Dù tiền gửi dân cư vẫn tiếp tục tăng thêm 123.000 tỷ đồng (tăng 1,74% so với cuối năm 2024) song tiền gửi tổ chức giảm mạnh đã khiến tổng huy động vốn của ngân hàng sụt giảm.
Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong tháng 1, tổng lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng giảm 0,75% so với cuối năm 2024 đạt 14,62 triệu tỷ đồng. Hiện chưa có số liệu tiền gửi quý I, nhưng với việc nhu cầu vốn cho vay đang gia tăng, các ngân hàng sẽ phải tìm cách cân đối nguồn vốn, đảm bảo an toàn thanh khoản.
Lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng gồm tiền gửi của người dân và tổ chức. Nhìn kỹ hơn vào số liệu tháng 1 thì giảm là do lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm khoảng 3%, khi các doanh nghiệp cần dùng tiền để xoay vòng cho sản xuất kinh doanh.
Còn đối với người dân, số lượng gửi vào hệ thống vẫn tăng thêm 1,74%. Nhiều người cho biết, ngân hàng vẫn là kênh gửi tiết kiệm an toàn, dù mặt bằng lãi suất tiền gửi gần đây có điều chỉnh giảm.
Cụ thể, trong tháng 1, tiền gửi từ các tổ chức kinh tế giảm tới 233.000 tỷ đồng so với tháng trước (giảm 3,04% so với cuối năm 2024). Như vậy, sau 5 tháng tăng liên tiếp, huy động vốn từ tổ chức kinh tế ghi nhận sụt giảm khá mạnh ngay từ đầu năm, dù các ngân hàng đang nỗ lực huy động vốn để chuẩn bị nguồn cho tăng trưởng tín dụng cao năm 2025.
Trước đó, trong tháng 12/2024, tiền gửi của dân cư chỉ tăng 65.000 tỷ đồng nhưng tiền gửi tổ chức tăng gần 400.000 tỷ đồng so với tháng liền kề.
Tính đến cuối năm 2024, huy động vốn thấp hơn gần 1 triệu tỷ đồng so với tín dụng (15,7 triệu tỷ đồng).
Cục Thống kê (Bộ tài chính) cho biết, tại thời điểm ngày 25/3/2025, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 1,36%, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,49%. Như vậy, tính tới 25/3, chênh lệch giữa huy động và cho vay của hệ thống ngân hàng đã lên tới 1,1 triệu tỷ đồng.
Huy động tăng chậm hơn cho vay đang gây áp lực cho hệ thống ngân hàng trong đáp ứng mục tiêu tăng trưởng nhanh giai đoạn tới.
Phát biểu tại một hội thảo cuối tháng 2/2025, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8-10%, là nhiệm vụ nặng nề với ngành ngân hàng.
Với nhu cầu vốn cho vay nền kinh tế đang gia tăng, Ngân hàng Nhà nước cũng cam kết thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn thanh khoản cho hệ thống. Các ngân hàng lớn có nguồn vốn dồi dào hơn, cũng thực hiện cung ứng vốn cho các ngân hàng nhỏ qua thị trường liên ngân hàng.
Theo báo cáo, thanh khoản hệ thống tương đối cân bằng khi Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bơm ròng qua thị trường mở trong tuần qua. Đồng thời, thực hiện việc chào mua giấy tờ có giá, lên đến 91 ngày để bơm thanh khoản dài hạn hơn cho hệ thống. Qua đó, hỗ trợ hệ thống tổ chức tín dụng cung ứng kịp thời nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh.
Từ ngày 25/2, Ngân hàng Nhà nước đã có cuộc họp khẩn với các ngân hàng thương mại, sau khi Thủ tướng ra công điện yêu cầu thanh tra, kiểm tra các ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động, xử lý nghiêm những đơn vị không thực hiện theo chỉ đạo.
Ngay sau cuộc họp này, các ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất tiền gửi. Từ ngày 25/2 đến ngày 14/4, có 27 ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất huy động, với mức giảm từ 0,1-1,05%/năm, tùy theo kỳ hạn.
Nhiều chuyên gia nhận định việc gửi tiết kiệm dường như không còn là ưu tiên hàng đầu của người dân sẽ khiến các ngân hàng khó khăn trong huy động vốn trung dài hạn, thanh khoản của ngân hàng eo hẹp, vốn hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế sẽ bị ảnh hưởng.
Lãi suất huy động tại các ngân hàng được dự báo có thể tiếp tục giảm nhưng mức giảm sẽ không quá nhiều. Việc tăng lãi suất là rất khó. Đồng thời, lãi suất cho vay của các ngân hàng được đánh giá sẽ giữ ổn định, thậm chí giảm nhẹ ở một số lĩnh vực ưu tiên.
© thitruongbiz.vn