Đây là phiên thứ 3 chỉ số chính liên tiếp đi xuống. Thanh khoản tiếp tục ở mức thấp với 17.000 tỷ đồng được sang tay. Nhà đầu tư nước ngoài mua hơn 1.650 tỷ đồng và bán trên 2.056 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 28/3, VN-Index giảm 6,35 điểm, tương đương 0,48% xuống 1.317,46 điểm; HNX-Index giảm 1,34 điểm xuống 238,2 điểm; UPCOM-Index giảm 0,34 điểm xuống 98,62 điểm. Toàn thị trường có 305 mã tăng và 444 mã giảm. Trong rổ VN30, sắc đỏ có phần áp đảo với 18 mã giảm, 6 mã tăng và 6 mã tham chiếu.
VCB, FPT, HPG và VNM là những mã có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index với hơn 3 điểm giảm. Ở chiều ngược lại, VIC, LPB, BSI và VCF là những mã vẫn giữ được sắc xanh và góp hơn 1,4 điểm vào chỉ số chung.
Xét về nhóm ngành, cổ phiếu công nghệ tiếp đà tiêu cực khi hầu hết đều kết phiên trong sắc đỏ, đơn cử FPT, ST8, CMG, ELC, TTN, SGT, ITD, BTH, HIG, thậm chí TIE còn giảm kịch sàn.
Trong khi đó sắc xanh chiếm ưu thế trong nhóm chứng khoán, đơn cử các mã VND, SSI, HCM, FTS, BSI, AGR, CTS, TVS, ABW, VUA. Dù vậy trong ngành cũng có không ít mã giảm điểm như VCI, ORS, VFS, BVS, DSE, VIG, SBS, TVS, CSI, HBS.
Tổng giá trị khớp lệnh trong phiên hôm nay ở mức 18.662 tỷ đồng, tăng 5% so với hôm trước, trong đó, giá trị khớp lệnh trên sàn HoSE đạt 17.084 tỷ đồng. Tại nhóm VN30, thanh khoản đạt 8.161 tỷ đồng.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng giá trị 407 tỷ đồng phiên hôm nay, trong đó khối này giải ngân 1.650 tỷ đồng và bán ra 2.057 tỷ đồng.
Những mã bị đẩy bán mạnh nổi bật là PNJ 170 tỷ đồng, VNM 148 đồng, FPT 89 tỷ đồng, VCB 61 đồng, SHB 57 tỷ đồng,… Ngược lại, những mã được mua chủ yếu VIX 210 tỷ đồng, VND 75 tỷ đồng, VHM 50 tỷ đồng, GVR 40 tỷ đồng, VCI 37 tỷ đồng,…
Tại thị trường Châu Á, các nhà sản xuất ô tô tiếp tục là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong phiên giao dịch khó khăn 28/3, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế cao đối với xe nhập khẩu, cùng một loạt biện pháp thuế quan khác dự kiến có hiệu lực vào tuần tới.
Tâm lý thị trường đã xấu đi trong những tuần gần đây khi Nhà Trắng kiên trì theo đuổi chính sách cứng rắn, gây ảnh hưởng đến cả đồng minh lẫn đối thủ, đồng thời làm gia tăng lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế.
Cam kết của ông Trump về việc áp thuế 25% đối với tất cả các loại xe nhập khẩu vào Mỹ đã làm lu mờ những tín hiệu trước đó về các biện pháp đáp trả dự kiến có hiệu lực vào "Ngày Giải phóng" (2/4) do ông đề xuất.
Các chính phủ trên khắp thế giới đã phản ứng gay gắt với tuyên bố này. Tuy nhiên, các cảnh báo về biện pháp đáp trả càng làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến thương mại kéo dài, có thể làm gia tăng lạm phát và buộc các ngân hàng trung ương phải điều chỉnh kế hoạch cắt giảm lãi suất.
Chỉ số Nikkei 225 của chứng khoán Nhật Bản giảm 1,8%, còn 37.120,33 điểm, khi giá cổ phiếu của các hãng xe lớn như Toyota, Honda, Nissan và Mazda giảm từ 1,3% đến 3,9%. Giá cổ phiếu của Nippon Steel cũng lao dốc sau khi công ty này tuyên bố sẽ đầu tư tới 7 tỷ USD để nâng cấp hệ thống của US Steel, nếu thương vụ mua lại khổng lồ này được thông qua. Trước đó, Nippon Steel chỉ dự kiến đầu tư 2,7 tỷ USD.
Tương tự, tại Thượng Hải, chỉ số Shanghai Composite giảm 0,7% còn 3.351,31 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) hạ 0,8% xuống còn 23.391,19 điểm. Chỉ số Kospi của Seoul giảm 1,9%, với cổ phiếu của Hyundai mất 2,6%. Lo ngại về thuế quan cũng khiến các thị trường chứng khoán tại Singapore, Wellington, Mumbai và Bangkok chìm trong sắc đỏ. Tuy nhiên, thị trường Sydney và Manila ghi nhận mức tăng nhẹ.
Sự không chắc chắn xung quanh chính sách của ông Trump và các tác động dài hạn đã khiến nhà đầu tư rút khỏi các tài sản rủi ro, đổ dồn vào các kênh trú ẩn an toàn như vàng. Các chuyên gia nhận định, dù vẫn còn hy vọng vào khả năng đàm phán với Mỹ để giảm bớt mức thuế, nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn chọn chiến lược "chờ và quan sát".
URL: https://thitruongbiz.vn/vn-index-mat-moc-1320-diem-d27870.html
© thitruongbiz.vn