Trong báo cáo xếp hạng Top 300 Thương hiệu Ngân hàng giá trị nhất thế giới năm 2019 (Banking 500 - The world’s most valuable banking brands), VietinBank là ngân hàng Việt đầu tiên được điểm tên, theo Brand Finance.
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam, tên giao dịch VietinBank, là một ngân hàng thương mại Nhà nước Việt Nam có mã CTG trên HOSE. Tên đăng ký tiếng Anh là VIETNAM JOINT STOCK COMMERCIAL BANK FOR INDUSTRY AND TRADE.
VietinBank chính thức thành lập 26 tháng 3 năm 1988, sau khi tách ra từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ngân hàng có trụ sở chính số 108 phố Trần Hưng Đạo, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.
Ngân hàng VietinBank có vị thế hơn 30 năm hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng |
Ban đầu, ngân hàng có tên giao dịch ban đầu là IncomBank. Tới năm 2008, đơn vị này đổi tên thành Vietinbank.
Hiện nay, ngân hàng có tổng cộng 1 Sở giao dịch, 150 Chi nhánh và trên 1000 Phòng giao dịch/Quỹ tiết kiệm trên khắp các tỉnh, thành phố tại Việt Nam, với 23.000 cán bộ, nhân viên làm việc. Cuối năm 2018, ngân hàng có tổng số vốn điều lệ lên tới 37,2 nghìn tỷ đồng và vốn chủ sở hữu là 67,4 nghìn tỷ đồng.
Hiện tại, ban lãnh đạo của Vietinbank gồm có:
Hội đồng quản trị: Ông Lê Đức Thọ là Chủ tịch HĐQT và 8 thành viên còn lại là ông Trần Minh Bình, ông Trần Văn Tần, bà Trần Thu Huyền, ông Nguyễn Thế Huân, bà Phạm Thị Thanh Hoài, ông Masahiko Oki, ông Shiro Honjo và bà Nguyễn Thị Bắc.
Ban điều hành: Ông Trần Minh Bình là Tổng Giám đốc, 7 Phó Tổng giám đốc là ông Nguyễn Đức Thành, bà Lê Như Hoa, ông Nguyễn Hoàng Dũng, bà Nguyễn Hồng Vân, ông Trần Công Quỳnh Lân, ông Nguyễn Đình Vinh, ông Masahiko Oki và 1 Kế toán trưởng là ông Nguyễn Hải Hưng.
Ban Kiểm soát: Bà Lê Anh Hà là Trưởng Ban Kiểm soát và 2 thành viên là ông Nguyễn Mạnh Toàn, bà Nguyễn Thị Anh Thư.
VietinBank là ngân hàng Việt đầu tiên lọt Top 300 Thương hiệu Ngân hàng giá trị nhất thế giới. |
Từ ngày đầu thành lập năm 1988 tới năm 2008, ngân hàng chính thức đổi tên và logo thành Vietinbank, thay thế hoàn toàn logo cũ là IncomBank. Tới tháng 9 năm 2008, đơn vị chính thức được phê duyệt phương án cổ phần hóa Ngân hàng Công thương Việt Nam bởi Thủ tướng Chính phủ.
Đến tháng 12 cùng năm, Vietinbank đã tổ chức IPO thành công và tới tháng 7 năm 2009, ngân hàng chính thức được Sở giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) chấp thuận niêm yết và lên sàn chứng khoán với mã cổ phiếu là CTG.
Tính tới thời điểm này, Vietinbank đã đi qua 30 năm xây dựng và phát triển, đạt được những bước tiến lớn.
Từ hệ thống chỉ có hơn 10.000 người, với Hội sở chính ở Hà Nội (chưa tới 100 người) và 32 chi nhánh cấp I và 42 chi nhánh cấp II, đến nay, VietinBank đã mở rộng ra khắp cả nước với 1 Trụ sở chính, 2 Văn phòng Đại diện, 9 đơn vị sự nghiệp, 155 CN cùng gần 1.000 PGD. Tổng số cán bộ, nhân viên làm việc đã lên tới 23.000 người.
Về tổng tài sản tăng từ 718 tỷ đồng (1988) lên đến gần 1.100.000 tỷ đồng (2017), vốn chủ sở hữu tăng từ 22 tỷ đồng lên tới trên 63.000 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ là 37.234 tỷ đồng. Hai mức tăng lần lượt là 1.500 lần và 2.800 lần là những con số đáng kinh ngạc của VietinBank.
Hiện nay, ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam đang tiến hành mở rộng phạm vi hoạt động không chỉ trong nội địa, mà còn tiến tới nước ngoài. VietinBank đã thành lập NH 100% vốn tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, đặt 2 CN tại Cộng hòa Liên bang Đức và lập Văn phòng Đại diện tại Cộng hòa Liên bang Myanmar.
Ngân hàng đã đạt nhiều bước tiến lớn, được đông đảo khách hàng tin dùng |
VietinBank đã xây dựng được quan hệ hợp tác dưới hình thức tổ chức là NHTM cổ phần, với hai cổ đông chiến lược là Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và The Bank of Tokyo Mitsubishi-UFJ, Ltd. (BTMU) của Nhật Bản.
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng tiến hành tham gia góp vốn vào NH liên doanh IndovinaBank (NH liên doanh hoạt động hiệu quả nhất tại Việt Nam) và có một số công ty trực thuộc.
VietinBank hiện có quan hệ đại lý với hơn 1.000 ngân hàng tại trên 90 quốc gia trên thế giới.
Với bề dày lịch sử như vậy, VietinBank đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào, trong đó bao gồm:
Đạt danh hiệu Anh hùng Lao động và Huân chương Độc lập hạng Nhất do Đảng và Nhà nước phong tặng;
Top dẫn đầu Thương hiệu mạnh Việt Nam 2017;
Top 10 trong 500 Doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất 2017;
Là ngân hàng Việt đầu tiên vào Top 300 Thương hiệu Ngân hàng giá trị nhất thế giới theo Brand Finance;
Giá trị thương hiệu đạt 252 triệu USD với Sức mạnh Thương hiệu A+ do Brand Finance định giá;
Có mức tín nhiệm bằng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia theo S&P xếp hạng;
6 năm liên tiếp nằm trong Top 2000 Doanh nghiệp lớn nhất thế giới theo xếp hạng của Forbes.
Đây là những kết quả ghi nhận và khẳng định quá trình phát triển không ngừng nghỉ của VietinBank trong suốt nhiều năm dài.
Tại Việt Nam, vụ án Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt hơn 4.911 tỷ Việt Nam đồng xảy ra tại VietinBank được coi là một trong những vụ án lớn nhất trong lịch sử ngành Ngân hàng. Mức độ thiệt hại của vụ án với nguy cơ mất trắng 3.300 tỷ đồng là lớn nhất từ trước đến thời điểm đấy.
Trong vòng 5 năm từ năm 2007 đến năm 2011, các đối tượng đã huy động tổng số tiền lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng trong vụ án này. Trong đó, các nạn nhân bao gồm 3 cá nhân, 4 ngân hàng và 9 công ty, bao gồm cả chính Ngân hàng Công Thương (Vietinbank).
Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên là Phó phòng quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) chi nhánh TP.HCM, Quyền Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ. Như và đồng bọn đã tiến hành huy động vốn với lãi suất cao , lên tới trên 14%, chưa kể 8-10%/năm được trả thêm ngoài hợp đồng.
Hình ảnh Huỳnh Thị Huyền Như bị xét xử trong "Đại án kinh tế" liên quan tới VietinBank. |
Thông qua các hợp đồng giả và chữ ký giả, nhiều doanh nghiệp và cá nhân đã bị lừa đảo, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng. Đặc biệt, 3 công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát và Công ty Hưng Yên thì thiệt hại khoảng 1.600 tỷ đồng.
Với thủ đoạn khôn khéo, Như và đồng bọn thậm chí tạo dựng được uy tín rất lớn thông qua những giao dịch sòng phẳng cho các cá nhân đã "tạo điều kiện". Vụ việc diễn ra trong một thời gian dài, khiến con số thiệt hại của các nạn nhân gia tăng chóng mặt.
Ngoài ra, Như còn tham gia đánh tráo hồ sơ mở tài khoản, làm giả các lệnh chi để chuyển tiền, rút tiền, chiếm đoạt hơn 1.600 tỷ từ tài khoản tiền gửi của doanh nghiệp cũng như cá nhân đang là khách hàng tại Ngân hàng Công thương.
Ngay tại VietinBank, Huyền Như tự ý dùng chữ ký giả, lập 83 thẻ tiết kiệm do Ngân hàng phát hành trị giá 533,55 tỷ đồng đứng tên các khách hàng. Sau đó, Như lại dùng các thẻ tiết kiệm này để làm tài sản bảo đảm, lập hợp đồng giả để vay 514,54 tỷ đồng tại 2 phòng giao dịch Điện Biên Phủ và Đinh Tiên Hoàng.
Khi vụ việc bị phanh phui, Huỳnh Thị Huyền Như (sinh năm 1978) bị bắt giam vào tháng 9 năm 2011 để điều tra. Tại đây, cơ quan điều tra phát hiện Như có mượn tiền của giới tín dụng đen để kinh doanh, “lướt sóng” nhà đất và cổ phiếu với mức lãi cắt cổ (0,4-2%/ngày).
Gặp đúng thời điểm giá cổ phiếu và nhà đất lao dốc, món nợ cả gốc cả lãi lên đến 200 tỷ đồng, Như không đủ khả năng chi trả, phải khất nợ tín dụng đen nhiều lần nên còn bị nâng mức lãi phạt lên tới 5-8%/ngày. thường xuyên bị nhắn tin đe dọa, Như đã nảy ra ý định lừa đảo và chiếm đoạt tiền gửi trái pháp luật như trên.
Đến khi số tiền lên đến con số khổng lồ gần 4.000 tỷ đồng thì thủ đoạn gian dối của Như bị lật tẩy. Theo bản cáo trạng dày 72 trang của VKSND Tối cao về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Huỳnh Thị Huyền Như bị tuyên án chung thân.
© thitruongbiz.vn