụng theo tiến độ trong dự án đầu tư mà không nộp thuế tăng thêm; chậm tiến độ sử dụng đất và đã bị xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý thuế...
Bình luận về việc ban soạn thảo rút nội dung "thu hồi đất khi có trên 80% người dân có đất thu hồi đồng ý" khỏi tờ trình gửi QH, ThS Nguyễn Văn Đỉnh, chuyên gia pháp lý về đầu tư - bất động sản, cho rằng đây là điều "đáng tiếc". Theo ông, nếu quy định này được đưa vào dự án luật và được thông qua sẽ tháo gỡ được rất nhiều vướng mắc ở những dự án cũ đang gặp khó khăn, đồng thời bảo đảm nguyên tắc đồng thuận về đa số.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), hoan nghênh việc tiếp thu, điều chỉnh nội dung nêu trên trong dự thảo.
Chủ tịch HoREA bình luận: Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đã có ý kiến rất xác đáng liên quan nội dung nhà nước thu hồi đất đối với "các dự án khác được trên 80% người dân có đất thu hồi đồng ý" tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Bởi lẽ, còn 20% người dân chưa đồng ý mà áp dụng cơ chế hành chính để thu hồi đất là không ổn và không đúng chủ trương của nhà nước. "Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất là cần khẩn trương xử lý hậu quả của những tồn tại liên quan đến việc đền bù dở dang nhiều năm qua nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm những điều kiện tốt nhất cho người dân" - ông Châu nói thêm.
Ngoài ra, HoREA đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh quyết định hoặc cho phép nhà đầu tư được tự thỏa thuận với người sử dụng đất trong trường hợp dự án đầu tư có sử dụng đất, bao gồm dự án đô thị, nhà ở thương mại thuộc diện nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư dự án...
Bộ Kế hoạch - Đầu tư đang xin ý kiến của Hội đồng thẩm định liên ngành về việc phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc theo phương thức đối tác công - tư (PPP).
Dự thảo báo cáo về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cho biết, theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cập nhật lại, dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc có điểm đầu tại Km60+100 (trùng với điểm cuối dự án đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú tại cầu vượt trực thông nút giao QL20) thuộc địa phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú, Đồng Nai.
Điểm cuối dự án tại Km126+360 (lý trình đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương) giao với đường Nguyễn Văn Cừ, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.
Chiều dài toàn tuyến giảm từ 67 km (đi qua Đồng Nai 11 km, tỉnh Lâm Đồng 56 km) xuống còn 66 km (đi qua tỉnh Đồng Nai 11 km, qua tỉnh Lâm Đồng 55 km).
Quy mô nền đường giai đoạn phân kỳ được điều chỉnh từ bề rộng nền đường 13,5m (2 làn xe) thành 17m (4 làn xe ô tô). Đoạn dừng xe khẩn cách bố trí không liên tục với khoảng cách 4 - 5 km/vị trí để đảm bảo trong khoảng thời gian từ 3 - 5 phút, nếu có sự cố, xe có thể di chuyển đúng tốc độ 80 km/h đến điểm dừng khẩn cấp.
Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc được đề xuất đầu tư phân kỳ quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m; giai đoạn hoàn chỉnh bề rộng nền đường là 22m. Ảnh minh họa |
Giai đoạn hoàn chỉnh đầu tư hoàn thiện với quy mô theo quy hoạch với bền rộng nền đường 22m gồm 4 làn xe và 2 làn dừng xe khẩn cấp liên tục.
Với quy mô nền đường giai đoạn phân kỳ được cập nhật lại theo tiêu chuẩn đường ô tô cao tốc - thiết kế và tổ chức giao thông trong giai đoạn phân kỳ đầu tư xây dựng cùng sự tham khảo suất đầu tư xây dựng các dự án đường cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong, Trung Lương - Mỹ Thuận, suất vốn đầu tư xây dựng theo quy định hiện hành, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án được đề xuất khoảng 17.200 tỷ đồng.
Tổng mức đầu tư dự kiến này cao hơn so với tờ trình gửi Hội đồng thẩm định liên ngành của UBND tỉnh Lâm Đồng ngày 4/3/2021 (16.406 tỷ đồng) và so với tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 22/6/2022 (16.220 tỷ đồng).
Dự án được đề xuất thực hiện theo hình thức PPP, hợp đồng BOT. Trong đó, vốn nhà nước tham gia dự án được xác định khoảng 6.500 tỷ đồng (vốn ngân sách trung ương khoảng 2.000 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh Lâm Đồng khoảng 4.500 tỷ đồng); Vốn chủ sở hữu của các nhà đầu tư tại dự án ước khoảng 1.605 tỷ đồng và vốn huy động khác khoảng 9.095 tỷ đồng.
Đối với nguồn vốn nhà nước tham gia dự án, khoảng 5.278 tỷ đồng dự kiến được sử dụng hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng; Khoảng 1.222 tỷ đồng bồi thường GPMB, hỗ trợ tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình tạm.
Dự án sẽ thực hiện GPMB theo quy mô hoàn chỉnh. Tổng nhu cầu sử dụng đất dự án dự kiến khoảng 455 ha (tỉnh Đồng Nai khoảng 81 ha, tỉnh Lâm Đồng khoảng 374 ha). Trong đó, diện tích xin chuyển đổi mục đích sử dụng rừng là hơn 186 ha; không có đất rừng đặc dụng, còn lại là diện tích đất chiếm dụng (đất thổ cư, đất nông nghiệp, đất xây dựng đô thị dự kiến…).
Dự án Đất nền biệt thự Sành Villa Bảo Lộc có vị trí tại đường 20, xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Dự án Sành Villa Bảo Lộc cách đường liên tỉnh 725 khoảng 2 km, cách trung tâm thành phố Bảo Lộc khoảng 20 phút di chuyển.
Dự án Đất nền biệt thự Sành Villa Bảo Lộc có tổng diện tích 6.333 m2; có quy mô 19 nền đất biệt thự; diện tích từ 210,2 m2 – 447,2 m2; tầm nhìn hướng hồ, mặt tiền 6 m - 8 m, xây dựng tự do.
Dự án Đất nền biệt thự Sành Villa Bảo Lộc có vị trí nằm trên đồi, sở hữu 2 mặt tiền, giao thông 1 mặt và mặt view hồ nước, diện tích sân vườn lớn với những trảng cỏ, vườn hoa và đường đi, hoàn thiện hạ tầng điện, nước, đường nội khu, công viên, vườn hoa…
Hình ảnh phối cảnh dự án Sành Villa Bảo Lộc Lâm Đồng. |
Tiện ích dự án Đất nền biệt thự Sành Villa Bảo Lộc: Kết nối với các tiện ích chợ, công viên, siêu thị, nhà văn hóa, sân vận động, trường mầm non, trường học các cấp, trường đại học, khu dân cư, suối, bến xe Bảo Lâm, thác Đamb’ri, đập Daklong Thượng, Vincom thành phố Bảo Lộc…
Dự án Đất nền biệt thự Sành Villa Bảo Lộc do Công ty Cổ Phần Tập đoàn BigSea Việt Nam làm chủ đầu tư, công ty có trụ sở chính tại số nhà 296 Minh Khai, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.
Công ty Cổ Phần Tập đoàn BigSea Việt Nam thành lập ngày 19/10/2020 do bà Trần Thị Ngọc Bích làm người đại diện pháp luật, công ty hoạt động chính trong các lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng – Hệ thống Sành HomeStay; đồ gia dụng cao cấp nhập khẩu từ Mỹ; sản phẩm thủ công mỹ nghệ Tây Bắc…
Các sản phẩm đất nền tại dự án Sành Villa Bảo Lộc có giá bán dự kiến từ 5,9 triệu đồng/m2.
© thitruongbiz.vn