VN-Index phiên 21/4 lùi sát về mốc 1.200 điểm khi hàng loạt cổ phiếu trụ chìm trong "sắc đỏ".
Chốt phiên giao dịch ngày 21/4, VN-Index giảm 12,05 điểm xuống 1.207,07 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 880,8 triệu đơn vị, tương ứng hơn 18.641 tỷ đồng.
Toàn sàn có 181 mã tăng giá, 339 mã giảm giá và 63 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 1,63 điểm xuống 211,47 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 80 triệu cổ phiếu, tương ứng gần 1.123 tỷ đồng. Toàn sàn có 63 mã tăng giá, 108 mã giảm giá và 46 mã đứng giá.
UPCOM-Index giảm 0,4 điểm xuống 90,9 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 35,1 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 582,8 tỷ đồng. Toàn sàn có 129 mã tăng giá, 146 mã giảm giá và 96 mã đứng giá.
Rổ cổ phiếu VN30 có 19 mã giảm giá, trong khi chỉ có 9 mã tăng giá và 2 mã đứng giá. Đáng chú ý, VIC giảm 6,96% xuống giá sàn 290.400 đồng/cổ phiếu.
Cùng đó, một loạt cổ phiếu đầu ngành như GVR giảm 3,27%, VJC giảm 2,89%, BVH giảm 2,22%, HPG giảm 1,96%, SSI giảm 1,93%...Sắc đỏ cũng chiếm ưu thế tại nhóm cổ phiếu ngân hàng.
LPB giảm 2,51%, BID giảm 1,95%, HDB giảm 1,92%, ACB giảm 1,63%, SSB giảm 1,55%, VPB giảm 1,47%, MBB giảm 1,29%.
Ở chiều tăng giá, đáng chú ý có STB tăng 4,93%, SHB tăng 2,72%, TPB tăng 2,65%, KLB tăng 1,8%. Hai mã VCB và VIB tăng rất nhẹ.
Sắc đỏ tràn ngập nhóm cổ phiếu chứng khoán và dầu khí. Hầu hết các nhóm cổ phiếu còn lại diễn biến phân hóa với sắc xanh, đỏ đan xen.
Điểm tích cực là khối ngoại tiếp tục mua ròng phiên thứ 2 liên tiếp với khoảng 172 tỷ đồng trên toàn thị trường.
Khối ngoại mua ròng gần 172 tỷ đồng trên HoSE. FPT được mua ròng mạnh nhất toàn thị trường (157 tỷ đồng). Tiếp đến, VIC được mua ròng 153 tỷ đồng.
Thị trường khép lại phiên đầu tuần với mức giảm hơn 12 điểm khi sắc đỏ chiếm gần gấp đôi số mã tăng, đáng chú ý là thanh khoản sụt giảm khá mạnh, cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang giao dịch khá thận trọng.
Nhà đầu tư nước ngoài chiều nay mua ròng tích cực 367,7 tỷ đồng trên HoSE trong khi phiên sáng còn bán ròng 195,6 tỷ. Khối này giảm mạnh quy mô bán ra tới 39% so với buổi sáng chỉ còn 611,7 tỷ đồng. Ngược lại phía mua tăng 22% lên 979,4 tỷ.
Phân tích kĩ thuật, VCBS cho rằng, VN-Index kết phiên với nến đỏ tương tự Marubozu cho thấy áp lực kiểm tra cung-cầu ở vùng kháng cự 1.220-1.230 điểm chưa kết thúc. Ở khung đồ thị ngày, chỉ báo RSI và MACD gần như chuyển động đi ngang và chưa có vận động gì đáng chú ý thể hiện cho việc VN-Index vẫn đang trong diễn biến kiểm tra động lực ở khu vực 1.220 điểm. Mặc dù áp lực bán chiếm ưu thế trong phiên, nhưng thanh khoản duy trì ở mức thấp hơn trung bình 20 phiên cho thấy dòng tiền vẫn đang luân chuyển trong thị trường, do đó kỳ vọng chỉ số chung sẽ sớm tìm được điểm cân bằng trong ngắn hạn.
Ở khung đồ thị giờ, chỉ báo MACD và RSI có tín hiệu hình thành phân kỳ âm, tuy nhiên chưa có sự đồng thuận với khung ngày nên phần nào giảm thiểu rủi ro biến động mạnh. Tuy nhiên, hai đường +/-DI tiếp tục vận động đan xen nên xác suất cao diễn biến giằng co, tăng giảm vẫn sẽ là vận động chính của VN-Index trong ngắn hạn.
Về chiến lược giao dịch, VCBS cho rằng, VN-Index vẫn đang trong nhịp kiểm tra động lực ở vùng 1.200-1.220 điểm, do đó diễn biến tăng giảm đan xen trong các phiên gần đây là điều thường thấy. Các doanh nghiệp tiếp tục công bố kết quả kinh doanh quý I/2025 trong tuần này và do đó dòng tiền sẽ phân hóa hơn khi tìm đến các nhóm ngành có triển vọng và kết quả cao.
Tại châu Á, chỉ số CSI300 blue-chip của Trung Quốc đóng cửa phiên giao dịch tăng 0,3%, trong khi chỉ số Shanghai Composite tăng 0,45% lên 3.291,43 điểm. Trong khi đó chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 450,36 điểm (1,3%) xuống 34.279,92 điểm. Chỉ số TAIEX của vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) giảm hơn 1%.
Chuyên gia đầu tư Charu Chanana tại Saxo ở Singapore cho biết: "Thị trường đã rất lo lắng do căng thẳng địa chính trị gia tăng và giờ đây sự can thiệp của ông Trump vào Fed có thể tạo thêm bất ổn nữa".
Chính sách thuế quan của Mỹ đã gây ra sự xáo trộn trên thị trường tài chính. Điều này dẫn đến việc bán tháo trái phiếu kho bạc và đồng USD vào tháng 4/2025 khiến nhiều nhà đầu tư nghi ngờ về các công cụ bảo toàn tài sản của Mỹ. Những lời chỉ trích của Tổng thống Trump nhắm vào Fed và ông Jerome Powell trong tuần qua càng làm suy yếu thêm niềm tin vào tài sản Mỹ.
© thitruongbiz.vn