Ngày 22/11/2024, Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố Top 10 công ty uy tín ngành dược và thiết bị y tế, chăm sóc sức khỏe năm 2024.
Theo Vietnam Report, Top 10 công ty uy tín ngành dược và thiết bị y tế, chăm sóc sức khỏe năm 2024. được đánh giá, xếp hạng dựa trên 3 tiêu chí chính, gồm: năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất; uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng; khảo sát các đối tượng liên quan được thực hiện trong tháng 10 - 11/2024.
Cục diện thị trường và tầm nhìn dài hạn
Sau năm 2023 khởi sắc, đà tăng trưởng của ngành Dược và Thiết bị y tế, Chăm sóc sức khoẻ (TBYT-CSSK) chậm lại trong 10 tháng đầu năm 2024, nhất là ở quý I và II. Theo khảo sát của Vietnam Report, bức tranh doanh thu không biến động quá mạnh so với cùng kỳ năm trước, song tỷ lệ doanh nghiệp sụt giảm về lợi nhuận tăng lên đáng kể (+16,4%). Nguyên nhân đến từ biến động giá nguyên liệu đầu vào, sức mua sụt giảm do xu hướng thắt chặt chi tiêu, một số sản phẩm hỗ trợ chống dịch chậm luân chuyển và sự cạnh tranh trên thị trường.
Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam đang từng bước chuyển sang pha phục hồi với sự cải thiện rõ rệt ở nhiều chỉ số là nền tảng vững chắc hỗ trợ cho động lực tăng trưởng của ngành. Theo khảo sát của Vietnam Report, 66,6% số doanh nghiệp lạc quan về triển vọng thị trường trong năm 2025. Kênh phân phối thuốc ở các bệnh viện (ETC), vốn chiếm ưu thế trong doanh thu của ngành, được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ chính sách bảo hiểm y tế toàn dân, việc nới lỏng các quy chế đấu thầu thuốc trong bệnh viện và nhu cầu về sản phẩm dược phẩm chuyên biệt. Trong khi đó, kênh phân phối qua nhà thuốc (OTC) dù tăng trưởng doanh thu không quá ấn tượng song cũng được đa số doanh nghiệp kỳ vọng sẽ có nhiều chuyển biến tích cực hơn.
Về dài hạn, ngành Dược và TBYT-CSSK Việt Nam được đánh giá có sức bật mạnh mẽ với nhiều động lực như: (1) Chính sách hỗ trợ của Chính phủ và những điều chỉnh, bổ sung trong Luật Dược; (2) Nhu cầu dược phẩm và CSSK tăng khi Việt Nam đang trong quá trình già hóa dân số và tỷ lệ mắc bệnh không lây nhiễm ngày càng phổ biến; (3) Người tiêu dùng ngày càng ý thức về sức khỏe và chủ động phòng ngừa bệnh tật trong khi thu nhập khả dụng tăng; (4) Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tạo cơ hội mở rộng mạng lưới phân phối, tăng cường độ phủ thương hiệu, thúc đẩy hợp tác, tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Đặc biệt, ghi nhận từ khảo sát của Vietnam Report, các doanh nghiệp nhận định môi trường kinh doanh mới với hành lang pháp lý rõ ràng là cơ hội để doanh nghiệp định hướng cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo. Top 5 chính sách ưu tiên theo kiến nghị của doanh nghiệp bao gồm: Hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý về hoạt động sản xuất và lưu thông dược phẩm, TBYT-CSSK (70,6%); Đơn giản hoá thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (64,7%); Hoàn thiện và minh bạch quy trình đấu thầu tại các bệnh viện (47,1%); Phát triển, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia toàn diện về dược phẩm và TBYT, ứng dụng Big Data (47,1%); Đẩy mạnh công tác quản lý chất lượng sản phẩm (41,2%).
Vươn tầm trong thời kỳ hội nhập
Theo đánh giá của các doanh nghiệp, quá trình hội nhập sâu rộng mang lại tiềm năng, từ thu hút đầu tư nước ngoài, mở rộng thị trường xuất khẩu, tiếp cận công nghệ sản xuất tiên tiến và tiêu chuẩn quản trị chất lượng, đến cải thiện hiệu quả chuỗi cung ứng và quản lý nguồn nguyên liệu.
Tuy nhiên, ngành Dược và TBYT-CSSK tại Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức như hạn chế về cơ sở hạ tầng, trình độ kỹ thuật, công nghệ hay hạn chế về quy mô doanh nghiệp dược phẩm trong nước… Để tạo bước đột phá, ngành Dược và TBYT-CSSK cần những nỗ lực tổng thể, không chỉ nhằm củng cố vị thế trong nước mà còn để tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Doanh nghiệp cần tìm ra điểm khác biệt và tạo dựng giá trị riêng, đồng thời xây dựng một thương hiệu mạnh và uy tín.
Một điểm đáng chú ý trong kết quả phân tích Media Coding là sự gia tăng của chủ đề “Vị thế thị trường”, với sự tăng trưởng liên tục từ năm 2020 và vươn lên vị trí thứ năm về lượng thông tin mã hóa trong năm qua. Điều này có thể được lý giải bởi nhu cầu ngày càng cao trong việc khẳng vị thế của doanh nghiệp, không chỉ trong nội bộ ngành mà còn trong mắt công chúng, nhà đầu tư và các đối tác quốc tế. Chủ đề “Sản phẩm” vẫn duy trì vị trí dẫn đầu, phản ánh sự tập trung mạnh mẽ của doanh nghiệp vào việc truyền tải thông tin về các sản phẩm, chất lượng dịch vụ, công nghệ dược phẩm tiên tiến, cũng như sự đổi mới trong sản xuất.
© thitruongbiz.vn