VN-Index có phiên tăng thứ 3 liên tiếp. Áp lực chốt lời có hiệu tăng khi VN-Index tiệm cận mốc tâm lý 1.300 điểm khiến đà tăng bị thu hẹp khi kết phiên. Chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư có thể cân nhắc khai thác cơ hội mua ngắn hạn các cổ phiếu có diễn biến khởi sắc, đồng thời chốt lời những cổ phiếu đã tăng nhanh đến vùng cản
Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/1, VN-Index tăng 4,42 điểm (0,34%) lên 1.292,98 điểm. HNX-Index tăng 0,23 điểm (0,1%) lên 238,02 điểm. UPCoM-Index tăng 0,74 điểm (0,74%) lên 100,08 điểm.
Số mã tăng giá trong phiên hôm nay 437, trong khi có 341 mã giảm và 781 mã đứng giá/không giao dịch. Toàn thị trường ghi nhận 41 mã tăng trần nhưng cũng có 10 mã giảm sàn.
Trong số 10 mã đóng góp nhiều nhất vào chỉ số VN-Index với tổng cộng gần 5,3 điểm thì cổ phiếu nhà Vin là VHM và VIC đóng góp tổng cộng gần 2 điểm; trong đó VHM đóng góp nhiều nhất với xấp xỉ 1,5 điểm khi mã này tăng giá 3,71%, VIC tăng giá 1,36%.
Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng có có mức tăng 1,22%, chủ yếu từ các mã VHM, VIC, BCM, VRE, VPI, NVL, IDC, NLG... Chiều giảm gồm các mã SSH, KBC, SIP, PDR, KSF, DIG...
Nhóm cổ phiếu bán lẻ nghiêng về sắc đỏ nhưng vẫn có mức tăng nhẹ 0,16%, chủ yếu từ các mã MWG, HAX, CTF, PEG… Chiều giảm gồm PLX, PNJ, FRT, OIL, DGW, HHS, PET, HTM, VFG…
Nhóm cổ phiếu ngân hàng diễn biến phân hóa, có mức tăng 0,35%, chủ yếu từ các mã BID, CTG, TCB, VPB, HDB, ACB, TPB, NAB, MSB… Trái lại, các mã giảm gồm LPB, SHB, OCB, BAB…
Tương tự, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng tăng giảm đan xen, có mức tăng nhẹ 0,17%, chủ yếu từ các mã VND, VIX, MBS, FTS, SHS… Các mã giảm gồm SSI, BSI, CTS, ORS, VDS, AGR…
Nhóm cổ phiếu bảo hiểm phiên này cũng tăng khá tốt, với mức 0,78%, chủ yếu từ các mã BVH, PVI, BIC, BMI, PTI, PRE… Trái lại, các mã giảm gồm VNR, MIG, ABI.
Nhóm cổ phiếu phần mềm diễn biến tiêu cực, giảm 0,69%, chủ yếu từ hai mã FPT và CMG.
Tổng khối lượng giao dịch trên HoSE phiên hôm nay đạt gần 771 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch là 16.293 tỷ đồng, giảm 7% so với phiên trước, trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm 1.302 tỷ đồng. Giá trị giao dịch trên HNX và UPCoM đạt lần lượt 1.276 tỷ đồng và 938 tỷ đồng.
TCB đứng đầu về giao dịch toàn thị trường với giá trị 559 tỷ đồng. VIX và FPT giao dịch lần lượt 552 tỷ đồng và 485 tỷ đồng.
Khối ngoại bán ròng trở lại khoảng 340 tỷ đồng trên toàn thị trường. FPT bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất với 149 tỷ đồng. MWG và VCB bị bán ròng lần lượt 77 tỷ đồng và 60 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VHM được mua ròng mạnh nhất với 47 tỷ đồng. GVR và VCI được mua ròng lần lượt 46 tỷ đồng và 45 tỷ đồng.
Theo CTCK Kiến Thiết Việt Nam (CSI): VN-Index có phiên tăng thứ 3 liên tiếp. Áp lực chốt lời có hiệu tăng khi VN-Index tiệm cận mốc tâm lý 1.300 điểm khiến đà tăng bị thu hẹp khi kết phiên. Thanh khoản vẫn duy trì ở mức cao với khối lượng khớp lệnh vượt mức trung bình 20 phiên (+31,3%).
Kết phiên, VN-Index xuất hiện nến Doji cho thấy xu hướng tăng điểm có tín hiệu chững lại, nhưng chưa có dấu hiệu xác nhận sự đảo chiều.
Xu hướng tăng điểm theo quan điểm của chúng tôi sẽ vẫn còn tiếp diễn trong các phiên tới với kỳ vọng hướng tới ngưỡng kháng cự đầu tiên, mốc 1.307 điểm.
Vì vậy, chúng tôi kiên nhẫn với vị thế nắm giữ danh mục và tận dụng các nhịp rung lắc của thị trường chung để gia tăng thêm tỷ trọng các mã đang có lợi nhuận.
CTCK KB Việt Nam (KBSV): Sau khi mở gap tăng giá từ đầu phiên, điểm số có phần chững lại một phần dưới áp lực chốt lời.
Mặc dù VN-Index hình thành nến "Doji" cho thấy thế giằng co là diễn biến chính, độ rộng của thị trường vẫn nghiêng nhiều về chiều hướng khả quan khi thành quả tăng điểm vẫn được giữ nguyên, và lực cầu nâng đỡ tốt khi xuất hiện lực bán gia tăng.
Nhiều khả năng chỉ số còn có thể mở rộng điểm số lên vùng kháng cự xa hơn với tâm lý thị trường hiện tại. Tuy nhiên, vẫn không loại trừ rủi ro có thể xuất hiện nhịp phân phối lớn tại quanh vùng đỉnh của năm 2024.
Công ty Chứng khoán VCBS nhận định bức tranh bứt phá của thị trường chưa rõ nét và cần được củng cố từ sự đồng thuận của dòng tiền và nhóm cổ phiếu lớn.
Thế nên, nhà đầu tư cân nhắc chốt lời từng phần đối với cổ phiếu ghi nhận đà tăng mạnh và xuất hiện tín hiệu điều chỉnh ở vùng giá cao. Cạnh đó, người "chơi" chứng khoán chỉ nên nắm giữ những cổ phiếu thu hút lực cầu ấn tượng.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) khuyến cáo áp lực chốt lời có thể gây sức ép cho thị trường trong phiên giao dịch tiếp theo. Tuy nhiên, dự kiến dòng tiền sẽ tiếp tục hỗ trợ và thị trường sẽ hồi phục trở lại để tiếp tục hướng đến vùng kháng cự 1.300 – 1.310 điểm.
"Nhà đầu tư có thể cân nhắc khai thác cơ hội mua ngắn hạn các cổ phiếu có diễn biến khởi sắc, đồng thời chốt lời những cổ phiếu đã tăng nhanh đến vùng cản"- VDSC khuyến nghị.
© thitruongbiz.vn