52 nhà máy chế biến thuỷ sản cá tra tại 5 địa phương An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang và Vĩnh Long phải tạm dừng hoạt động (chiếm tỷ lệ 49%) do không đáp ứng được gánh nặng chi phí và điều kiện “3 tại chỗ”.
Chiều ngày 25/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị “Giải pháp phát triển chuỗi cá tra sau giãn cách xã hội”.
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục thuỷ sản cho biết, ngành hàng cá tra Việt Nam có dấu hiệu hồi phục trong 6 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, do đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư từ tháng 7 đến nay khiến ngành hàng đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Hội nghị Giải pháp phát triển chuỗi cá tra sau giãn cách xã hội. |
Theo Tổng Cục thuỷ sản, tính đến ngày 15/9, diện tích thả nuôi cá tra mới đạt 3.516 ha (bằng 74,3 % so với cùng kỳ 2020). Diện tích thả nuôi cá tra trong 2 tháng giãn cách xã hội (tháng 7, 8) đã giảm khoảng 50 - 55% so với các tháng trước khi thực hiện giãn cách xã hội.
Sản lượng cá tra thu hoạch ước đạt 932 nghìn tấn (bằng 81,1% so với cùng kỳ năm 2020). Đặc biệt nửa tháng đầu tháng 9/2021, sản lượng thu hoạch giảm 77% so với cùng kỳ.
Do thực hiện giãn cách xã hội nên các nhà máy giảm công suất chế biến, giảm thu mua nguyên liệu đầu vào, chủ yếu sử dụng nguyên liệu từ vùng nuôi của công ty hoặc trong chuỗi liên kết.
Đến đầu tháng 9, có 52 nhà máy chế biến thuỷ sản cá tra tại 5 địa phương An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang và Vĩnh Long phải tạm dừng hoạt động (chiếm tỷ lệ 49%) do không đáp ứng được gánh nặng chi phí và điều kiện “3 tại chỗ”.
Thực hiện giãn cách xã hội kéo dài không chỉ khiến cho việc cung ứng cá thịt từ người nuôi đến nhà máy gặp khó mà nhiều cơ sở sản xuất giống, ương dưỡng cá tra trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp tạm ngưng hoạt động trên 2 tháng. Điều này dự báo sang năm 2022 có khả năng thiếu con giống cục bộ.
Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn cho biết, giãn cách xã hội và các quy định nghiêm ngặt hạn chế đi lại đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng từ nuôi cá thịt đến nhà máy, do không có công đoàn thu hoạch vì lao động không thể di chuyển từ vùng này sang vùng khác.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp xác định cá tra là mặt hàng chủ lực, cam kết hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp thực hiện “4 tại chỗ”. Hiện tỷ lệ lao động trong ngành hàng được phủ vaccine lên tới 90%. Mới đây tỉnh cũng đã lập Ban Hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và hoạt động doanh nghiệp nhanh chóng giúp các doanh nghiệp khôi phục sản xuất.
Tổng Cục Thủy sản đề nghị ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho những người có nguy cơ bị lây nhiễm cao như tài xế vận chuyển, thương lái thu mua, công nhân thu hoạch thủy sản và công nhân của các nhà máy chế biến thủy sản.
© thitruongbiz.vn