Kết thúc phiên giao dịch 22/5 chỉ số VN-Index giảm 9,21 điểm (0,7%) xuống 1.313,84 điểm, còn chỉ số HNX-Index giảm 0,67 điểm (0,31%) xuống 216,79 điểm. Chuyên gia nhận định phiên giao dịch ngày 23/5, các nhà đầu tư nên ưu tiên nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, đầu tư công và bán lẻ.
Chốt phiên 22/5, VN-Index giảm 9,21 điểm so với tham chiếu và giảm 19,11 điểm so với đỉnh phiên, về còn 1.313,84 điểm. Sắc đỏ thống trị sàn HOSE, với 214 mã giảm/98 mã tăng. Thanh khoản cải thiện trong phiên VN-Index giảm điểm, với 1,157 tỷ cổ phiếu khớp lệnh, tương đương giá trị 26.405 tỷ đồng, tăng lần lượt 8,6% và 4,6% so với phiên 21/5.
Nhóm VN30 cũng có phiên giao dịch đáng quên với 24 mã giảm và chỉ 4 mã tăng là VHM (1,19%), GAS (1,16%), MSN (0,63%) và SAB (0,1%). Dù là mã tăng mạnh nhất VN30, trên thực tế, VHM giảm tới 3,4% so với thời điểm chốt phiên sáng. Ngoài VHM, cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup cũng từ tăng hơn 5% ở phiên sáng, đảo chiều giảm 1,07% chốt phiên chiều.
Xét về nhóm ngành, phiên này, nhóm cổ phiếu phần mềm phiên này tiếp tục diễn biến tiêu cực, giảm 1,34%, chủ yếu từ mã FPT, CMG, PAI…
Nhóm cổ phiếu chứng khoán thêm phiên ngập trong sắc đỏ, có mức giảm 0,08%, chủ yếu từ các mã VCI, HCM, MBS, FUEVFVND, FTS, BSI, DSE, CTS, VDS, DSC, TVS… Một vài mã tăng gồm VND, VIX, SHS, VFS, AAS, SBS, CSI…
Tương tự, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng diễn biến tiêu cực, ghi nhận mức giảm 0,75%, chủ yếu từ các mã VCB, BID, TCB, CTG, MBB, VPB, ACB, LPB, STB, HDB… Số ít mã tăng gồm EIB, NVB, VBB, VAB, PGB, KLB…
Nhóm cổ phiếu bất động sản phiên này nghiêng về sắc đỏ và có mức giảm 0,46%, chủ yếu từ các mã VIC, BCM, VRE, SSH, KDH, NVL, VPI, PDR, DXG, SIP, IDC… Chiều ngược lại, các mã tăng gồm VHM, KBC, KSF, TCH, DIG, HDG, VCR, SZC, CRE, SCR, PXL…
Nhóm cổ phiếu năng lượng diễn biến phân hóa, tăng 0,02%, chủ yếu từ các mã BSR, CLM, PVB, … Chiều giảm gồm các mã PVS, PVD, TMB, PVC, POS, TVD…
Nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu phiên này chìm trong sắc đỏ, giảm 1%, chủ yếu từ các mã HPG, GVR, KSV, MSR, BMP, HSG, PHR, VIF, ACG, HT1, HGM, CSV, DPR… Chiều ngược lại, các mã tăng gồm VGC, DCM, NTP, NKG, PTB, DDV, TDP, DNP, BFC, …
Nhóm cổ phiếu bảo hiểm nghiêng về sắc đỏ, giảm 0,95%, chủ yếu từ các mã BVH, PVI, BIC, MIG, BMI, PGI, PRE… Chiều tăng gồm BLI…
Nhóm cổ phiếu bán lẻ ghi nhận mức giảm 0,49%, chủ yếu từ các mã PLX, PNJ, FRT, VFG, CTF, VPG, DP1, CNT, JVC, UNI… Chiều ngược lại, các mã tăng gồm DGW, SAS, PET, PEG, MVC, TLH, PCT, PSD, TSC, CNC, HTL…
Khối ngoại cũng mua ròng gần 6 tỷ đồng trên thị trường UPCOM, trong khi bán ròng khoảng 51 tỷ đồng trên HNX.Thực tế, những chuyển động của thị trường chứng khoán Việt Nam phiên hôm nay khá tương đồng với các thị trường chứng khoán trong khu vực.
Thị trường chứng khoán châu Á và đồng USD đồng loạt giảm trong phiên giao dịch ngày 22/5, trong khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn dài ổn định ở gần mức cao nhất trong 18 tháng.
Nguyên nhân là nhà đầu tư ngày càng lo ngại về triển vọng tài chính xấu đi của Mỹ- nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tâm điểm hiện đang hướng về dự luật cải cách thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump, dự kiến sẽ được Hạ viện đưa ra bỏ phiếu trong vài giờ tới. Nhà đầu tư lo ngại rằng kế hoạch này có thể khiến nợ công của Mỹ tăng thêm khoảng 3.800 tỷ USD, nâng tổng nợ lên khoảng 36.000 tỷ USD.Kết thúc phiên này, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) mất 0,6%.
Tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản chịu áp lực giảm. Chỉ số này đóng cửa ở mức thấp nhất hai tuần, do việc bán tháo các cổ phiếu liên quan đến xuất khẩu khi đồng yen mạnh lên bởi lo ngại về sự suy giảm sức khỏe tài chính của Mỹ. Cụ thể, Nikkei 225 giảm 313,11 điểm (0,84%) so với phiên trước đó, xuống mức 36.985,87 điểm.
Tâm lý thị trường trở nên u ám sau khi Moody’s hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ hồi tuần trước. Đồng thời, xu hướng bán tháo tài sản Mỹ đang dần lan rộng, khiến đồng USD dao động gần mức thấp nhất trong hai tuần so với các đồng tiền chủ chốt khác. Trong bối cảnh lo ngại về khả năng xảy ra suy thoái toàn cầu do chính sách thương mại thất thường của ông Trump, giới đầu tư đang tìm kiếm cơ hội bên ngoài thị trường Mỹ.
Thị trường trái phiếu Nhật Bản cũng đang chịu áp lực khi làn sóng bán ra tiếp diễn. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Nhật kỳ hạn 30 năm hiện ở mức 3,155%, chỉ còn cách mức cao kỷ lục 3,185% của phiên trước đó không xa.Tại thị trường Seoul, chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm hơn 1% trong phiên giao dịch ngày 22/5, khi các nhà đầu tư bán tháo hầu hết các cổ phiếu blue chip sau đà giảm của Phố Wall vào đêm trước.
Kết thúc phiên này, chỉ số Kospi giảm 31,91 điểm, tương đương 1,22%, đóng cửa ở mức 2.593,67 điểm. Tại Trung Quốc, đà tăng của nhóm cổ phiếu ngân hàng và khai khoáng đã không thể bù đắp cho những lo ngại về sức khỏe tài chính của nền kinh tế Mỹ. Khép lại phiên này, chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) giảm 1,2%, xuống 23.547,65 điểm. Còn chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải (Trung Quốc) cũng hạ 0,2%, xuống 3.380,19 điểm.
Theo CTCK Vietcombank (VCBS): Chỉ số có thể sẽ ghi nhận một số nhịp rung lắc nhằm củng cố sức mạnh trước khi tiếp tục chinh phục các vùng đỉnh mới.
Vì vậy, trong giai đoạn này, nhà đầu tư cần tránh mua đuổi các mã cổ phiếu đã có đà tăng dốc trong thời gian qua, cân nhắc chốt lời từng phần các cổ phiếu đã đạt biên lợi nhuận tốt trong danh mục.
Đồng thời, hạ tỷ trọng margin để quản trị rủi ro, cũng như chuẩn bị sức mua để tìm kiếm cơ hội giải ngân các cổ phiếu mục tiêu nếu xuất hiện những nhịp điều chỉnh trong phiên ở những phiên tới.
CTCK Asean: Nhà đầu tư ngắn hạn nên hạn chế mua đuổi, theo dõi chặt chẽ tình hình thuế quan, và xem xét cơ cấu cổ phiếu yếu trong danh mục.
Nhà đầu tư dài hạn có thể cân nhắc giải ngân dần ở những phiên rung lắc, tập trung vào các mã cổ phiếu không bị ảnh hưởng nhiều bởi thuế quan, hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế, kết quả kinh doanh tăng trưởng, định giá hấp dẫn và cổ tức tiền mặt cao, ưu tiên nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, đầu tư công và bán lẻ.
© thitruongbiz.vn