Từ ngày 15/5, thành phố Hội An (Quảng Nam) thực hiện bán vé khách theo tour, nhưng không bắt buộc khách lẻ phải mua vé khi vào phố cổ ăn uống, chụp ảnh. Cụ thể, Hội An sẽ tập trung kiểm soát khách du lịch theo tour có hướng dẫn viên.
Chiều 11/5, UBND thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) tổ chức họp báo về công tác tổ chức quản lý hoạt động tham gia khu phố cổ Hội An khi triển khai mở rộng đề án “Phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ” từ ngày 15/5 tới.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND thành phố Hội An, việc bán vé tham quan vào phố cổ Hội An đã được triển khai từ năm 1995. Cơ cấu giá vé hiện tại được niêm yết từ năm 2012 với 80.000 đồng/khách trong nước và 120.000 đồng/khách quốc tế. Cơ sở của việc bán vé được căn cứ theo Luật Di sản, Luật Du lịch, các văn bản của HĐND, UBND tỉnh Quảng Nam.
“Việc bán vé tạo nguồn thu bảo tồn di sản được làm theo thông lệ quốc tế. Với những “di sản sống” như Hội An, Trung Quốc có mô hình Phượng Hoàng Cổ trấn, Hàn Quốc có làng cổ Hahoe. Những di sản khác ở Việt Nam cũng đang bán vé tham quan như Hạ Long, Đại nội Huế, Tràng An – Ninh Bình… Nguồn thu từ bán vé đã góp phần đưa Hội An từ một di sản bên bờ sụp đổ với những công trình sập xệ, nay ngày càng đẹp, vững chãi hơn. Đơn cử như việc trùng tu chùa Cầu (đang được triển khai) cần kinh phí đến 20 tỷ đồng”, ông Nguyễn Văn Sơn thông tin.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Sơn, việc chấn chỉnh kiểm soát vé tham quan vùng lõi khu phố cổ còn giúp hạn chế tình trạng thất thoát tiền vé. Năm 2019 (trước dịch Covid-19), Hội An thu 300 tỷ đồng tiền vé/năm. Tuy nhiên, hết quý I/2023, nguồn thu từ bán vé chỉ là 40 tỷ đồng.
Để thực hiện mục tiêu nói trên, từ ngày 15/5, Hội An sẽ tập trung kiểm soát vé tham quan với khách đi theo đoàn. Xe đưa đón du khách sẽ tập kết ở bãi xe 332 Lý Thường Kiệt và bãi xe Thanh Hà. Từ đó có xe điện trung chuyển khách tham quan vào trung tâm phố cổ tại 3 điểm đón trả khách là: Quảng trường sông Hoài, khu vực sân bảo tồn và số 8 Hoàng Diệu.
Với khách lẻ, lực lượng chức năng tuyên truyền để nhân dân tự nguyện đóng góp kinh phí trùng tu di tích, nhưng không bắt buộc phải mua vé tham quan khu phố cổ. Thành phố cũng không triển khai các cửa kiểm soát vé phân biệt du khách hay người dân phố cổ như thông tin trước đó. “Tinh thần của Hội An là thực hiện hết sức nhẹ nhàng, văn minh, không ảnh hưởng đời sống người dân, du khách”, ông Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh.
Không bắt buộc khách lẻ mua vé vào phố cổ Hội An. Ảnh: Sinh Lê |
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, nhờ nguồn thu từ tiền bán vé mà gần 30 năm qua đã sửa chữa, trùng tu nhiều di tích ở Hội An. Cũng nhờ tiền từ bán vé mà nhiều sản phẩm du lịch phát triển phục vụ du khách, cũng như hỗ trợ lại cho di tích tư nhân.
Quá trình thực hiện đề án sẽ chặt chẽ, nhân văn không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống người dân, không ngăn sông hay dùng biện pháp cứng rắn làm ảnh hưởng đến hình ảnh Hội An nhân tình thuần hậu.
Trước ý kiến cho rằng, việc thành phố siết chặt hoạt động kiểm soát vé tham quan sẽ gây ảnh hưởng hoạt động kinh doanh trong khu vực phố cổ, người đứng đầu chính quyền TP. Hội An quả quyết, thành phố không khuyến khích các hoạt động kinh doanh buôn bán trong phố cổ vì quá trình kinh doanh sẽ làm mất đi cái hồn của phố cổ.
Hiện nay, gần 70% di tích trong phố cổ được tư nhân nơi khác tới mua hoặc thuê buôn bán, kinh doanh, chỉ còn hơn 30% là người dân gốc sinh sống trong phố cổ. Vì vậy, thành phố đang xây dựng phương án từng bước đưa người dân vào sống trong khu vực phố cổ nhằm tăng hồn phố lên.
Ông Sơn thừa nhận, Hội An hiện quá xô bồ, như dịp lễ 30/4 vừa qua, khách vào khu vực phố cổ quá đông, nhất thời điểm buổi chiều không có chỗ chen chân. Áp lực đè nặng lên di sản rất lớn, khiến di sản mau xuống cấp, các sản phẩm du lịch dù có cố gắng vẫn không thể tổ chức tốt được.
Từ ngày 15/5 tới, việc mở rộng không gian Đề án “Phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ” trên tuyến đường Phan Châu Trinh cũng chính thức được triển khai. Thời gian hoạt động từ 17h30 đến 21h30 vào mùa hè và đến 21h vào mùa đông, tất cả các ngày trong tuần.
© thitruongbiz.vn