VN-Index tiếp tục có phiên tăng điểm rất ấn tượng trong ngày giao dịch đầu tuần mới hôm nay (14/7). Dòng tiền trên vẫn vận động sôi nổi trên thị trường, tuy nhiên bắt đầu xuất hiện lực cung chốt lời sớm khi chỉ số đã tăng nóng gần 90 điểm mà chưa ghi nhận nhịp điều chỉnh nào đáng chú ý. Theo các chuyên gia, Nhà đầu tư có thể chốt lời, hiện thực hóa lợi nhuận một số cổ phiếu đã tăng giá mạnh.
Kết thúc phiên giao dịch chứng khoán ngày 14/7, VN-Index tăng 12,66 điểm (0,87%) lên 1.470,42 điểm, còn chỉ số HNX-Index tăng 0,8 điểm (0,33%) lên 239,61 điểm.
Phiên hôm nay, mã VIC đang đóng góp nhiều nhất cho thị trường. Cụ thể, cổ phiếu này tăng 4,6% lên 113.000 đồng/cổ phiếu, đóng góp gần 4,7 điểm tăng của VN-Index. Ngoài VIC, chỉ số còn nhận được lực đỡ từ nhiều mã như VPB, VHM, GVR, BID, GEE, MWG, PNJ, EIB, DXG.
Rổ VN30 có 11 mã giảm giá và 18 mã tăng giá. Chỉ số VN30-Index tăng hơn 11 điểm, lên 1.605,66 điểm. Thanh khoản đạt hơn 13.884 tỉ đồng. Rổ có nhiều mã tăng cao như GVR tăng 2,1%, VIC tăng gần 4,7%, VPB tăng 4,2%, VHM tăn 1%.
Ở nhóm cổ phiếu bất động sản khác cũng có trạng thái hứng khởi. Bộ đôi cổ phiếu Đất Xanh là DXG và DXS cùng chạm trần, chốt phiên không có bên bán. LDG nối dài chuỗi tăng trần với thanh khoản vọt lên gần 43 triệu cổ phiếu. Những cổ phiếu khác trong nhóm này như PDR, DIG, SCR, CEO, KDH có mức tăng khiêm tốn hơn, khoảng 3%.
Nhóm ngân hàng cũng là động lực tăng chính cho chỉ số. VPB hôm nay chạm vùng giá cao nhất 3 năm qua (21.000 đồng) và dẫn đầu biên độ tăng giá của nhóm này. EIB, OCB, BID, STB, MBB chia nhau các vị trí tiếp theo khi tăng 0,4-3,3%. Ở chiều ngược lại, một số cổ phiếu trụ của nhóm ngân hàng như CTG, VCB, SHB...đóng cửa dưới tham chiếu dù biên độ không lớn.
Nhóm chứng khoán ghi nhận VCI +1,5%; SSI, SHS, HCM tăng nhẹ; VIX và VND giảm nhẹ. Một số mã nhỏ tăng tốt, như APS tăng trần, BSI +4,4%, BVS +3,7%, HAC +5,4%, FTS +2,2%, AGR +2,5%.
Tại nhóm thép, HPG giảm gần 1%, NKG +1%, HSG tăng nhẹ. Các mã còn lại đa số tăng giá, đáng chú ý là SMC tăng trần lên giá 12.400 đồng/cp - cao nhất kể từ tháng 7/2024.
Các mã tăng tốt tại các nhóm ngành khác là CII +3%, GEE +4,9%, POW +3,7%, HAG +5,2%, PNJ +5,3%, FRT +4%, PAN +3,6%...
Toàn thị trường có tới 206 mã tăng và 117 mã giảm khi kết phiên, trong đó khoảng 38,1% cổ phiếu phục hồi từ 2% trở lên so với đáy. Nhóm Midcap ghi nhận sự khởi sắc rõ rệt với 3 mã kịch trần (DXS, HDC, DXG) và hàng loạt cổ phiếu giao dịch sôi động như PDR (+4,8%), DIG (+3,88%), EIB (+3,27%)… Đáng chú ý, thanh khoản nhóm Midcap còn tăng nhẹ 2,3%, trái ngược xu hướng giảm chung.
Nhóm vốn hóa nhỏ tuy không nổi bật về chỉ số nhưng có hơn 14 mã tăng hết biên độ, hơn 30 mã khác tăng trên 2%. Thanh khoản các cổ phiếu ngoài VN30 chỉ giảm nhẹ 342 tỷ đồng, cho thấy dòng tiền đầu cơ vẫn hoạt động tích cực.
Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn niêm yết đạt 31.414 tỷ đồng, vượt trung bình tuần trước (30.858 tỷ đồng/phiên), phản ánh sức mua vẫn rất ổn định, thậm chí có phần quyết liệt trong các nhịp điều chỉnh.
Khối ngoại có phần thận trọng hơn khi giá trị mua ròng giảm mạnh còn 130,3 tỷ đồng - mức thấp so với các phiên trước đó. VPB, FPT, MWG, DXG, VCB vẫn được mua ròng, trong khi HPG, GEX, CTG, GMD bị bán mạnh.
Nhận định phiên giao dịch ngày 15/7, CTCK AIS cho rằng: Chỉ số đóng phiên hình thành cây nến “Dragonfly Doji” cho thấy sự lưỡng lự của nhà đầu tư đã xuất hiện sau 6 phiên tăng điểm mạnh liên tiếp.
Điểm tích cực của thị trường là khi các nhóm ngành lớn như ngân hàng và chứng khoán chững lại thì nhóm bất động sản nổi bật với diễn biến tăng, thể hiện sự lan tỏa và hỗ trợ tốt cho thị trường chung.
Xu hướng chủ đạo vẫn là tăng điểm và tích cực. Mục tiêu gần nhất vẫn là vùng 1.500 điểm.
Trong bối cảnh thị trường tăng "nóng" như hiện tại, những nhịp tích lũy, điều chỉnh nhẹ ở một vài phiên tới sẽ là điều cần thiết để củng cố cho đà tăng trong trung và dài hạn.
Nhà đầu tư có thể chốt lời, hiện thực hóa lợi nhuận một số cổ phiếu đã tăng giá mạnh, đạt giá mục tiêu mà chúng tôi đã khuyến nghị. Và hạn chế FOMO mua đuổi các mã đã tăng giá mạnh để kiểm soát rủi ro.
CTCK Vietcombank (VCBS): Dòng tiền trên vẫn vận động sôi nổi trên thị trường, tuy nhiên bắt đầu xuất hiện lực cung chốt lời sớm khi chỉ số đã tăng nóng gần 90 điểm mà chưa ghi nhận nhịp điều chỉnh nào đáng chú ý.
Dòng tiền khối ngoại vốn nâng đỡ các mã cổ phiếu vốn hóa lớn ghi nhận phiên sụt giảm đầu tiên trong đà mua ròng.
Vì vậy, nhà đầu tư không nên mua đuổi các cổ phiếu đang trong đà tăng mạnh trong phiên, duy trì tỷ lệ vay ký quỹ an toàn và cân nhắc tìm kiếm cơ hội giải ngân tại các nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ khi chỉ số rung lắc trong phiên.
Thị trường chứng khoán châu Á ghi nhận diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch chiều 14/7, khi nhà đầu tư theo dõi sát căng thẳng thương mại sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế 30% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU) và Mexico (Mê-hi-cô) từ ngày 1/8. Trong khi đó, một số thị trường chứng khoán được hỗ trợ bởi các tín hiệu tích cực trong nước như gói kích thích kinh tế hay dữ liệu thương mại khả quan từ Trung Quốc.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,3% xuống 39.459,62 điểm, chịu sức ép từ đà giảm của Phố Wall cuối tuần trước và lo ngại về tác động tiêu cực của thuế quan Mỹ đối với triển vọng kinh tế toàn cầu. Đồng yen tăng nhẹ so với đồng USD khi nhà đầu tư tìm đến tài sản an toàn, khiến nhóm cổ phiếu ngành xuất khẩu chịu áp lực. Bên cạnh đó, tâm lý thị trường cũng thận trọng trước thềm cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản diễn ra cuối tuần này.Tại Trung Quốc, thị trường ghi nhận sắc xanh nhờ số liệu xuất khẩu vượt kỳ vọng. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải tăng 0,3% lên 3.519,65 điểm – mức cao nhất kể từ tháng 10/2024, còn chỉ số Hang Seng tại thị trường Hong Kong (Trung Quốc) tăng 0,26% lên 24.203,32 điểm. Số liệu mới nhất cho thấy xuất khẩu Trung Quốc trong tháng 6/2025 tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước, trong khi nhập khẩu cũng phục hồi nhẹ 1,1% sau khi sụt giảm hồi tháng trước. Giới đầu tư đang chờ đợi báo cáo về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý II/2025 của Trung Quốc, dự kiến sẽ công bố vào ngày 15/7, với ước tính tăng trưởng đạt 5,1%.
Tâm lý thị trường vẫn thận trọng do chưa rõ liệu các tuyên bố thuế quan mới từ Mỹ có phải chỉ là “đòn gió” hay sẽ trở thành hiện thực từ ngày 1/8. Trái ngược với Tokyo, thị trường Seoul của Hàn Quốc lại ghi nhận mức tăng mạnh nhất khu vực. Chỉ số KOSPI tăng 0,83% lên 3.202,03 điểm, lần đầu vượt mốc 3.200 điểm kể từ tháng 9/2021, nhờ kỳ vọng vào các gói kích thích mới của Chính phủ, bao gồm phát tiền mặt cho người dân. Các mã cổ phiếu bảo hiểm và ô tô cũng đồng loạt tăng giá, trong khi Samsung Electronics và một số cổ phiếu công nghệ lớn điều chỉnh nhẹ. Toàn khu vực, chỉ số MSCI châu Á Thái Bình Dương (không bao gồm Nhật Bản) gần như đi ngang, phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước các diễn biến chính sách thương mại của Mỹ và tác động đối với kinh tế toàn cầu. Giới phân tích nhận định thị trường có thể tiếp tục biến động trong ngắn hạn, khi các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và các đối tác lớn như EU và Mexico vẫn đang diễn ra. Chuyên gia Taylor Nugent từ Ngân hàng Quốc gia Australia nhận định: “Khó có thể định giá trước các mức thuế sẽ được thực hiện thế nào từ ngày 1/8, khi các cuộc thương lượng vẫn đang tiếp tục”.
© thitruongbiz.vn