Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 14/2 triệu tập cuộc họp khẩn sau khi có ít nhất 9 người tại Ghinea Xích đạo thuộc Trung Phi tử vong do sốt xuất huyết virus Marburg. Virus Marburg có thể gây ra các triệu chứng nặng, tỷ lệ tử vong cao nhưng chưa có vaccine và cách chữa đặc trị.
Ngày 14/2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã họp khẩn vì đợt bùng phát của virus Marburg ở Guinea Xích đạo. Theo WHO, bệnh do virus Marburg có thể có tỷ lệ tử vong lên tới 88%. Hiện căn bệnh này không có vaccine hoặc phương pháp điều trị kháng virus nào được phê duyệt. Virus Marburg gây ra bệnh sốt xuất huyết ở người và động vật linh trưởng. Loại virus này được đánh giá rất nguy hiểm, xếp vào nhóm nguy cơ số 4 - nhóm cao nhất trong bảng xếp hạng các mầm bệnh.
Cuộc họp của WHO được tổ chức 1 ngày sau khi Bộ Y tế Ghinea Xích đạo thông báo ghi nhận 9 người tử vong do sốt xuất huyết virus Marburg trong giai đoạn từ ngày 7/1-7/2 tại ổ dịch đầu tiên ở quốc gia Tây Phi này.
Hiện Bộ Y tế đã thực hiện phong tỏa tỉnh Kie-Ntem và huyện Mongomo liền kề, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của 4.325 người. Theo WHO, có 16 người tại Kie-Ntem đang có biểu hiện sốt cao và nôn ra máu.
Marburg là loại virus gây xuất huyết nguy hiểm, có khả năng lây nhiễm cao tương tự Ebola và có thể gây tử vong. Vật chủ tự nhiên của vius Marburg là loài dơi ăn quả châu Phi.
Sự lây nhiễm từ người sang người là do tiếp xúc trực tiếp hoặc các giọt máu, mồ hôi, nước bọt và các chất tiết khác. Quần áo và bộ đồ giường bị ô nhiễm, nghi lễ chôn cất liên quan đến việc tiếp xúc trực tiếp với người quá cố cũng gia tăng nguy cơ nhiễm bệnh. Nhân viên y tế thường xuyên bị nhiễm bệnh khi điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus Marburg.
Thời gian ủ bệnh (thời gian từ khi nhiễm bệnh đến khi xuất hiện các triệu chứng) thay đổi từ 2 ngày đến 3 tuần. Các triệu chứng ban đầu bao gồm sốt cao, nhức đầu dữ dội và mệt mỏi. Đau cơ là phổ biến, cũng như tiêu chảy, co thắt dạ dày, buồn nôn và nôn.
Bệnh do virus Marburg gây ra có tỷ lệ tử vong lên tới 88%. Ảnh: Getty |
WHO mô tả các bệnh nhân ở giai đoạn này có biểu hiện mệt mỏi:“Nhiều bệnh nhân xuất hiện các biểu hiện xuất huyết nghiêm trọng trong khoảng thời gian từ 5 đến 7 ngày, và các trường hợp tử vong thường xuất hiện triệu chứng chảy máu từ nhiều vùng".
Một số bệnh nhân nôn ra máu hoặc đi ngoài ra phân. Bệnh nhân cũng bị chảy máu nướu răng, mũi và cơ quan sinh dục. Bệnh có thể lan đến hệ thần kinh khiến người bệnh trở nên lú lẫn, dễ cáu gắt và hung dữ.
Theo WHO, các trường hợp tử vong thường xảy ra nhất trong khoảng từ 8 đến 9 ngày sau khi khởi phát triệu chứng, trước khi người bệnh mất máu nghiêm trọng và sốc. Trong các đợt bùng phát trước đó, tỷ lệ tử vong trong các trường hợp được xác nhận dao động từ 24% đến 88%, tùy thuộc vào chủng virus và cách quản lý ca bệnh.
Hiện chưa có vaccine hoặc phương pháp điều trị kháng virus Marburg. Tuy nhiên, việc chăm sóc y tế tốt cũng có thể cải thiện đáng kể tỷ lệ khỏi bệnh đối với bệnh nhân mắc virus này.
WHO cho biết: “Một loạt phương pháp điều trị tiềm năng, bao gồm các sản phẩm máu, liệu pháp miễn dịch và điều trị bằng thuốc, cũng như các ứng viên vaccine với dữ liệu thử nghiệm ban đầu, đang được nghiên cứu cho vaccine Marburg".
Virus Marburg lần đầu tiên ghi nhận vào năm 1967, khi dịch sốt xuất huyết bùng phát đồng thời tại các phòng thí nghiệm ở Marburg và Frankfurt, Đức và ở Belgrade, Nam Tư (nay là Serbia). 31 người bị bệnh, ban đầu là nhân viên phòng thí nghiệm, sau đó là một số nhân viên y tế và thành viên gia đình đã chăm sóc họ. 7 trường hợp tử vong đã được báo cáo. Những người đầu tiên bị nhiễm bệnh đã tiếp xúc với khỉ xanh châu Phi nhập khẩu từ Ugandan hoặc mô của chúng trong khi tiến hành nghiên cứu. Đã có 8 đợt bùng phát tiếp theo, trong đó có cả đợt bùng phát năm 2023 đang diễn ra ở Guinea Xích đạo. Các quốc gia bị ảnh hưởng bao gồm Angola, Cộng hòa Dân chủ Congo và Kenya. |
© thitruongbiz.vn