Tin bất động sản ngày 4/1 đáng chú ý với thông tin trong năm 2023, Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ thanh tra UBND tỉnh, chủ đầu tư, nhà đầu tư, các tổ chức, đơn vị có liên quan về chấp hành quy định trong hoạt động kinh doanh bất động sản... tại 7 tỉnh thành và các sản phẩm tại dự án Cát Tường Smart City Bắc Ninh có giá bán trên thị trường từ 30 - 50 triệu đồng/m2...
Trao đổi tại cuộc họp báo cuối năm của Bộ Xây dựng mới đây, theo ông Uy, trong hoạt động kinh doanh bất động sản, nhiều chủ đầu tư bán hàng không công bố thông tin, bán hàng khi chưa đủ điều kiện…
Trước thực tế trên, trong năm 2023, Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ thanh tra UBND tỉnh, chủ đầu tư, nhà đầu tư, các tổ chức, đơn vị có liên quan về chấp hành quy định trong hoạt động kinh doanh bất động sản, việc xây dựng hạ tầng tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị tại 7 địa phương: Thái Nguyên, Thái Bình, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Vĩnh Long, Sóc Trăng, An Giang.
Cũng theo ông Uy, ghi nhận thực tế cho thấy, nhiều chủ đầu tư xây dựng các dự án khu đô thị thiếu hạ tầng đồng bộ như trường học, bãi đỗ xe…
“Năm 2023, Thanh tra Bộ Xây dựng vẫn tập trung vào vấn đề hạ tầng đô thị tại nhiều địa phương”, ông Uy thông tin.
Vị lãnh đạo cho hay, Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ tập trung thanh tra lĩnh vực quy hoạch xây dựng tại Lạng Sơn, Bắc Giang, Bình Phước.
Bên cạnh đó, thanh tra một số dự án do bộ, ngành, địa phương và tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư, Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ thanh tra công tác quản lý hoạt động xây dựng tại dự án có tổng mức đầu tư trên 100 tỉ đồng tại 3 đơn vị, gồm: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Quảng Ninh; Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh - Bộ Giao thông Vận tải; Ban Quản lý dự án 4 - Cục Đường bộ Việt Nam.
Bộ Xây dựng sắp thanh tra nhiều điểm nóng trong kinh doanh bất động sản. Ảnh minh họa |
Trong năm 2022, Thanh tra Bộ Xây dựng đã thực hiện 20 đoàn theo kế hoạch và đột xuất. Trong đó, 6 đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất tại 22 đơn vị thuộc Bộ, gồm thanh tra mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, Kít xét nghiệm, vacxin, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ; Thanh tra tại Tổng công ty Sông Hồng theo Nghị quyết số 14-NQ/BCSĐ ngày 27/12/2021 của Ban cán sự Đảng Bộ Xây dựng; Xác minh nội dung tố cáo của Trường Cao đẳng Nam Định; Thanh tra đột xuất mua sắm tài sản, trang thiết bị tại Cty CP Xi măng Hạ Long; Trường cao đẳng quốc tế Lilama 2 theo văn bản chỉ đạo của Ủy ban kiểm tra Trung ương và Lãnh đạo Bộ, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đầu tư công của Bộ Xây dựng tại 14 đơn vị được Bộ giao làm chủ đầu tư đối với 21 dự án, với tổng mức đầu tư tổng cộng là 2.766 tỷ đồng.
Ban hành 44 kết luận thanh tra tại UBND tỉnh Bắc Ninh, Ban QLDA Thăng Long Bộ GTVT và Bệnh viện Xây dựng; Sở Quy hoạch Kiến trúc thành phố Hà Nội, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, các chủ đầu tư dự án, công trình và tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch được duyệt tại khu vực hai bên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình, Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính; các chủ đầu tư trong công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư và UBND tỉnh trong việc dành quỹ đất để 20% để phát triển nhà ở xã hội tại Bắc Giang, Quảng Ninh, Bình Dương, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng.
Kiến nghị xử lý về kinh tế số tiền 228,5 tỷ đồng. Ban hành 13 quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 3,2 tỷ đồng.
Văn phòng UBND TP Hà Nội vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn liên quan đến chủ trương đầu tư dự án nhà ở xã hội trên 2 khu đất 339 Lĩnh Nam, và khu đất 4-6-8 ngõ 321 Vĩnh Hưng, phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, việc xem xét chủ trương đầu tư 2 dự án nhà ở xã hội nêu trên đã được UBND TP chỉ đạo tại Thông báo số 564 ngày 15/11/2022 của Văn phòng UBND TP.
Đồng thời, lãnh đạo UBND TP đã trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư; Quy hoạch – Kiến trúc và sở, ngành Thành phố liên quan triển khai khẩn trương đúng quy định.
Cùng với đó, lãnh đạo UBND TP yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư rút kinh nghiệm và phải khẩn trương, nghiêm túc chủ trì, đôn đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc (có ý kiến chính thức thống nhất với Sở Kế hoạch và Đầu tư về vấn đề phân bổ dân số theo quy hoạch đã được chỉ đạo tại Thông báo số 564, hoàn thành trước ngày 29/12) và các đơn vị thực hiện, tổng hợp báo cáo UBND TP trước ngày 30/12/2022 theo nhiệm vụ đã được giao và phải tập trung giải quyết dứt điểm trong tháng 1/2023.
Theo thông tin từ phía Công ty TNHH Hòa Bình, đơn vị đang quản lý, sử dụng 2 khu đất 339 Lĩnh Nam, và khu đất 4-6-8 ngõ 321 Vĩnh Hưng. Hai khu đất này, Công ty Hòa Bình được Nhà nước cấp quyền sử dụng đất lâu dài, có hợp đồng thuê đất và đóng tiền sử dụng đất hằng năm.
Theo quy hoạch được duyệt, 2 khu đất có chức năng xây dựng nhà ở cao tầng, và đã được UBND TP Hà Nội chấp thuận cho đầu tư dự án nhà ở thương mại, dịch vụ, văn phòng. Tháng 12/2021 Công ty Hòa Bình đã có tờ trình, gửi hồ sơ đề xuất TP Hà Nội cho xây dựng nhà ở xã hội trên 2 khu đất 339 Lĩnh Nam, và khu đất 4-6-8 ngõ 321 Vĩnh Hưng.
Tháng 4/2022, công ty Hòa Bình đã tổ chức hội nghị giới thiệu căn hộ mẫu tại dự án nhà ở xã hội 339 Lĩnh Nam, với giá bán nhà cam kết từ 17-18 triệu đồng/m2.
Dự án nhà ở xã hội tại số 4-6-8 ngõ 321 phố Vĩnh Hưng, P.Thanh Trì đã thi công xong phần móng, đang tạm dừng hơn 1 năm nay. Ảnh: Doanh nhân Việt Nam |
Cũng theo Công ty Hòa Bình, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã tiếp nhận hồ sơ, ban hành phiếu hẹn đến ngày 22/02/2022 và ngày 29/4/2022 sẽ trả kết quả chấp thuận thuận chủ trương đầu tư đồng thời công nhận chủ đầu tư dự án. Tuy nhiên đến nay đã quá thời hạn trả kết quả hơn 300 ngày.
Trước đó, trên Báo Thanh niên, ông Nguyễn Hữu Đường, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hòa Bình, cho biết đã có báo cáo Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND TP Hà Nội về những dấu hiệu làm không đúng quy định của pháp luật trong việc chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án nhà ở xã hội cao tầng tại địa chỉ 393 Lĩnh Nam, P.Vĩnh Hưng và số 4-6-8 ngõ 321 phố Vĩnh Hưng, P.Thanh Trì. Cả 2 dự án nhà ở xã hội này đều thuộc quận Hoàng Mai.
Cụ thể, hồ sơ tài liệu khi doanh nghiệp làm việc với Hà Nội xin chủ trương đầu tư dự án thể hiện, Công ty CP Nông sản Agrexim (Công ty Agrexim) và Công ty CP Đầu tư kinh doanh bất động sản và thương mại Vĩnh Hưng (Công ty Vĩnh Hưng) đã ủy quyền cho Công ty Hòa Bình toàn quyền thay mặt Liên danh thực hiện các thủ tục pháp lý của Dự án nhà ở xã hội cao tầng tại số 393 Lĩnh Nam và Dự án nhà ở xã hội cao tầng tại số 4-6-8 ngõ 321 phố Vĩnh Hưng.
Theo đó, Công ty Hòa Bình được ủy quyền đại diện Liên danh làm việc với UBND TP Hà Nội và các sở, ngành liên quan đến xin chấp thuận chủ trương đầu tư dự án; với Sở QH-KT xin chấp thuận quy hoạch tổng mặt bằng 1/500 và phương án kiến trúc; với Sở TN-MT chuyển mục đích sử dụng đất; với Sở Xây dựng xin cấp phép xây dựng…
Báo cáo của Công ty Hòa Bình - đại diện Liên danh gửi Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho rằng quá trình thực hiện thủ tục pháp lý 2 dự án nhà ở xã hội kể trên đã thể hiện dấu hiệu làm chưa đúng quy định pháp luật của Ban Cán sự Đảng UBND TP Hà Nội trong việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở xã hội.
Các hồ sơ tài liệu cũng thể hiện, Công ty Agexim và Công ty Vĩnh Hưng có quyền sử dụng hợp pháp 2 khu đất kể trên, không nợ tiền thuế đất đối với nhà nước, tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật về quản lý sử dụng đất.
Khu đất 393 Lĩnh Nam thuộc ô quy hoạch F4, Quy hoạch phân khu đô thị H2-4, đã được UBND phê duyệt có diện tích hơn 3.500 m2 do Công ty Agrexim quản lý, sử dụng, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ tháng 9.1989 với thời hạn sử dụng lâu dài. Công ty Agexim được Chi cục Thuế quận Hoàng Mai xác nhận không nợ các khoản nghĩa vụ tài chính về tiền đất đối với ô đất 393 Lĩnh Nam.
Còn ô đất tại địa chỉ 4-6-8 ngõ 321 Vĩnh Hưng thuộc ô quy hoạch F1 Quy hoạch phân khu đô thị H2-4 đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt. Khu đất này có diện tích hơn 8.700 m2 do Công ty Vĩnh Hưng quản lý, sử dụng, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ tháng 3.2007. Công ty Vĩnh Hưng cũng được Cục thuế Hà Nội xác nhận không nợ tiền thuế đất.
Về quy hoạch, 2 khu đất kể trên thuộc khu vực phải di dời cơ sở sản xuất, kho bãi không phù hợp quy hoạch ra khỏi nội đô Hà Nội. Đồng thời, theo Quy hoạch phân khu đô thị H2-4 đã được phê duyệt, 2 khu đất thuộc chức năng đất nhà ở với mật độ xây dựng khoảng 20 - 70%, tầng cao từ 5 - 35 tầng.
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có quyết định ban hành quy định về hạn mức giao đất, hạn mức công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân; điều kiện tách thửa, hợp thửa theo từng loại đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh. Quyết định nói trên có hiệu lực từ ngày 10/01/2023.
Đáng chú ý là quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất sau khi trừ diện tích đất quy hoạch phải thu hồi theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, đối với đất ở tại đô thị, thửa đất tiếp giáp với đường giao thông có bề rộng chỉ giới đường đỏ (quy hoạch) từ 19m trở lên diện tích tối thiểu được tách thửa phải từ 45m2 trở lên và chiều rộng mặt tiền, chiều sâu thửa đất phải từ 5m trở lên.
Đối với thửa đất tiếp giáp với đường giao thông có bề rộng chỉ giới đường đỏ từ 10m đến dưới 19m diện tích tối thiểu được tách thửa phải từ 36m2 trở lên và chiều rộng mặt tiền, chiều sâu thửa đất phải từ 4m trở lên.
Thửa đất tiếp giáp với đường giao thông có bề rộng chỉ giới đường đỏ dưới 10m, diện tích tối thiểu được tách thửa phải từ 36m2 trở lên và chiều rộng mặt tiền, chiều sâu thửa đất phải từ 3m trở lên.
Trường hợp đất ở tại nông thôn, thửa đất tiếp giáp quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã diện tích tối thiểu được tách thửa phải từ 50m2 trở lên và chiều rộng mặt tiền, chiều sâu thửa đất phải từ 5m trở lên.
Diện tích đất ở đô thị tối thiểu được tách thửa phải từ 36m2 trở lên. Ảnh:Kinh tế đô thị |
Thửa đất tại khu vực các đảo diện tích tối thiểu được tách thửa phải từ 50m trở lên và chiều rộng mặt tiền, chiều sâu thửa đất phải từ 5m trở lên. Thửa đất tại khu vực còn lại diện tích tối thiểu được tách thửa phải từ 60m2 trở lên và chiều rộng mặt tiền, chiều sâu thửa đất phải từ 5m trở lên.
Đối với trường hợp tách thửa đất ở trong khu vực dân cư hiện hữu (kể cả đất ở có vườn ao) phải bố trí lối đi chung vào các thửa đất sau khi tách thì theo thỏa thuận thống nhất giữa chủ sử dụng của các thửa đất được tách nhưng đảm bảo chiều rộng lối đi chung tối thiểu là 1,5m.
Trường hợp tách thửa không thuộc khu vực dân cư hiện hữu mà phải bố trí lối đi chung thì chiều rộng lối đi chung theo thỏa thuận thống nhất giữa các chủ sử dụng của các thửa đất được tách; nhưng đáp ứng bề rộng tối thiểu của lối đi chung là 4m. Việc bố trí lối đi chung phải đảm bảo kết nối đồng bộ với hệ thống đường giao thông hiện hữu trong khu vực.
Trường hợp tách một phần thửa đất để chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở, phần diện tích tách thửa chuyển mục đích sang đất ở và diện tích đất nông nghiệp còn lại đảm bảo kích thước, diện tích tối thiểu tách thửa đất theo đúng một số quy định trên.
Đồng thời, việc chuyển mục đích sử dụng đất phải đáp ứng được điều kiện về hạ tầng kỹ thuật của khu vực, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện; quy hoạch phân khu đô thị hoặc quy hoạch chi tiết đô thị (nếu có), quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Dự án Cát Tường Smart City có vị trí tại xã Thụy Hòa và Yên Trung, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Dự án Cát Tường Smart City có phía Tây giáp trục đường 42 m nối với khu công nghiệp Yên Phong; phía Đông giáp trục đường 15 m và thôn Lạc Nhuế xã Thụy Hòa; phía Nam giáp trục đường 20,5m; phía Bắc giáp Khu nhà ở công nhân tại xã Yên Trung và xã Thụy Hòa.
Dự án Cát Tường Smart City có diện tích 9,7 ha; mật độ xây dựng 50,97%. Quy mô dự án gồm 10 tòa chung cư cao 9 tầng với khoảng 1.000 căn hộ diện tích từ 50 m2 – 72 m2 với 1 tầng hầm liên thông.
Nhà phố thương mại dự án Cát Tường Smart City có quy mô 119 lô xây dựng cao 6 tầng, diện tích từ 80 m2 – 107 m2, chiều rộng mặt tiền 5 m - 8 m, vỉa hè 4 m - 6 m, mặt đường 42 m (hướng Tây Bắc) và đường 15 m (hướng Đông Nam).
Tiện ích nội khu dự án Cát Tường Smart City: Công viên cây xanh, hồ điều hòa, trung tâm gym – yoga, trung tâm thương mại, bệnh viện đa khoa, trường học liên cấp, hệ thống nhà hàng, khách sạn, bãi đỗ xe thông minh…
Hình ảnh phối cảnh dự án Cát Tường Smart City. |
Tiện ích ngoại khu dự án Cát Tường Smart City cách KCN Yên Phong I 200 m, cách QL18 khoảng 600 m, cách thị trấn Yên Phong 2 km, cách sân bay Nội Bài 19 km, cách trung tâm TP. Hà Nội 30 km…
Dự án Cát Tường Smart City Bắc Ninh do Công ty Cổ phần Cát Tường làm chủ đầu tư; Công ty Cổ phần Tư vấn và Thi công Kiến trúc – Nội thất Việt Nam làm đơn vị thiết kế.
Công ty Cổ phần Cát Tường thành lập ngày 08/01/2001 do ông Phạm Tiến Dũng làm người đại diện pháp luật, vốn điều lệ 175 tỷ đồng, công ty có trụ sở chính tại khu đất mới đường Lê Thái Tổ, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.
Công ty Cổ phần Cát Tường hoạt động chính trong các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê; xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng.
Các sản phẩm tại dự án Cát Tường Smart City Bắc Ninh có giá bán trên thị trường từ 30 - 50 triệu đồng/m2.
© thitruongbiz.vn