Giới chuyên gia khuyến nghị các nhà đầu tư tận dụng những nhịp rung lắc trong phiên để giải ngân từng phần ở những cổ phiếu đã khả dụng trong danh mục. Các nhóm ngành có thể cân nhắc giải ngân lướt sóng ngắn hạn: chứng khoán, ngân hàng, bất động sản.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 26/11, VN-Index đứng ở mức 1.234,7 điểm, tương ứng tăng 6,6 điểm (0,54%) so với phiên cuối tuần trước. Đây là phiên tăng điểm thứ 3 trong 4 phiên gần nhất của VN-Index, tương đương mức tăng ròng 29,55 điểm.
Toàn sàn HoSE có 223 mã tăng, 135 mã giảm và 94 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,96 điểm (0,43%) lên 222,25 điểm, với 77 mã tăng, 73 mã giảm và 60 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,12 điểm (0,13%) lên 91,82 điểm.
Rổ cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 cũng đóng góp 18 mã tăng (gồm POW tăng trần), 7 mã giữ tham chiếu và 5 mã giảm. Chỉ số đại diện rổ tăng nhẹ lên 1.291 điểm.
Cổ phiếu bất động sản tuy tăng điểm với biên độ không quá lớn, nhưng các cổ phiếu trụ đều tăng tích cực và đóng góp lớn cho chỉ số chung. Trong đó, VHM và VIC tăng lần lượt 2,6% và 1,4%, trực tiếp đóng góp vào chỉ số VN-Index 1,68 điểm.
Tích cực hơn cả trong phiên 25/11 là cổ phiếu ngành điện. POW duy trì đà tăng trong suốt phiên chiều, tăng kịch biên độ lên 12.150 đồng/CP với 18,6 triệu đơn vị giao dịch khớp lệnh. Tương tự, cổ phiếu KHP của CTCP Điện lực Khánh Hòa cũng tăng trần trên sàn HOSE lên 12.850 đồng/CP. Nhiều mã trong ngành tăng điểm tích cực khác có thể kể đến VCP (4,6%), REE (3,4%), GEG (1,9%)…
Nhóm cổ phiếu chứng khoán phiên này cũng có diễn biến khá tích cực, với mức tăng 0,70%, chủ yếu từ các mã SSI, VCI, VND, HCM, VIX, MBS, FTS, SHS, CTS, AGR, ORS, VDS, TVS, VFS... Các mã giảm gồm DSC, APG, AAS, TVB, EVS...
Nhóm cổ phiếu ngân hàng diễn biến phân hóa, có mức tăng nhẹ 0,24%, chủ yếu từ các mã VCB, CTG, STB, VIB, TPB, SHB, EIB... Trái lại, các mã giảm gồm BID, MBB, ACB, SSB, MSB, NAB, ABB, PGB...
Nhóm cổ phiếu bán lẻ cũng diễn biến khá tích cực với mức tăng 0,23%, chủ yếu từ các mã PLX, FRT, OIL, SAS, HHS, PET, CTF, CLX, VPG... Ngược lại, các mã giảm gồm DGW, VFG, HTM, HTC...
Tương tự, nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu cũng có mức tăng nhẹ 0,16%, chủ yếu từ các mã HPG, DGC, NTP, ACG, TVN, DPR, AAA, TDP, DDV, LAS, RTB... Chiều giảm gồm các mã DCM, DPM, HSG, BMP, VIF, CSV...
Thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở mức thấp và sụt giảm so với phiên trước. Tổng khối lượng giao dịch trên HoSE đạt 497,8 triệu cổ phiếu, giảm 7% so với phiên trước. Tổng giá trị giao dịch trên HoSE giảm 6% xuống mức 11.954 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đạt 2.695 tỷ đồng, tăng đến gần 21%. Giao dịch trên HNX cũng diễn ra ảm đạm với giá trị giao dịch giảm 14,5% xuống mức 695 tỷ đồng. Giá trị giao dịch trên UPCoM chỉ đạt hơn 314 tỷ đồng, giảm mạnh 40%.
Kết thúc phiên 25/11, thị trường Châu Á ghi nhận chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Tokyo tăng 1,3% lên 38.780,14 điểm. Chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong (Trung Quốc) giảm 0,4% xuống 19.150,99 điểm, chỉ số Shanghai Composite của sàn giao dịch Thượng Hải giảm 0,1% xuống 3.263,76 điểm.
Thị trường Sydney, Seoul, Singapore, Đài Bắc, Mumbai, Bangkok, Wellington, Manila và Jakarta cũng ghi điểm.
Các nhà đầu tư đã đưa ra tín hiệu tích cực trước thông tin Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã chọn nhà đầu tư tỷ phú Scott Bessent làm người đứng đầu Bộ Tài chính, với sự lạc quan rằng ông sẽ có cách tiếp cận thận trọng đối với nền kinh tế. Hồi đầu tháng này, ông Bessent nói sẽ khuyến nghị các quy định về thuế được áp dụng theo từng bước. Ông ủng hộ việc Mỹ thoát khỏi các khoản nợ lớn và việc cải cách thuế cũng như bãi bỏ quy định, đặc biệt là thúc đẩy hoạt động cho vay ngân hàng và sản xuất năng lượng.
Nhà phân tích thị trường cấp cao Priyanka Sachdeva tại Phillip Nova cho biết, các nhà giao dịch sẽ theo dõi dữ liệu chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ, dự kiến sẽ được công bố vào thứ Tư (27/11) để có thêm manh mối về cuộc họp chính sách của Fed dự kiến diễn ra vào ngày 17 - 18/12. Các nhà đầu tư cũng đang chờ đợi biên bản cuộc họp tháng 11/2024 của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), dữ liệu GDP (sửa đổi lần đầu) và chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi, tất cả đều dự kiến được công bố trong tuần này.
Nhận định thị trường ngày mai 26/11, CTCK AIS cho rằng:
Chỉ số VN-Index tiếp tục có phiên hồi phục với khối lượng giao dịch ở mức thấp cho thấy lực cầu vẫn còn khá thận trọng, tuy nhiên áp lực bán ra cũng đã giảm bớt.
Trong những phiên tới, kỳ vọng chỉ số sẽ tiếp tục có vận động tích lũy tích cực trong vùng 1.220-1.240 điểm. Kháng cự gần nhất là vùng 1.240-1.255 điểm (quanh vùng giá trị của đường MA20 và MA200 ngày).
Vượt qua vùng kháng cự này, thì đợt điều chỉnh ngắn hạn vừa qua sẽ kết thúc để hình thành xu thế tăng giá ngắn hạn mới.
Theo CTCK Vietcombank (VCBS), thị trường vẫn duy trì được động lực hồi phục ổn định và áp lực chốt lời chưa quá lớn nên vẫn có thể kì vọng vào xu hướng tăng ngắn hạn.
Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư tận dụng những nhịp rung lắc trong phiên để giải ngân từng phần ở những cổ phiếu đã khả dụng trong danh mục.
Ngoài ra, có thể chọn lọc những cổ phiếu có xu hướng ổn định bám sát đường MA20, thu hút được dòng tiền giải ngân và dư địa tăng còn đáng kể từ vùng hỗ trợ, thuộc nhóm ngành có kỳ vọng kết quả kinh doanh quý IV/2024 để tham gia giải ngân.
Các nhóm ngành có thể cân nhắc giải ngân lướt sóng ngắn hạn: chứng khoán, ngân hàng, bất động sản.
URL: https://thitruongbiz.vn/vn-index-hoi-phuc-thi-truong-chung-khoan-ngay-26-11-co-kich-tran-d26295.html
© thitruongbiz.vn