Tin bất động sản ngày 1/5 đáng chú ý với thông tin UBND huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, vừa có quyết định chấm dứt việc tạm dừng đăng ký biến động đối với 2.385 thửa đất thuộc 114 khu đất có sai phạm liên quan kết luận của cơ quan thanh tra trước đó và các sản phẩm tại Dự án Sunset Town Phú Quốc có mức giá bán tham khảo trên thị trường từ 17 – 35 tỷ đồng/căn shophouse và các sản phẩm căn hộ có mức giá từ 4,9 – 11,7 tỷ đồng/căn...
UBND huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) vừa có văn bản gửi các đơn vị liên quan đến việc tạm dừng đăng ký biến động, khắc phục hậu quả các sai phạm trong quản lý đất đai...
Theo đó, UBND huyện chấm dứt việc đề nghị Văn phòng Đăng ký đất đai Chi nhánh Cam Lâm tạm dừng thực hiện các thủ tục đăng ký biến động đất đai đối với 2.385 thửa đất trên địa bàn. Các thửa đất này thuộc 114 khu đất đã có chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh về việc khắc phục hậu quả.
"Đề nghị Văn phòng Đăng ký đất đai Chi nhánh Cam Lâm tiếp tục giải quyết các thủ tục đăng ký biến động đất đai đối với các thửa đất đã nêu tại Công văn số 2096 ngày 14/7/2022 và Công văn số 3718 ngày 22/11/2022 của UBND huyện Cam Lâm", văn bản nêu.
UBND huyện giao phòng Kinh tế và Hạ tầng; phòng Tài nguyên và Môi trường; UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng cho đến khi có ý kiến chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền.
Trước đó, UBND huyện Cam Lâm đã có Công văn số 3718 về việc giải quyết các vấn đề liên quan đến 114 khu đất đã có kết luận sai phạm trong quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn huyện.
UBND huyện Cam Lâm yêu cầu Văn phòng đăng ký đất đai Chi nhánh Cam Lâm tạm dừng thực hiện các thủ tục đăng ký biến động đất đai đối với 2.385 thửa đất trên địa bàn. Các thửa đất này thuộc 114 khu vực đã có chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc khắc phục hậu quả các sai phạm trong quản lý đất đai, trật tự trên địa bàn huyện Cam Lâm.
Như đã đưa tin, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa đã họp, quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với Ban Thường vụ Huyện ủy Cam Lâm nhiệm kỳ 2015-2020 và nhiệm kỳ 2020-2025.
Gần 2.400 thửa đất ở huyện Cam Lâm được giao dịch trở lại. Ảnh: Zingnews |
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa cũng quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách tất cả chức vụ trong Đảng nhiệm kỳ 2015-2020 và nhiệm kỳ 2020-2025 đối với ông Nguyễn Trí Tuân (Phó chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy Cam Lâm nhiệm kỳ 2015-2020 và 2020-2025, nguyên Phó chủ tịch Thường trực UBND huyện Cam Lâm nhiệm kỳ 2016-2021) và bà Lê Phạm Thùy Ngân (Phó chủ tịch Thường trực UBND huyện Cam Lâm); thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Cam Lâm nhiệm kỳ 2015-2020 và nhiệm kỳ 2020-2025 đối với ông Lê Anh Tùng (Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Cam Lâm).
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa cũng đề nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trình cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Lương Dự (nguyên Bí thư Huyện ủy Cam Lâm, nguyên Chủ tịch HĐND huyện Cam Lâm) và ông Nguyễn Hữu Hảo (Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, Ủy viên Đảng đoàn HĐND tỉnh, nguyên Bí thư Huyện ủy Cam Lâm nhiệm kỳ 2020-2025, nguyên Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm nhiệm kỳ 2016-2021).
Tờ trình số 138, ngày 18/8/0 của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy cho thấy Ban Thường vụ Huyện ủy Cam Lâm nhiệm kỳ 2015 - 2020 và nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã vi phạm quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để UBND huyện tự đặt ra thủ tục "hiến đất" làm đường không đúng thẩm quyền, cho phép nhiều trường hợp tặng cho đất, tự nguyện trả lại đất cho nhà nước để làm đường, tách thửa không đúng quy định với diện tích lớn; không nghiêm túc chấp hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh; để nhiều cán bộ chủ chốt của huyện vi phạm nghiêm trọng pháp luật đất đai đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
Để xảy ra những vi phạm, khuyết điểm nêu trên, trách nhiệm thuộc về Ban Thường vụ Huyện ủy Cam Lâm nhiệm kỳ 2015 – 2020, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các ông, bà: Lương Dự, Nguyễn Hữu Hảo, Nguyễn Trí Tuân, Lê Phạm Thùy Ngân, Lê Anh Tùng và một số đảng viên, cán bộ của huyện Cam Lâm.
Những khuyết điểm, vi phạm của Ban Thường vụ Huyện ủy Cam Lâm nhiệm kỳ 2015 - 2020, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các đảng viên nêu trên đã làm ảnh hưởng đến quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật và tính đồng bộ trong quy hoạch trên địa bàn huyện; ảnh hưởng lâu dài đến công tác quản lý đất đai và trật tự xây dựng, đến sự phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương; gây hậu quả rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội và nguy cơ gây thất thu cho ngân sách nhà nước, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Hải Phòng đã và đang hiện thực hóa Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" theo Quyết định số 338/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, định hướng phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2030 sẽ là 52.700 căn; trong đó chỉ tiêu giai đoạn 2022-2025 là 15.400 căn, giai đoạn 2026-2030 là 18.100 căn.
Bắt kịp xu thế phát triển, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã ban hành một số văn bản, nghị quyết, chương trình về định hướng phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố. Trong đó phải kể đến điều chỉnh Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hải Phòng đến năm 2020, năm 2025 và năm 2030 đã được Ban Thường vụ Thành ủy đồng ý chủ trương tại Thông báo số 992-TB/TU ngày 14/7/2022, Hội đồng nhân dân thành phố thông qua tại Nghị quyết số 28/NQ-HĐND ngày 20/7/2022 và Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt tại Quyết định số 3399/QĐ-UBND ngày 11/10/2022.
Theo Chương trình này, đến năm 2025 Hải Phòng cần bổ sung khoảng 1,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội (tương đương 20.794 căn), đến năm 2030, con số này là khoảng 2,0 triệu m2 sàn (tương đương 27.994 căn).
Cùng với đó, Thành ủy Hải Phòng đã có Kết luận số 174-KL/TU ngày 4/4/2022, Hội đồng nhân dân thành phố đã ban hành Nghị quyết số 04/NQ-HĐND ngày 12/4/2022 về Đề án xây dựng nhà ở xã hội kết hợp giải quyết nhà ở cho các hộ dân sinh sống tại các chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Mục tiêu chính của Đề án là huy động nguồn vốn xã hội để xây dựng 5.700 căn hộ chung cư mới thay thế cho các chung cư cũ đã xuống cấp trên địa bàn thành phố...
Đến năm 2025, Hải Phòng cần bổ sung 1,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội. Ảnh minh họa: TTXVN |
Tại cuộc kiểm tra thực địa và nghe báo cáo tình hình thực hiện, triển khai một số dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trên địa bàn thành phố ngày 28/4/2023, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của Chương trình xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, liên quan trực tiếp đến định hướng phát triển thành phố Hải Phòng về đi đầu trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Để Chương trình này triển khai đạt hiệu quả cao, phù hợp với thực tiễn, ông Lê Tiến Châu đề nghị các ngành, đơn vị cần xác định rõ chỉ tiêu về nhà ở xã hội được giao, thống nhất cách tính toán. Các địa phương cần khẩn trương nghiên cứu phân vùng quy hoạch cho hợp lý, tính toán lại kỹ số lượng nhà ở thương mại hiện nay, trên cơ sở đó đánh giá, so sánh với yêu cầu, nếu cần thiết điều chỉnh quy hoạch từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội; đồng thời khẩn trương làm việc với chủ đầu tư để đẩy nhanh kế hoạch 20% nhà ở xã hội trong các dự án.
Việc xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố cần để ý đến chất lượng, tính tiện ích với đầy đủ các điều kiện về hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông; tính toán giảm tối đa chi phí, giảm giá thành, bảo đảm để người có thu nhập trung bình có thể tiếp cận được. Cùng với
đó, thành phố cần có các cơ chế pháp lý để chống tình trạng trục lợi chính sách; nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho người mua nhà, nhất là công nhân.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng thành phố, từ năm 2010 đến nay, Hải Phòng có 9 dự án nhà ở xã hội với tổng số 6.650 căn hộ đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 11 dự án nhà ở xã hội với quy mô 13.300 căn đang triển khai thi công và 5 dự án nhà ở xã hội với quy mô 14.400 căn đang thực hiện thủ tục đầu tư.
Nếu thuận lợi trong triển khai thi công thành phố sẽ có quỹ nhà ít nhất khoảng 12.600 căn vào giai đoạn cuối năm 2025 và nhiều nhất là 20.000 căn vào giai đoạn cuối 2025-2026. Như vậy, cơ bản mục tiêu xây dựng 20.794 căn vào năm 2025 đã có cơ sở để hoàn thành.
Điển hình trong số các dự án đã được chấp thuận chủ đầu tư, đó là Dự án Khu nhà ở xã hội tại tổng kho 3 Lạc Viên (số 142 Lê Lai, phường Máy Chai và phường Cầu Tre, quận Ngô Quyền), đã được Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng tổ chức khởi công, động thổ vào đầu tháng 3 vừa qua.
Đây là khu nhà ở xã hội đầu tiên của Đề án xây dựng nhà ở xã hội kết hợp với việc giải quyết nhà ở cho các hộ dân đang sinh sống tại các chung cư cũ, được khởi công có quy mô lớn nhất, với 10 tòa chung cư và các công trình công cộng, phục vụ cho khoảng 4.500 hộ dân sinh sống.
Chị Bùi Thị Lý, phường Máy Tơ, quận Ngô Quyền, Hải Phòng cho rằng Dự án Khu nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu ở cho người dân, đặc biệt là người dân tại các chung cư cũ trên địa bàn quận Ngô Quyền, quận Hồng Bàng và đảm bảo vệ môi trường tạo cảnh quan khu vực dân cư đô thị hiện hữu; nâng cao hiệu cao sử dụng đất, tiết kiệm quỹ đất đô thị và cung cấp các dịch vụ tập trung phục vụ cho đời sống nhân dân.
Cùng với các dự án đã được chấp thuận chủ đầu tư, một số dự án khác thành phố đang triển khai thủ tục; trong đó phải kể tới dự án nhà ở công nhân: Dự án xây dựng khu nhà ở công nhân viên Công ty Pegatron Việt Nam, chủ đầu tư đang thực hiện điều chỉnh thiết kế, dự kiến đảm bảo đủ điều kiện khởi công vào dịp 13/5/2023...
Tại buổi họp báo thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội, công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP HCM chiều 27/4/2023, ông Huỳnh Trịnh Phong, Trưởng phòng Quản lý thực hiện quy hoạch và pháp chế, Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP HCM, đã thông tin về tình trạng đất dân cư xây dựng mới trên địa bàn.
Theo ông Phong, theo Nghị định 85/2015 hướng dẫn về quy hoạch xây dựng, người lập quy hoạch phải dự trù sự phát triển về dân số, đô thị nên phải định hướng, dự kiến dành ra khu vực để đầu tư các công trình dân cư xây dựng mới.
Khái niệm “khu dân cư quy hoạch mới” là khái niệm trong quy hoạch và nhu cầu trong việc lập các đồ án quy hoạch, từ quy hoạch chung đến quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đều phải có định hướng những khu dành cho công trình xây dựng mới.
“Khái niệm “khu dân cư quy hoạch mới” là để định hướng thực hiện quy hoạch, không ảnh hưởng đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, không ảnh hưởng đến việc cấp phép xây dựng”, ông Phong nói
Ông Phong cũng cho biết thêm, “khu dân cư quy hoạch mới” là một dạng đất ở, khi muốn chuyển đổi mục đích thì phải đạt các điều kiện, tiêu chí theo Luật đất đai thì sẽ có khả năng chuyển đổi thành đất ở.
Liên quan đến nội dung này, ông Đậu Anh Phúc, Phó chủ tịch UBND Quận 12, TP HCM, cho rằng đất xây dựng mới là loại đất không được tách thửa, còn lại đều thực hiện bình thường như các loại đất khác, trong đó có chuyển đổi sang đất ở, xin giấy phép xây dựng… nếu đáp ứng các yêu cầu theo quy định của pháp luật.
Về cấp phép xây dựng thì cần tuân thủ theo Luật Xây dựng đối với những khu vực đã chuyển đổi thành đất ở và thỏa mãn một trong những điều kiện theo quy định. Trong đó, khu vực đó đã được lập quy hoạch chi tiết 1/500, để làm cơ sở cấp phép xây dựng cho người dân. Nếu như trong trường hợp chưa có quy hoạch chi tiết 1/500 thì dùng quy chế quản lý kiến trúc để cấp phép xây dựng.
Theo thống kê của UBND huyện Bình Chánh, TP HCM, hiện trên địa bàn có gần 15.000 ha đất được quy hoạch với chức năng là đất dân cư xây dựng mới, với gần 13.500 hộ dân bị ảnh hưởng.
Tại quận Bình Tân, TP HCM, theo thống kê từ các đồ án quy hoạch phân khu 1/2000 trên địa bàn quận có tổng cộng 155 khu đất đang được quy hoạch với hai chức năng là đất dân cư xây dựng mới và đất hỗn hợp, với quy mô hơn 341 ha.
Chỉ đạo về đất dân cư xây dựng mới, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM, cho biết sẽ phân công giải quyết dứt điểm vấn đề này, tại phiên họp về tình hình kinh tế, xã hội tháng 4 và bốn tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 5/2023 của TP HCM.
Theo đó, ông Mãi đề nghị tập trung giải quyết các dự án, vấn đề tồn đọng như báo cáo của các sở Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương...
Thủ tướng đã chỉ đạo mỗi tỉnh, thành phải thành lập các tổ công tác để giải quyết các vấn đề tồn đọng. Riêng TP HCM, tổ công tác này đã thành lập từ nhiều năm, sắp tới tổ trưởng sẽ do Chủ tịch UBND TP HCM đảm nhiệm và Phó chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường sẽ làm phó tổ trưởng thường trực.
"Hằng ngày, trong danh sách tổng hợp các phản ánh, ví dụ thông tin liên quan đến quy hoạch, hồ sơ đất đai, xây dựng được đề cập gần đây, chúng ta phải tiếp nhận, phân giao, đánh giá vấn đề để xử lý dứt điểm", ông Mãi chỉ đạo.
Sunset Town Phú Quốc (Thị trấn Hoàng Hôn) có vị trí tại bờ Tây Nam của Phú Quốc, thuộc Phường An Thới, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Dự án năm liền kề tuyến đường Nguyễn Văn Cừ, kết nối trực tiếp đến cảng hàng không Phú Quốc.
Sunset Town Phú Quốc có quy mô 39,9 ha được thiết kế xây dựng với mô hình căn hộ và shophouse. Dự án được phân thành các phân khu bao gồm:
Sun Premier Village Primavera (shophouse Địa Trung Hải): Có diện tích khoảng 15 ha, cung cấp ra thị trường bao gồm 289 căn shophouse mang phong cách Địa Trung Hải Amalfi. Mỗi căn shophouse có diện tích 120 – 320 m2 được xây dựng xao từ 3 – 6 tầng.
Shophouse The Center: Có diện tích 16,9 ha, cung cấp ra 364 căn shophouse mang phong cách kiến trúc Taormina nằm ngay trung tâm của thị trấn Hoàng Hôn. Các sản phẩm có diện tích từ 120 – 320 m2 với chiều cao xây dựng 5 tầng.
Phối cảnh Sunset Town Phú Quốc. |
Sun Grand City Hillside Residence: Có diện tích khoảng 16.902 m2 với mật độ xây dựng 42%, sở hữu 1.251 căn hộ và 63 căn shophouse khối đế. Trong đó, được thiết kế bao gồm 8 tòa tháp với chiều cao không quá 8 tầng, chỉ có tòa biểu tượng như Hillside Residence mới có chiều cao từ 16 – 20. Mỗi căn hộ có diện tích từ 25 – 55 – 70 – 102 m2.
Dự án Sunset Town Phú Quốc sở hữu các công trình biểu tượng như: Ga cáp treo Hòn Thơm, Cầu Hôn, Sun Signature Show, Sun Signature Gallery, tháp đồng hồ. Cùng các tiện ích nổi bật với quảng trường Con Sò, Spanish Step, thác nước trăm vòi, thang Rồng, cổng Pompeii…
Chủ đầu tư dự án Sunset Town Phú Quốc là Tập đoàn Sun Group, đây là đơn vị đầu tư và phát triển của hàng loạt dự án tại Phú Quốc như: Khu du lịch nghỉ dưỡng Sunrise Park Villa, Khu du lịch nghỉ dưỡng Hon Thom Paradise Island, dự án Sun Secret Valley, Khu đô thị Sun Grand City New An Thoi.
Các sản phẩm tại dự án có mức giá bán tham khảo trên thị trường từ 17 – 35 tỷ đồng/căn shophouse và các sản phẩm căn hộ có mức giá từ 4,9 – 11,7 tỷ đồng/căn.
© thitruongbiz.vn