Trong phiên giao dịch ngày 10-4, thị trường chứng khoán ghi nhận mức tăng lịch sử với khoảng 98% cổ phiếu trên cả hai sàn tăng giá, trong đó 519 mã tăng kịch trần – con số cao kỷ lục từ trước đến nay.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/4, VN-Index tăng 74,04 điểm, tương đương 6,77% lên 1.168,34 điểm. Toàn sàn có 534 mã tăng, 318 mã tăng trần và chỉ có 7 mã giảm.
HNX-Index tăng 15,74 điểm lên 208,32 điểm. Toàn sàn có 221 mã tăng, 135 mã tăng trần và 18 mã giảm. UPCoM-Index tăng 8,43 điểm lên mức 92,84 điểm.
Cổ phiếu "vua" ngân hàng đóng vai trò trụ cột kéo đà tăng hôm nay khi sắc tím bao phủ toàn ngành, chỉ duy nhất SGB chưa tăng trần nhưng mã này cũng bật tăng gần 14%. Trong đó nổi bật VCB, BID, CTG, TCB, VPB, MBB đóng góp gần 20 điểm vào VN-Index.
Nhóm bất động sản cũng thăng hoa dưới sự dẫn dắt của cổ phiếu nhà Vin, chỉ hai mã VIC và VHM đã đóng góp 7 điểm vào thị trường. Sắc tím cũng lan tỏa toàn ngành, đơn cử DIG, KBC, TIG, PDR, KDH, KHG, SZC, HDG, DXG, CIG, NLG, IDC, AGG, LHG.
Tương tự, nhóm thép cũng nở rộ sắc tím. Nổi bật các mã HPG, NKG, HSG, ITQ, SMC SBG, VFS, TIS, HSV, PAS, KCB, NSH.
Trong bối cảnh thị trường hồi phục sau những phiên giảm mạnh, thì việc số lượng cổ phiếu bán ra không nhiều nên dẫn đến tình trạng trắng bên bán khiến thanh khoản thị trường xuống thấp nhất 5 năm.
Tổng giá trị khớp lệnh trong phiên hôm nay ở mức 8.137 tỷ đồng, giảm 77% so với hôm trước, trong đó, giá trị khớp lệnh trên sàn HoSE đạt 6.306 tỷ đồng. Tại nhóm VN30, thanh khoản đạt 2.503 tỷ đồng.
Khối ngoại đảo chiều mua ròng giá trị 855 tỷ đồng phiên hôm nay, trong đó khối này giải ngân 553 tỷ đồng và bán ra 1.408 tỷ đồng.
Những mã bị đẩy bán mạnh nổi bật là KBC 154 tỷ đồng, TLG 125 đồng, CTG 91 tỷ đồng, VNM 82 đồng, SSI 82 tỷ đồng,… Ngược lại, những mã được mua chủ yếu ACB 133 tỷ đồng, VIC 21 tỷ đồng, TCB 18 tỷ đồng, MBB 17 tỷ đồng, VRE 10 tỷ đồng,…
Theo CTCK Kiến Thiết Việt Nam (CSI) nhận định: Sau cơn mưa trời lại sáng, VN-Index bất ngờ có phiên tăng điểm mạnh nhất từ trước đến nay sau tín hiệu tạm hoãn thuế 90 ngày từ tổng thống Hoa Kỳ.
Chỉ số VN-Index mở gap tăng gần 70 điểm ngay từ đầu phiên, hàng loạt cổ phiếu bật tăng trần tạo nên cảnh tượng chưa từng có.
Lực cầu áp đảo hoàn toàn trong khi phía cung bán ra nhỏ giọt kéo thanh khoản khớp lệnh chạm đáy gần 5 năm.
Với xung lực hiện tại, chúng tôi kỳ vọng thị trường tiếp tục quán tính hồi phục trong các phiên tới. Mục tiêu đợt phục hồi kỹ thuật hiện tại chúng tôi kỳ vọng ở ngưỡng 1.250-1.275 điểm.
CTCK AIS cho rằng: Thị trường ghi nhận phiên tăng điểm kỷ lục sau thông tin hoãn thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Các cổ phiếu lớn đồng loạt tăng trần ngay khi mở cửa và duy trì đến cuối phiên.
Diễn biến tăng điểm này sẽ còn được duy trì trong các phiên tới với mục tiêu ngắn hạn là khu vực 1.200 điểm. Kháng cự mạnh nhất cho đợt rebound, hồi phục lần này là vùng 1.260-1.280 điểm.
Chúng tôi tiếp tục ưu tiên vị thế nắm giữ để có thể tận dụng tối đa đà tăng giá, hồi phục lần này của thị trường chung.
Trong khi đó, CTCK KB Việt Nam (KBSV) cho biết: Chỉ số VN-Index lập tức mở gap tăng giá ngay từ đầu phiên sau khi có những tín hiệu tích cực từ vòng đàm phán thuế quan và duy trì mốc điểm đó cho đến hết thời gian giao dịch.
Lực cầu áp đảo kéo kịch trần kênh giá phần lớn các mã cổ phiếu và khối lượng khớp bán chủ động gần như cho thấy diễn biến trái ngược trong những phiên trước đó, đang phản ảnh sự hưng phấn cao độ đến từ bên mua.
Vì vậy, chỉ số sẽ còn có thể duy trì sắc xanh với quán tính tăng điểm như hiện tại trước khi bắt đầu ổn định hơn ở vùng giá trên.
Thị trường chứng khoán châu Á tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch 10/4, giữa lúc đợt bán tháo trái phiếu rầm rộ những ngày qua bắt đầu hạ nhiệt sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tạm thời giảm thuế nhập khẩu đối với hàng chục quốc gia.
Tuy nhiên, đà tăng mạnh của chứng khoán Mỹ và đồng USD đã chững lại khi căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu tiếp tục leo thang, còn giới đầu tư bối rối trước sự thay đổi liên tục trong chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Trump.
Tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản kết thúc phiên giao dịch 10/4 với mức tăng điểm lớn thứ hai trong lịch sử, hơn 2.800 điểm, khi những lo ngại quá mức đã lắng xuống sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc tạm hoãn một số mức thuế áp dụng đối với các đối tác thương mại, bao gồm cả Nhật Bản. Chốt phiên, chỉ số Nikkei 225 tăng 2.894,97 điểm, tương đương 9,13%, lên mức 34.609,00 điểm.
Tại thị trường Seoul, tuyên bố tạm hoãn áp thuế của ông Trump cũng góp phần cải thiện tâm lý thị trường, giúp chỉ số KOSPI phục hồi mạnh mẽ từ mức thấp nhất trong 17 tháng ghi nhận vào hôm trước. Đồng won Hàn Quốc đã giao dịch cao hơn đáng kể so với đồng USD. Kết thúc phiên này, chỉ số KOSPI tăng vọt 151,36 điểm, tương đương 6,6%, lên mức 2.445,06 điểm.
Không nằm ngoài xu hướng trên, thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng khép phiên trong sắc xanh, các nhà đầu tư bớt căng thẳng và đặt hy vọng vào các cuộc đàm phán giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, với sự hỗ trợ của thị trường và chính sách từ các công ty nhà nước. Chốt phiên, chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 2,06%, lên 20.681,78 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải tăng 11,16%, lên 3.223,64 điểm.
Sau nhiều phiên bán tháo khiến hàng nghìn tỷ USD vốn hóa bị “thổi bay” khỏi thị trường chứng khoán toàn cầu, và đồng USD cùng trái phiếu chính phủ Mỹ chao đảo, Tổng thống Trump hôm 9/4 bất ngờ tuyên bố hoãn 90 ngày việc áp thuế đối ứng đối với nhiều quốc gia – một động thái được xem là đảo ngược hoàn toàn chính sách trước đó. Tuyên bố này đã kéo theo sự khởi sắc mạnh mẽ của các thị trường chứng khoán.
Cần lưu ý rằng quyết định tạm hoãn áp thuế của ông Trump không áp dụng cho tất cả. Mức thuế cơ sở 10% với gần như toàn bộ hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ vẫn còn hiệu lực. Ngoài ra, các loại thuế áp dụng với xe hơi, thép và nhôm cũng không bị ảnh hưởng.
Dẫu vậy, giới đầu tư dường như chỉ tập trung vào “khoảng nghỉ” 90 ngày mà ông Trump dành cho nhiều nước, thay vì lo ngại sâu rộng về căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn.
Biên bản cuộc họp tháng 3/2025 của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho thấy các nhà hoạch định chính sách ngân hàng này sẽ không vội cắt giảm lãi suất, do kỳ vọng các đợt áp thuế mới sẽ thúc đẩy lạm phát, dù họ cũng lo ngại chính sách thương mại của ông Trump có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế.
© thitruongbiz.vn