VN-Index mất 5,29 điểm (-0,4%), xuống 1.330,97 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 903,4 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch 19.698 tỷ đồng cho thấy tâm lý nhà đầu tư thận trọng hơn.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 18/3, VN-Index giảm 5,29 điểm (-0,40%), xuống 1.330,97 điểm. HNX-Index tăng 0,26 điểm (+0,11%), lên 247,03 điểm. UpCoM-Index giảm 0,14 điểm (-0,14%), xuống 100,29 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 903,3 triệu đơn vị, giá trị 19.697,9 tỷ đồng, giảm nhẹ 7% về khối lượng và 5% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 93,2 triệu đơn vị, giá trị 2.340 tỷ đồng.
Nhóm VN30 có tới 21 cổ phiếu giảm, tuy nhiên mức giảm đều không đáng ngại, với VPB dẫn đầu cũng chỉ để mất gần 2% xuống 19.750 đồng. Theo sau là VHM, STB, MSN, VRE, CTG, VIC, MBB với mức giảm nhẹ từ 1% đến 1,7%.
Xét về nhóm ngành, phiên này, nhóm cổ phiếu bất động sản phiên này chìm trong sắc đỏ, giảm 0,95%, chủ yếu từ các mã VIC, VHM, VRE, KDH, KBC, NVL, SIP, PDR, DXG, NLG, DIG… Chiều ngược lại, các mã tăng gồm SSH, KSF, VPI, IDC, HDG, SNZ…
Tương tự, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng bị sắc đỏ lấn át, có mức giảm 0,63%, chủ yếu từ các mã VCB, BID, CTG, TCB, VPB, MBB, HDB, STB, VIB, SSB, TPB, EIB, MSB… Một vài mã tăng như ACB, LPB, SHB, ABB…
Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng diễn biến tiêu cực, giảm 0,61%, chủ yếu từ các mã SSI, VCI, HCM, VIX, MSB, FTS, BSI, SHS, CTS, VDS… Các mã tăng gồm VND, DSE, DSC, APG, VFS…
Nhóm cổ phiếu bán lẻ có sự phân hóa, giảm 0,14%, chủ yếu từ các mã MWG, FRT, DGW, SAS, VFG, HTM, PEG… Các mã tăng gồm PLX, PNJ, OIL, PET, HHS, VPG…
Tương tự, nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu cũng diễn biến phân hóa, giảm 0,12%, chủ yếu từ các mã HPG, MSR, HSG, NTP, VCS, PHR, NKG, VIF… Chiều ngược lại, các mã tăng gồm GVR, DGC, KSV, VGC, DCM, BMP, ACG…
Nhóm cổ phiếu năng lượng phiên này diễn biến tích cực, tăng 2,41%, chủ yếu từ các mã PVS, PVD, TMB, POS, PVC, CLM, PVB, MDC… Chiều giảm gồm các mã CST, TVD, NBC, HLC…
Nhóm cổ phiếu bảo hiểm phiên này cũng diễn biến phân hóa, tăng 0,24%, chủ yếu từ các mã BVH, MIG, PTI, BMI, ABI… Chiều tăng gồm PVI, VNR, BIC, PGI…
Phân tích kĩ thuật, VCBS cho biết, VN-Index kết phiên giảm điểm do áp lực điều chỉnh lan tỏa diện rộng vào phiên chiều. Ở khung đồ thị ngày, chỉ báo RSI và MACD có tín hiệu hình thành phân kỳ âm giúp giải thích cho diễn biến rung lắc trong phiên hôm nay. Cùng với đó, nhiều nhóm cổ phiếu đã có nhịp tăng tốt đi cùng VN-Index trong thời gian vừa qua cũng chịu áp lực chốt lời và điều chỉnh gây áp lực lên chỉ số chung. Tuy nhiên, đường +DI và ADX tiếp tục neo giữ trên mốc 31 nên kỳ vọng thị trường sẽ sớm lấy lại cân bằng và vận động tích lũy quanh vùng điểm 1.310-1.320 điểm.
Ở khung đồ thị giờ, chỉ số chung điều chỉnh về đường MA20 sau khi chạm dải biên trên dải Bollinger band. Đồng thời, chỉ báo RSI và MACD đồng thuận hình thành phân kỳ âm với khung ngày nên xác suất thị trường tiếp tục xảy ra rung lắc trong ngắn hạn là điều khó tránh và vùng hỗ trợ gần nhất là khu vực quanh mốc 1.310 điểm.
VCBS cho rằng, thanh khoản mua chủ động có phần chững lại với sự gia tăng của áp lực bán cho thấy tâm lý thận trọng đang dần hiện hữu.
Về kỹ thuật, VN-Index giảm hơn 5 điểm và hình thành cây nến đỏ thân lớn với phạm vi biến động bao trùm toàn bộ nến trước đó cho thấy bên bán đã lấy lại ưu thế tại vùng điểm số trên 1.330 điểm. Dù vậy thân nến giảm chưa bao phủ hết nến trước để hình thành bộ Bearish Engulfing, nhưng RSI cho tín hiệu phân kỳ cho thấy rủi ro điều chỉnh đã tăng lên.
Thanh khoản thị trường chứng khoán hôm nay tiếp tục giảm cho thấy tâm lý nhà đầu tư thận trọng hơn. Nhiều mã không thu hút lực cầu giá lên tốt, tuy nhiên áp lực điều chỉnh ở nhiều mã vẫn đang tương đối bình thường.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có một giai đoạn tăng trưởng ấn tượng từ đầu năm 2025, với VN-Index bứt phá mạnh từ vùng 1.250 điểm lên tiệm cận ngưỡng kháng cự quan trọng 1.340 – 1.350 điểm. Do đó, trong ngắn hạn, khả năng thị trường tích lũy là điều có thể xảy ra do những tác động từ yếu tố vĩ mô bên ngoài cũng như áp lực chốt lời từ đà tăng mạnh trước đó. Đây được cho là nhịp tích lũy bình thường trong xu hướng tăng.
Ngược chiều VN-Index, thị trường chứng khoán châu Á tăng điểm trong phiên giao dịch chiều 18/3, tiếp nối đà khởi sắc từ Phố Wall. Trong đó, kết quả kinh doanh tích cực của các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc đã thúc đẩy đà tăng tại thị trường Hong Kong (Trung Quốc).
Chốt phiên, chỉ số Nikkei 225 của thị trường Tokyo (Nhật Bản) tăng 1,2% lên 37.845,42 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) tăng 2,5% lên 24.740,57 điểm và chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải (Trung Quốc) tăng 0,1% lên 3.429,76 điểm. Thị trường chứng khoán Sydney, Seoul, Singapore, Mumbai và Bangkok cũng ghi nhận mức tăng điểm.
Các nhà giao dịch khởi đầu tuần mới một cách tích cực sau khi cuối tuần trước Bắc Kinh đã công bố loạt biện pháp nhằm kích thích tiêu dùng của người dân Trung Quốc.
Chỉ số Hang Seng của Hong Kong đã tăng hơn 20% từ đầu năm đến nay và tiếp tục tăng 2,5% vào ngày 18/3, dẫn đầu đà tăng trưởng nhờ lực mua mạnh mẽ từ các công ty công nghệ Trung Quốc như Alibaba, Tencent và JD.com. Cổ phiếu của công ty sản xuất xe điện BYD cũng tăng mạnh sau khi công bố công nghệ pin sạc đầy trong 5 phút.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn lo ngại về tác động của cuộc chiến thương mại do Mỹ khởi xướng đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Mặc dù có những tín hiệu tích cực, nhưng chuyên gia Stephen Innes của công ty quản lý tài sản SPI Asset Management vẫn cảnh báo các nhà đầu tư rằng không nên quá lạc quan trước cuộc khủng hoảng thuế quan đang diễn ra tại Washington.
Trong tuần này, thị trường sẽ chờ đợi quyết định chính sách tiền tệ từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) và Ngân hàng Trung ương Vương quốc Anh (BoE). Theo dự đoán của các chuyên gia, cả ba ngân hàng trung ương này sẽ giữ nguyên lãi suất.
URL: https://thitruongbiz.vn/vn-index-bi-thoi-bay-hon-5-diem-tam-ly-nha-dau-tu-than-trong-hon-d27699.html
© thitruongbiz.vn