Xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng với tốc độ nhanh nhất vào tháng 10, trước thềm bầu cử Mỹ. Các nhà máy gấp rút đưa hàng tồn kho ra các thị trường lớn để ứng phó với khả năng Mỹ và Liên minh châu Âu áp thêm thuế. Mối đe dọa về một cuộc chiến thương mại hai mặt trận hiện đang hiện rõ hơn bao giờ hết sau chiến thắng của Donald Trump.
Chiến thắng áp đảo của Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đã nhấn mạnh lời cam kết của ông về việc áp thuế trên 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều này có khả năng thúc đẩy xu hướng dịch chuyển hàng hóa trở lại các kho ở thị trường xuất khẩu lớn nhất thế giới - Trung Quốc.
Mối đe dọa về thuế quan của Trump đang làm các chủ nhà máy và quan chức Trung Quốc lo lắng, khi có khoảng 500 tỷ USD hàng hóa mỗi năm có nguy cơ bị ảnh hưởng. Đồng thời, căng thẳng thương mại với Liên minh châu Âu (EU) cũng đang gia tăng. EU đã nhập khẩu 466 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào năm ngoái.
Xuất khẩu đã trở thành một điểm sáng cho nền kinh tế đang chật vật của Trung Quốc, khi niềm tin của hộ gia đình và doanh nghiệp bị suy giảm do khủng hoảng nợ trong thị trường bất động sản kéo dài.
Theo dữ liệu hải quan của Trung Quốc được công bố hôm nay, các lô hàng từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt xa mức tăng 5,2% dự báo trong cuộc khảo sát của Reuters và cao hơn nhiều so với mức tăng 2,4% của tháng 9. Ngược lại, nhập khẩu giảm 2,3%, lần đầu tiên chuyển sang mức âm sau bốn tháng.
Thặng dư thương mại của Trung Quốc đã tăng lên 95,27 tỷ USD trong tháng trước, từ 81,71 tỷ USD trong tháng 9.
Chúng ta có thể kỳ vọng vào một đợt đẩy mạnh xuất khẩu trong quý 4 trước khi áp lực thực sự bắt đầu vào năm 2025. Tôi cho rằng điều này chủ yếu là do Trump. Mối đe dọa đang trở nên rõ ràng hơn.
"Hiệu ứng Trump"
Xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đã tăng 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng trước, trong khi lượng hàng xuất sang châu Âu cũng tăng 12,7% cùng thời gian này.
Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy các sản phẩm xuất khẩu hàng đầu sang Mỹ năm ngoái bao gồm điện thoại thông minh, máy tính bảng và máy chơi trò chơi điện tử. Như vậy, khả năng cao là một kịch bản lặp lại khi Trump đã từng nhắm vào các nhà sản xuất điện tử của Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu tiên.
Tuy nhiên, nhu cầu đối với những sản phẩm này đang suy giảm. Dữ liệu thương mại từ Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) cho thấy nhu cầu toàn cầu đang chững lại, trong khi các nhà sản xuất Đức cũng báo cáo khó khăn trong việc tìm kiếm người mua ở nước ngoài. Điều này khiến các nhà phân tích kết luận rằng các nhà sản xuất Trung Quốc chỉ đang giảm giá để thu hút khách hàng hoặc đơn giản là chuyển hàng tồn kho ra khỏi Trung Quốc.
Chúng tôi dự đoán xuất khẩu sẽ tiếp tục mạnh mẽ trong những tháng tới. Bất kỳ tác động nào từ thuế quan của Trump có thể sẽ không xuất hiện cho đến nửa cuối năm sau. Bước trở lại của Trump có thể tạo ra một cú hích ngắn hạn cho xuất khẩu của Trung Quốc khi các nhà nhập khẩu Mỹ tăng mua hàng để đi trước các khoản thuế.
Một cuộc khảo sát hoạt động nhà máy chính thức cho tháng 10 cũng cho thấy các nhà máy Trung Quốc vẫn đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm người mua nước ngoài. "Nếu chỉ số phụ xuất khẩu mới của PMI đang giảm, trong khi con số xuất khẩu lại tăng, tôi cho rằng có thể đây là sự dịch chuyển tồn kho," Dan Wang, một nhà kinh tế Trung Quốc tại Thượng Hải, nhận định.
Xuất khẩu cũng được hỗ trợ nhờ sự giảm bớt gián đoạn do thời tiết vào tháng 9, cho phép họ gửi đi các đơn hàng bị trì hoãn trước đó. Cổ phiếu Trung Quốc và Hồng Kông đã tăng nhẹ vào thứ Năm nhờ lạc quan của nhà đầu tư về các biện pháp kích thích kinh tế tiềm năng, trong khi đồng nhân dân tệ hồi phục từ mức thấp nhất trong ba tháng so với đồng đô la.
Theo các nhà phân tích, đồng Nhân dân tệ yếu hơn có thể đã góp phần vào sự gia tăng xuất khẩu. Điều này cũng đồng nghĩa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn.
Nhập khẩu của Trung Quốc từ Liên minh châu Âu và các nền kinh tế Đông Nam Á đã giảm lần lượt 6,1% và 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng trước, trong khi lượng mua từ Nhật Bản chỉ tăng nhẹ. Lượng nhập khẩu dầu của Trung Quốc – quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới – giảm 9%, đánh dấu tháng thứ sáu liên tiếp giảm so với năm trước.
"Việc tăng trưởng nhập khẩu chậm lại chủ yếu do sự phục hồi yếu kém của nhu cầu hiệu quả trong nước, giá nhập khẩu thấp và nền tảng so sánh tăng cao," Zhou Maohua, nhà nghiên cứu kinh tế vĩ mô tại Ngân hàng Everbright Trung Quốc, nhận định.
Tuy nhiên, nhập khẩu đậu nành của Trung Quốc đã tăng mạnh trong tháng qua. Nguyên nhân là các nhà thương mại ngũ cốc tại Mỹ chạy đua để vận chuyển mùa vụ thu hoạch đạt mức kỷ lục tới Trung Quốc trước kỳ bầu cử Mỹ.
Nhìn chung, khi cỗ máy thương mại của Trung Quốc đối mặt với nhiều thách thức, các nhà kinh tế đã khuyến cáo Bắc Kinh không nên quá phụ thuộc vào xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng và đề nghị các quan chức đưa ra thêm các biện pháp kích thích kinh tế.
Các nhà phân tích tại ANZ dự đoán các nhà hoạch định chính sách sẽ triển khai một loạt các biện pháp tiền tệ và phi tiền tệ để đối phó với các mức thuế cao hơn dưới thời Trump.
Chính quyền cũng sẽ xem xét một số chính sách nhằm giảm thiểu tác động của thuế quan, chẳng hạn như trợ cấp hoặc tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn. Các biện pháp thương mại khác có thể bao gồm chiến dịch khuyến khích tiêu dùng nội địa và phát triển thị trường xuất khẩu mới trong các quốc gia thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường.
© thitruongbiz.vn