Tại Trung Quốc, mỗi ngày vẫn có nhân viên chống dịch mặc đồ bảo hộ lấy mẫu xét nghiệm hàng triệu người dân. Thùng rác chất đầy rác thải y tế đem lại gánh nặng lớn về môi trường lẫn kinh tế.
Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất còn duy trì chính sách “Zero COVID”. Xét nghiệm diện rộng hàng ngày cùng với phong tỏa nhanh chóng, cách ly bắt buộc tiếp tục được nước này sử dụng.
Nhiều điểm xét nghiệm dã chiến mọc lên tại hàng loạt thành phố như Bắc Kinh, Thiên Tân, Thượng Hải, Thẩm Quyến, chính quyền địa phương yêu cầu người dân đi xét nghiệm mỗi 2 - 3 ngày một lần.
Giới chức Trung Quốc khẳng định “Zero COVID” giúp quốc gia đông dân nhất thế giới tránh được thảm họa y tế. Nhưng giới chuyên gia khuyến cáo cách tiếp cận này tạo ra lượng rác thải khổng lồ cũng như gánh nặng kinh tế ngày càng lớn cho chính quyền các địa phương.
Giáo sư Lý Dật Phi thuộc đại học New York nhận xét lượng rác thải y tế mà Trung Quốc tạo ra hàng ngày đang ở quy mô lớn chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại, và chúng sẽ càng ngày càng nhiều hơn.
Tự định vị mình là quốc gia dẫn đầu nỗ lực bảo vệ môi trường, Trung Quốc thời gian qua nỗ lực giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí và ô nhiễm nước, đặt mục tiêu đạt mức trung hòa carbon vào năm 2060.
Giới chuyên gia đánh giá đây là mục tiêu khó thành vì Trung Quốc còn đầu tư nhiều vào than đá. Lượng rác thải khổng lồ từ xét nghiệm COVID-19 diện rộng càng khiến mục tiêu này xa vời hơn.
Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất còn duy trì "Zero COVID" - Ảnh: Straits Times |
Để phát hiện ca dương tính mỗi ngày, Trung Quốc cần rất nhiều bộ dụng cụ xét nghiệm, khẩu trang cùng đồ bảo hộ. Nếu không được xử lý đúng cách thì chất thải y tế có thể gây ôn nhiễm đất và nguồn nước đe dọa đến môi trường lẫn con người.
Theo thống kê của hãng AFP dựa trên thông báo chính thức cùng thông tin truyền thông Trung Quốc đưa ra, vài tuần gần đây nhiều tỉnh thành với tổng cộng khoảng 600 triệu dân đã công bố áp dụng biện pháp xét nghiệm định kỳ. Mỗi nơi đặt ra quy định khác nhau.
Trung Quốc không công bố số liệu rác thải y tế toàn quốc, giới chức Thượng Hải tháng trước cho biết thành phố trong đợt phong tỏa vừa qua tạo ra hơn 68.500 tấn rác thải y tế – cao gấp 6 lần bình thường.
Theo quy định của Trung Quốc, chính quyền địa phương có nhiệm vụ phân loại, khử khuẩn rồi đưa rác thải COVID-19 đi xử lý (thường bằng cách đốt). Tuy nhiên hệ thống xử lý rác thải ở vùng nông thôn còn nghèo khó đã quá tải từ lâu.
Giáo sư Hoàng Diên Trung thuộc Hiệp hội Quan hệ đối ngoại (Mỹ) nhận định: “Tôi không nghĩ vùng nông thôn đủ năng lực đối phó với tình trạng gia tăng rác thải y tế”.
Giáo sư Benjamin Steuer thuộc đại học Khoa học - Công nghệ Hồng Kông cũng bày tỏ lo ngại tình trạng gia tăng rác thải có thể khiến chính quyền một số địa phương chọn cách xử lý không đúng cách hoặc chỉ đơn giản là chôn lấp. Bộ Y tế Trung Quốc tuyên bố họ đã ban hành yêu cầu cụ thể về xử lý rác thải y tế trong khuôn khổ chống dịch COVID-19.
Chính phủ cũng kêu gọi địa phương tự chi trả chi phí xét nghiệm trong bối cảnh trung ương cũng đang vất vả cân đối ngân sách. Tập đoàn tài chính Nomura tháng trước đưa ra ước tính mở rộng mô hình xét nghiệm định kỳ ra toàn quốc có thể tiêu tốn 0,9 - 2,3% GDP Trung Quốc.
Theo giáo sư Jin Dong-yan thuộc đại học Hồng Kông, xét nghiệm định kỳ kém hiệu quả và tốn kém sẽ khiến chính quyền các địa phương cắt giảm nhiều khoản đầu tư y tế cần thiết khác.
URL: https://thitruongbiz.vn/xet-nghiem-covid-19-dien-rong-tao-ra-nui-rac-tai-trung-quoc-d6649.html
© thitruongbiz.vn