Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh gần 1.500 tỷ đồng kéo dài chuỗi bán ròng tuần thứ 7, VN-Index giảm 1,45 điểm, tương đương 0,12% xuống 1.217,12 điểm. Nhà đầu tư được khuyến nghị tránh mua đuổi trong những phiên hồi phục sớm, tranh thủ hạ tỷ trọng các vị thế ngắn hạn hoặc cơ cấu lại danh mục trong các phiên hồi phục.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 18/11, VN-Index giảm 1,45 điểm, tương đương 0,12% xuống 1.217,12 điểm. Toàn sàn có 184 mã tăng 181 mã giảm, 70 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,26 điểm lên 221,79 điểm. Toàn sàn có 72 mã tăng và 77 mã giảm, 66 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,3 điểm lên mức 91,64 điểm.
Cổ phiếu tăng-giảm giá ở mức cân bằng với 184 mã đi lên, 181 mã đi xuống. Tại nhóm VN30, số mã tăng-giảm giá lần lượt là 12 mã và 14 mã. Cổ phiếu lớn nhất thị trường VCB lấy đi 0,93 điểm; tiếp đến là MWG (gần 0,35 điểm), BID (0,34 điểm)…
Số ngành giảm điểm chiếm ưu thế song điều đáng mừng là mức giảm không mạnh, chỉ hai ngành giảm trên 1% là dịch vụ tiêu dùng và truyền thông giải trí.
Trong những nhóm ngành tăng điểm, phần cứng, dịch vụ tài chính, dịch vụ chuyên biệt và thương mại, vận tải tăng trên 1%.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán ghi nhận sự hồi phục tích cực nhất. SSI và VND tăng hơn 1%, VCI và VIX tăng hơn 2%, HCM tăng 3,6%, SHS đứng tham chiếu. Một số mã nhỏ tích cực hơn như ORS tăng trần, HAC +8,9%, CTS +4%, MBS +3,8%, AGR +3,4%, APS +3,2%, BVS +3,2%, BSI +3,1%... Chiều giảm có DSE -2%, TCI -1,6%, VFS -1,4%.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng đã nghiêng về sắc xanh: TPB tăng 2,56%, OCB tăng 1,45%; ACB, CTG, VIB, EIB, SSB, STB tăng gần 1%.
Nhóm cổ phiếu bất động sản có sự phân hóa mạnh: TCH tăng trần, NTL tăng 4,43%, NHA tăng 3,82%, VHM tăng 1,37%, PDR tăng 1,5%, DXG tăng 1,86%, CEO tăng 1,42%, NVL tăng 1,44%; HDC, HDG tăng gần 1%. Ngược lại, nhiều cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp vẫn giảm mạnh: KBC giảm 5,96%, SZC giảm 1,54%, IDC giảm 1,07%, BCM 1,47%, NLG giảm 1,99%; KDH, VIC, VRE, DIG giảm gần 1%.
Riêng nhóm cổ phiếu tiêu dùng thiết yếu lẫn không thiết yếu vẫn tiếp tục giảm: HAG giảm 3,39%, VHC, VNM, MSN giảm gần 1%, MWG giảm 1,67%, DGW giảm 1,7%, GEX giảm 1,9%...
Tổng giá trị khớp lệnh đạt gần 16.000 tỷ đồng, trong đó khối ngoại chiếm hơn 4.200 tỷ đồng. Nhóm này tiếp tục bán ròng mạnh gần 1.500 tỷ đồng, tập trung bán SSI 268 tỷ đồng, VHM 243 tỷ đồng, MWG 198 tỷ đồng, HDB 146 tỷ đồng; VNM, MSN hơn 100 tỷ đồng; VPB 87 tỷ đồng, HPG 76 tỷ đồng, VCB 44 tỷ đồng…
Ngược lại, STB được mua ròng mạnh nhất với giá trị 33 tỷ đồng, kế đến là TCB 26 tỷ đồng, GAS 20 tỷ đồng, HCM 18 tỷ đồng, VCI 15 tỷ đồng…
Trong tuần trước, khối ngoại bán ròng 5 phiên liên tiếp với giá trị hơn 4.000 tỷ đồng, tăng 48,5% về lượng và 16% về giá trị so với tuần trước đó. Đây là tuần bán ròng thứ 7 liên tiếp và có xu hướng mạnh trong 3 tuần gần đây khi tỷ giá USD/VND leo thang.
Thị trường chứng khoán châu Á giao dịch ngược chiều phiên 18/11 sau đợt bán tháo trên phố Wall trong bối cảnh các nhà đầu tư giảm đặt cược vào việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất do lo ngại chính sách của ông Donald Trump có thể làm gia tăng lạm phát.
Tại Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 giảm 1,1% xuống 38.220,85 điểm. Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 0,8% lên 19.576,61 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải giảm 0,2% xuống 3.323,85 điểm.
Chứng khoán Hong Kong được hỗ trợ nhờ hy vọng về các biện pháp kích thích kinh tế mới từ Trung Quốc, cùng với lời kêu gọi của chính quyền đối với các doanh nghiệp tăng cường nỗ lực nhằm gia tăng lợi nhuận cho cổ đông.
Chứng khoán Sydney, Seoul, Wellington, Manila, Mumbai và Bangkok cũng tăng điểm, song chứng khoán Singapore, Đài Bắc và Jakarta lại giảm điểm.
Kỳ vọng cắt giảm lãi suất giảm bớt đã giúp đồng USD giữ vững đà tăng so với các đồng tiền chủ chốt khác. Giới đầu tư cũng theo dõi các bình luận từ giới chức Nhật Bản trong bối cảnh có đồn đoán rằng họ có thể can thiệp vào thị trường ngoại hối nếu đồng yen suy yếu quá nhanh.
Đồng bitcoin giao dịch quanh mức 91.600 USD, sau khi đạt mức cao kỷ lục mới là 93.462 USD trong tuần trước, nhờ hy vọng ông Trump sẽ thúc đẩy việc bãi bỏ quy định đối với thị trường tiền điện tử. Các nhà bình luận dự đoán bitcoin sẽ sớm vượt mốc 100.000 USD.
Giới đầu tư cũng đang chờ đợi báo cáo kết quả kinh doanh của “gã khổng lồ” Nvidia trong tuần này, sau khi công ty này dẫn đầu đà tăng của các công ty công nghệ trong năm nay nhờ sự bùng nổ nhu cầu liên quan đến trí tuệ nhân tạo.
Nhận định về thị trường, CTCK Vietcombank (VCBS) khuyến nghị các nhà đầu tư có thể giải ngân thăm dò với tỷ trọng vừa phải ở một số cổ phiếu thuộc nhóm ngành có tín hiệu thu hút lực cầu trở lại sau khi đã điều chỉnh sâu về vùng đáy/hỗ trợ với mục tiêu lướt sóng T+.
Tuy nhiên, cần lưu ý về việc tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc chốt lời/cắt lỗ để bảo toàn vốn/lợi nhuận trong trường hợp rung lắc bất ngờ xảy ra.
Theo CTCK Asean: Trong ngắn hạn, chúng tôi cho rằng thị trường có thể có các phiên hồi phục chậm rãi, nhà đầu tư tiếp tục theo dõi diễn biến điều chỉnh về vùng cân bằng của thị trường và tính ổn định của các yếu tố vĩ mô, tập trung vào các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và triển vọng kinh doanh tích cực, cân nhắc giải ngân khi định giá về mức hấp dẫn.
CTCK KB Việt Nam (KBSV): Mẫu nến "Doji" biên độ rộng cho thấy thế giằng co khá mạnh nhưng với tương quan cung cầu đã tạm thời quay trở lại trạng thái cân bằng. Việc xuất hiện mẫu nến đảo chiều, tại vùng hỗ trợ gần, trong bối cảnh một số chỉ báo xung lực đã về vùng quá bán đang cho thấy cơ hội hồi phục của VN-Index
Mặc dù vậy, khi xu hướng giảm điểm vẫn đang giữ vai trò chủ đạo trong ngắn hạn, nhịp hồi phục có thể không kéo dài lâu và chỉ số nhiều khả năng sẽ còn chứng kiến thêm các nhịp giảm phá đáy trước khi có thể tìm được vùng đáy vững chắc hơn.
Nhà đầu tư được khuyến nghị tránh mua đuổi trong những phiên hồi phục sớm, tranh thủ hạ tỷ trọng các vị thế ngắn hạn hoặc cơ cấu lại danh mục trong các phiên hồi phục.
© thitruongbiz.vn