Tính toán dựa trên nguyên tắc chi phí cho nhà ở không quá 30% thu nhập, thì mỗi tháng mỗi cá nhân hoặc hộ gia đình nói trên phải “kiếm” được 90 triệu để đảm bảo cân bằng tài chính.
Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), với khoản vay 2,5 tỷ đồng, nếu người mua nhà lựa chọn gói vay ưu đãi lãi suất 4% trong 6 tháng đầu, ân hạn nợ gốc trong 5 năm và mức lãi suất ưu đãi dao động từ 11%-14%, thì họ sẽ chỉ phải trả 8,3 triệu đồng/tháng trong 6 tháng đầu.
Tuy nhiên, con số này nhanh chóng tăng lên 22,9-29 triệu đồng/tháng trong 5 năm tiếp theo và từ 50-63 triệu đồng/tháng trong 15 năm còn lại nếu chọn phương án trả góp cố định. Mặt khác, nếu sử dụng phương thức trả góp theo dư nợ giảm dần, tháng đầu tiên sau thời gian ưu đãi (tháng 61) khách hàng sẽ phải trả 36,8-43,1 triệu đồng, sau đó dần giảm xuống còn 14,2 triệu đồng/tháng.
Trường hợp người mua nhà vay 2,5 tỷ đồng trong 20 năm với lãi suất cố định 8%/năm trong 5 năm đầu và từ 11%-14% trong 15 năm tiếp theo, khoản phải trả hàng tháng cũng không hề nhỏ. Cụ thể, trong 5 năm đầu, khách hàng phải chi 20,8 triệu đồng/tháng, sau đó tăng lên 23,3-27,5 triệu đồng/tháng trong 15 năm còn lại nếu trả góp cố định.
Đối với phương án dư nợ giảm dần, tháng đầu tiên, người mua nhà phải thanh toán 27,1 triệu đồng, sau đó giảm dần về 20,7 triệu đồng trong 5 năm đầu và từ 30,2 triệu đồng (11%) đến 35,3 triệu đồng/tháng (14%) trong tháng thứ 61, sau đó giảm dần còn 11,7 triệu đồng/tháng trong 15 năm tiếp theo.
Theo phương án nào ở trên, người vay mua nhà trong 20 năm đều phải chi trung bình 27-30 triệu đồng/tháng, một con số không nhỏ đối với người trẻ.
Tính toán dựa trên nguyên tắc chi phí cho nhà ở không quá 30% thu nhập, thì mỗi tháng mỗi cá nhân hoặc hộ gia đình nói trên phải “kiếm” được 90 triệu để đảm bảo cân bằng tài chính. Trong khi thực tế, rất ít người trẻ đạt được mức thu nhập có thể được coi là mơ ước này.
Đồng thời, việc vay mua nhà khi tài chính chưa ổn định có thể đẩy nhiều người trẻ vào vòng xoáy nợ nần kéo dài. Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp sau khi hết thời gian ưu đãi, lãi suất tăng khiến khoản tiền phải trả hàng tháng vượt quá khả năng chi trả, hoặc biến động kinh tế làm giảm thu nhập, đã buộc người vay phải bán nhà để trả nợ.
Do đó, người mua cần cố gắng tiết kiệm ít nhất 30 - 50% giá trị căn nhà trước khi vay để giảm áp lực trả nợ. Nếu chọn vay, người mua nhà cần tính toán kỹ lưỡng mức lãi suất sau thời gian ưu đãi để đảm bảo khả năng chi trả lâu dài và cố gắng tìm kiếm các nguồn thu nhập khác để đảm bảo khả năng trả nợ trong dài hạn.
Đại diện VARS cho rằng, trong thời gian tới, nếu không có những chính sách hỗ trợ thực sự hiệu quả từ chính phủ và doanh nghiệp, giấc mơ an cư của người trẻ vẫn sẽ là một bài toán nan giải.
Giá nhà tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng hay TP HCM đã tăng mạnh trong nhiều năm qua. Dữ liệu nghiên cứu của VARS cho thấy, giá bán thứ cấp căn hộ chung cư trung bình tại 2 đô thị đặc biệt đã đạt xấp xỉ ở mức 50 triệu đồng/m2. Nhờ động lực dẫn dắt từ thị trường sơ cấp với giá bán sơ cấp trung bình đạt trên 70 triệu đồng/m2, khi các dự án mở bán mới đều có mức giá trên 60 triệu đồng/m2.
Đáng chú ý, số lượng dự án mở bán mới có giá trên 100 triệu mỗi m2 tăng lên đáng kể trong khi các dự án có giá dưới 50 triệu gần như "biến mất" khỏi thị trường, kể cả ở khu vực nội đô hay ngoại thành.
Trên thực tế mức thu nhập trung bình của người trẻ dao động từ 15 – 25 triệu đồng/tháng, việc mua một căn hộ 60m2 có giá từ 3 – 5 tỷ đồng là điều không tưởng nếu không có sự hỗ trợ tài chính từ các gói vay hay từ gia đình.
© thitruongbiz.vn