CTCP Ống thép Việt Đức VG PIPE (mã chứng khoán VGS) vừa thông báo nhận đơn từ nhiệm của ông Lê Minh Hải – Chủ tịch HĐQT. Trước đó không lâu, ông Lê Minh Hải đã chuyển nhượng 8,34 triệu cổ phiếu VGS (tương đương 15% vốn của công ty) cho vợ là bà Nguyễn Thị Thanh Thủy nhằm giảm tỷ lệ sở hữu.
CTCP Ống thép Việt Đức VG PIPE (mã chứng khoán VGS) mới đây đã nhận đơn từ nhiệm của ông Lê Minh Hải – Chủ tịch HĐQT, người gắn bó với Công ty từ ngày đầu thành lập. Trong đơn từ nhiệm, ông Hải cho biết việc dành thời gian nghiên cứu, phát triển dự án mới khiến ông không thể tiếp tục đảm nhiệm vị trí Chủ tịch VGS.
Ông Lê Minh Hải sinh năm 1964, hiện là Phó chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam. Ông Hải từng giữ chức Chủ tịch HĐQT VGS từ năm 2007 đến 2011, trước khi bị ông Lê Phan Đức thay thế. Đến đầu tháng 1/2013, ông Hải đã quay trở lại giữ chức Chủ tịch HĐQT công ty và đảm nhiệm vị trí này đến hiện tại.
Ngoài VGS, ông Hải còn giữ chức Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư công nghiệp Việt Đức, CTCP Thép Việt Đức, Tổng giám đốc CTCP Sản xuất thép Việt Đức.
Trước khi nộp đơn từ nhiệm, ông Hải đã sang tay gần 8,35 triệu cổ phiếu VGS (tỷ lệ 14,93% vốn) cho vợ là bà Nguyễn Thị Thanh Thủy trong ngày 4/3. Sau giao dịch, ông Hải đã giảm sở hữu xuống còn 9,58 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 17,13%). Ngược lại, bà Thanh Thuỷ nâng sở hữu lên 14,38 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 25,67%), trở thành cổ đông lớn nhất tại VGS.
Dù ông Hải rút lui khỏi vị trí lãnh đạo, gia đình ông vẫn kiểm soát hơn 56% cổ phần của VG PIPE. Con trai ông – Lê Quốc Khánh - hiện cũng giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT, tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong định hướng điều hành công ty.
Được biết, VGS tiền thân là Nhà máy Ống thép Việt Đức trực thuộc Công ty Thép và Vật tư Công nghiệp SIMCO. Cuối năm 2002, Nhà máy ông thép Việt Đức được xây dựng tại Vĩnh Phúc và bắt đầu cung cấp sản phẩm kể từ tháng 7/2003. Ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất các loại ông thép, inox; sản xuất két bạc két sắt;…
Ông Lê Minh Hải gắn bó với VGS ngay những ngày đầu thành lập.
Năm 2008, Công niêm yết trên sàn chứng khoán. Hiện, vốn điều lệ của VGS đã tăng lên gần 560 tỷ đồng.
Sản phẩm ống thép Việt Đức đã tham gia cung cấp cho nhiều công trình lớn, công trình trọng điểm quốc gia: Cầu Thanh Trì, Cầu Vĩnh Tuy, Cầu Pháp Vân, Trung tâm Hội nghị Quốc Gia…; các công trình có vốn đầu tư nước ngoài, các toà nhà cao tầng, khu chung cư cao cấp như The Manor, Keangnam, The Landmark; các khu dân cư…; Nhà máy xi măng Thăng Long, Công ty Xi măng Hoàng Thạch, Nhiệt điện Phả Lại, Nhiệt điện Uông Bí, đường cao tốc Sài Gòn – Trung Lương…
Trong một diễn biến liên quan, bà Nguyễn Thị Nhi – thành viên HĐQT VGS mới đây đã bán toàn bộ 1,73 triệu cổ phiếu VGS nắm giữ (3,09% vốn) từ ngày 10/2 đến 4/3. Sau giao dịch, bà Nhi đã không còn là cổ đông tại VGS.
Bà Nhi liên tục bán ra cổ phiếu sau khi xin thôi giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc kiêm Người công bố thông tin tại VGS từ ngày 6/9/2024, và từ nhiệm vai trò Thành viên HĐQT từ 30/09/2024. Tuy nhiên, do ĐHĐCĐ chưa thông qua việc từ nhiệm, bà Nhi vẫn là Thành viên HĐQT VGS.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu VGS đang dừng ở mức 29.000 đồng/cp, giảm hơn 7% so với đầu năm. Vốn hóa thị trường tương ứng khoảng 1.600 tỷ đồng.
Trong quý IV/2024, VG PIPE ghi nhận doanh thu đạt 1.654 tỷ đồng, giảm 22,8% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận sau thuế lại tăng mạnh tới 188%, đạt 74 tỷ đồng. Lũy kế cả năm, công ty đạt doanh thu hơn 7.352 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm 2023, trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 110 tỷ đồng, tăng 89%.
So với kế hoạch năm 2024 (doanh thu 7.100 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 56 tỷ đồng), VG PIPE vượt 3% kế hoạch doanh thu và vượt 96% kế hoạch lợi nhuận.
Tính đến ngày 31/12/2024, tổng tài sản của VG PIPE đạt 2.334 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Tiền mặt của công ty giảm hơn 87%, còn 20 tỷ đồng, trong khi hàng tồn kho tăng 28%, lên hơn 546 tỷ đồng.
Về nợ phải trả, công ty ghi nhận mức giảm 14%, còn 1.250 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn chiếm gần 1.044 tỷ đồng, với riêng vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 580 tỷ đồng. Công ty hiện đang có gần 340 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Trong bối cảnh lĩnh vực cốt lõi là sản xuất ống thép chưa có nhiều đột phá những năm qua, VGS đã có quyết định táo bạo khi lấn sân sang làm bất động sản. VGS đang đầu tư vào 3 dự án, trong đó lớn nhất là Khu đô thị Việt Đức Legend City. Ngoài ra, doanh nghiệp còn sở hữu toà nhà văn phòng cho thuê và căn hộ Vietduc Financial Building tại TP Vĩnh Yên; Toà nhà văn phòng và trung tâm thương mại tại Mê Linh.
Khu đô thị Việt Đức Legend City tại huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc được xem là dự án chủ lực của VGS trong lĩnh vực bất động sản. Dự án có quy mô 62,08ha, với tổng vốn đầu tư lên đến 6.269 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp của nhà đầu tư là 1.149 tỷ đồng, còn vốn vay là 5.120 tỷ đồng. Đến cuối năm 2024, VGS đã rót hơn 755 tỷ đồng vào dự án này.
Dự án chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 thực hiện trên diện tích 27,52ha, với số lượng 197 căn nhà liền kề, 201 căn biệt thự, 2 tòa chung cư 20 tầng, 4 tòa chung cư nhà ở xã hội, mỗi tòa 4 tầng và 5 tòa nhà thương mại dịch vụ. Giai đoạn 2 có diện tích 34,56ha, với 185 căn nhà ở liền kề, 203 căn biệt thự, 6 tòa chung cư nhà ở xã hội cao 9 tầng và 1 tòa nhà thương mại dịch vụ cao 5 tầng.
Thời điểm 31/12/2024, tổng tài sản của VGS ở mức hơn 2.300 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Như vậy, riêng khoản chi phí xây dựng cơ bản dở dang nằm tại dự án Khu đô thị Việt Đức Legend City đã chiếm đến gần 1/3 tổng tài sản của doanh nghiệp này. Về nguồn vốn, nợ phải trả của VGS tính đến cuối năm 2024 ở mức 1.250 tỷ trong khi vốn chủ sở hữu gần 1.100 tỷ đồng.
© thitruongbiz.vn